Chân dung người tốt với người ngoài
Rất nhiều người tự xây dựng cho mình một hình ảnh “người tốt” trong mắt người ngoài, nhưng đối diện với người thân thiết nhất, người nhà thì lại vô cùng khó chịu. Họ lịch sự, hoà nhã với thế giới:
- Nhiệt tình, vui vẻ giúp đồng nghiệp
- Thoải mái hòa đồng hết mình trong các cuộc vui
- Thậm chí dễ dàng bỏ qua “không sao đâu” với lỗi của người khác…
Trong mắt người ngoài, họ thật sự là con người tử tế. Thế nhưng, đối với người thân thuộc bên cạnh họ lại trưng ra bộ mặt xấu xí vô cùng:
- Cáu gắt với người thân khi có 1 chút gì không vừa ý
- “Chuyện bé xé ra to”, dễ dàng bắt lỗi
- Thờ ơ, không nhiệt tình giúp đỡ người nhà…
Nghịch lý tốt với người ngoài, xấu với người nhà
Liệu có lý do gì để giải thích cho hành vi cư xử đáng xấu hổ này? Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con khám phá ngay qua những cách giải thích bên dưới, bạn nhé:
- Tính cách của người sĩ diện: Họ luôn muốn tạo vỏ bọc hoàn hảo cho mình. Họ thích lấy lòng người khác để tạo ra lợi ích cho mình. Họ đem năng lượng hòa nhã, tích cực để đối xử với bên ngoài để được tôn trọng, ca tụng, biết ơn… Vì vậy, nhóm người này dồn hết ức chế tích lũy từ bên ngoài, năng lượng tiêu cực mà họ nhận được đặt lên người thân thiết.
- Tính cách của người ưa dựa dẫm: Họ luôn cho rằng người thân sẽ luôn bao dung, không chấp nhặt, sẵn sàng yêu thương họ vô điều kiện. Vì vậy họ “xù lông”, cáu gắt với người nhà tùy tâm trạng mà không sợ mất lòng. “Tại sao ba mẹ không hiểu con?”, “Tại sao em cứ gọi điện thoại làm phiền anh liên tục?”.
- Tích cách của người thích lợi dụng: Ngững người này nghĩ người nhà đã chung sống cùng nhau trong khoảng thời gian đủ lâu để hiểu được thói quen, sở thích… của họ. Vì vậy khi có một vấn đề không đúng theo ý, họ mặc định người thân phải hiểu. Nếu bất kỳ ai đó không hiểu hoặc cố tình không muốn hiểu, không muốn họ thoải mái, dẫn đến bực dọc, họ sẽ trút giận lên người yêu thương.
- Tích cách người yếu đuối: Lại có rất nhiều người gặp phải áp lực, stress từ công việc bên ngoài nhưng họ không có cách nào hiểu được, chia sẻ được và thể biểu hiện để mọi người hiểu và chia sẻ mà phải âm thầm chịu đựng, nhẫn nhịn không dám lên tiếng. Vì vậy họ tốt với người ngoài nhưng khi đối diện với người nhà, áp lực từ họ lại vô tình bộc lộ ra mà không e dè, sợ hãi.
Tốt với người ngoài, sao bằng tốt với gia đình, người thân
Cuộc sống ngày càng phát triển nhanh. Con người cũng vì vậy ngày càng trở nên khó kiểm soát cảm xúc cũng như hành vi. Ra ngoài vô tư cười nói với bất kì ai, nhưng đối diện với bản thân và người nhà lại yếu đuối, mệt mỏi, lại đối xử tệ với người thân ruột thịt. Dần dần người yêu thương cũng bị họ tổn thương và rời xa họ dần dần.
Gia đình là nơi ấm áp để quay về, để bù đắp lại tổn thương tinh thần, để bảo vệ chở che chúng ta mỗi khi đau ốm, bệnh tật. Gia đình là những người thân thiết nhất sẵn sàng vì bạn, cho bạn tất cả. Người nhà luôn bao dung, biện minh cho sự “thiếu tử tế” của bạn, nhưng không phải là vô hạn. Một mối quan hệ dù bền vững đến đâu, đã rạn nứt sẽ không thể cứu vãn.
Vậy để tránh trở thành một người hoà nhã với người ngoài, cáu gắt với người nhà thì phải để ý những gì?
- Người ngoài suy cho cùng cũng chỉ là mối quan hệ xã giao. Bạn rất tốt với người ngoài, họ chưa chắc sẽ vì bạn thật lòng. Hãy giữ khoảng cách, mối quan hệ vừa đủ. Tình cảm, nhiệt tình bạn nên dành nhiều hơn cho người thân của mình.
- Người nhà dù thương yêu bạn đến đâu cũng không phải là bạn, họ không thể hiểu tất cả mong muốn, suy nghĩ của bạn. Bạn muốn gì, thích gì hãy lịch sự bày tỏ. Nếu vô tình có điều gì không tốt cho bạn, không vừa ý bạn, chắc hẳn họ cũng sẽ không thoải mái như bạn. Bởi người nhà luôn muốn dành điều tốt nhất cho bạn.
- Người yêu thương bạn cũng biết buồn, biết giận. Bạn tệ với họ, họ dễ tha thứ, nhưng không dễ quên. Nếu bạn không biết trân trọng, tử tế với người thân, đến một lúc nào đó, họ sẽ ngừng quan tâm, ngừng yêu thương và tử tế đối với bạn.
- Cố gắng cân bằng giữa công việc và gia đình để giảm áp lực mỗi khi về nhà. Dành nhiều thời gian chung bên nhau, tham gia các hoạt động thể thao giải trí cùng nhau để gắn kết tình cảm hơn cũng như giải toả căng thẳng tâm lí.
Ông bà xưa thường nói: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Dù là người ngoài hay người nhà, thì cách đối nhân xử thế tử tế, hòa nhã luôn là điều quan trọng.
Từ thuở còn bé, điều đầu tiên chúng ta được dạy chính là: “Tiên học lễ, hậu học văn”, ý muốn nói mỗi một người dù giỏi giang đến đâu thì lễ nghĩa luôn ở hàng đầu. Lễ phép, kính trọng ông bà cha mẹ; tôn trọng anh em, vợ chồng; nghiêm khắc nhưng chửi mắng con cái. Làm người như vậy mới đáng quý, đáng ngưỡng mộ.
Người hòa nhã, lịch sự, kiên nhẫn với người ngoài là điều tốt nhưng nếu thái độ xem thường, cáu gắt với người nhà, thì cũng sẽ vô cùng xấu xí. Đừng để sai lầm tốt với người ngoài khiến những mối quan hệ quan trọng rạn nứt dần, người thân dần rời xa, tất cả sẽ khó hàn gắn lại được.