Bạn đang đau đầu vì khi lên 3, con đột nhiên bướng bỉnh hơn bình thường, không còn nghe lời bố mẹ? Bạn không biết phải làm gì để trở thành một người bạn đồng hành của thiên thần nhỏ nhà mình? Khủng hoảng tâm lý trẻ 3 tuổi là một đặc điểm thường thấy ở hầu hết trẻ em. Đây cũng chính là lý do trong giai đoạn này, con thường lém lỉnh, có phần cứng đầu, khó dạy bảo hơn.
Khủng hoảng tâm lý trẻ 3 tuổi có đáng sợ?
Khi nghe đến “khủng hoảng”, nhiều bậc bố mẹ cho rằng đây là một điều gì đó rất to tát. Thật chất, đứa trẻ nào khi trải qua giai đoạn này cũng sẽ có sự thay đổi trong tâm lý, cách cư xử, hành động. Đây là điều hoàn toàn bình thường, đánh dấu một cột mốc phát triển mới của trẻ.
Tâm lý trẻ 3 tuổi sẽ bắt đầu thích quan sát những hành động của người lớn và muốn được bắt chước theo. Vì thế, trong giai đoạn này, nếu bố mẹ và người thân trong gia đình thực hiện những hành vi không tốt thì trẻ có thể lặp lại đúng những hành động này và trở thành thói quen xấu của con.
Ngoài ra, trong giai đoạn này, trẻ cũng bắt đầu phát triển kỹ năng thể hiện cảm xúc. Bố mẹ có thể thấy trẻ thường xuyên thay đổi trạng thái cảm xúc của mình, từ vui vẻ đột ngột chuyển sang buồn bã, tức giận. Đây là một diễn biến bình thường trong tâm lý trẻ 3 tuổi nên bạn đừng quá lo lắng nhé.
Do tâm lý trẻ 3 tuổi sẽ bắt đầu học cách tự lập, muốn được “thể hiện” chính mình, cho bố mẹ thấy con đã lớn nên con muốn được làm theo ý mình. Vì vậy, bạn có thể sẽ cảm thấy bất ngờ khi giờ đây con kiên quyết không nghe theo hướng dẫn của bố mẹ.
Con thường phản kháng với những yêu cầu từ người lớn và mong muốn mọi người có thể đồng ý theo những quyết định của mình. Ngay cả khi bố mẹ có quát mắng hay sử dụng đòn roi để yêu cầu con phải vâng lời, thì con cũng chỉ đáp trả bằng cách lắc đầu, nói không, khóc lóc, gào thét và thậm chí là ăn vạ.
Xem thêm: Cách dạy con ngoan không cần đòn roi và nước mắt
Theo các chuyên gia, khủng hoảng tâm lý trẻ 3 tuổi là một điều vô cùng bình thường trong giai đoạn phát triển ở những năm đầu đời của trẻ. Khi lên 3, trẻ sẽ bắt đầu hình thành “cái tôi” riêng cũng như những năng lực nhất định. Vì thế, con có nhu cầu được khẳng định bản thân, muốn được tự lập quyết định và làm tất cả mọi thứ.
Tuy nhiên, không phải việc nào bé cũng tự mình làm được. Sự mâu thuẫn giữa nhu cầu và năng lực chính là nguyên nhân khiến trẻ dễ cáu bẳn, “nổi khùng” khi không thể hoặc không được làm việc mà mình muốn.
Cách giúp con vượt qua khủng hoảng tâm lý trẻ 3 tuổi
Để con được tự lập
Đây chính là lúc bạn áp dụng các cách dạy con tự lập đây. Hãy bắt đầu dạy trẻ từ những điều đơn giản nhất như tự gấp quần áo của chính mình, cất đồ chơi vào rổ đựng sao cho gọn, dùng khăn mềm để lau mặt bàn như thế nào…
Hãy kiên nhẫn với con bạn nhé. Khi trẻ được tự làm các việc này, con sẽ vui vì cảm nhận rằng mình đã lớn, được tự làm mọi thứ. Hơn nữa, việc có khả năng để hoàn thành công việc mà không cần bố mẹ cũng sẽ khiến con rất tự hào đấy vì nhìn chung, tâm lý trẻ 3 tuổi vẫn muốn mình được ghi nhận như một người trưởng thành.
Tôn trọng con
Như Mẹ và Con đã bật mí cùng bạn, 3 tuổi là giai đoạn trẻ hình thành “cái tôi” riêng của mình. Vì thế, để con có thể vượt qua khủng hoảng tâm lý trẻ 3 tuổi, bố mẹ cần học cách tôn trọng con. Hãy đối xử với bé như một người lớn, không miễn cưỡng, không ép buộc.
Đừng nói những câu ra lệnh với bé như “Con cần phải cất hết đồ chơi của con đi!” hay “Con mau đi ngủ cho mẹ.” vì điều này sẽ khiến trẻ có tâm lý phản kháng do không được xem trọng. Hãy giải thích với con trước khi bạn muốn con làm bất cứ một điều gì để trẻ cảm thấy mình thật sự được tôn trọng.
Hướng dẫn con cách giải tỏa cảm xúc của mình
Việc khủng hoảng tâm lý trẻ 3 tuổi đôi lúc sẽ khiến con cảm thấy bực bội vì không biết phải làm gì với những cảm xúc của mình. Lúc này, bạn có thể hướng dẫn cho con một số cách để giải tỏa những cảm xúc này. Ví dụ như khi thấy trẻ đang buồn bã hoặc tức giận, có xu hướng chuẩn bị quấy khóc, bạn có thể rủ trẻ tham gia một số trò chơi vận động. Các hoạt động thể chất có thể giúp giải phóng năng lượng tiêu cực bên trong trẻ để con kiểm soát những hành vi không nên có.
Thảo luận và nhất quán với trẻ
Tâm lý trẻ 3 tuổi sẽ bắt đầu muốn phản kháng và hy vọng bố mẹ nghe theo ý mình. Vì thế, tốt nhất bố mẹ và trẻ nên có những “cuộc họp gia đình” để cùng trẻ thảo luận, từ đó đưa ra nguyên tắc chung. Trẻ sẽ cảm thấy nghe lời hơn vì bố mẹ tôn trọng con và xem con như người lớn, cho phép con đưa ra ý kiến trong những cuộc đối thoại.
Chẳng hạn như khi trẻ muốn xem tivi mỗi tối, đừng cấm trẻ mà hãy đặt ra nguyên tắc mỗi ngày các thành viên trong gia đình chỉ được xem 15-20 phút sau khi ăn cơm xong và chia sẻ với trẻ rằng, “người lớn” phải giữ lời. Và đừng quên chính bố mẹ cũng cần thực hiện theo những nguyên tắc được đề ra để làm gương cho trẻ nhé.
Xem thêm: Trẻ mấy tuổi thì được xem tivi ?
Chia sẻ cùng con
Nếu bạn muốn con không cáu gắt, khi thấy con khó chịu về một vấn đề gì đó, hãy hỏi con xem con đang gặp vấn đề gì. Đôi khi, trẻ sẽ không đủ ngôn từ để diễn tả những gì mình muốn. Bạn có thể quan sát tình huống hiện tại và đưa ra những gợi ý cho con. Nếu thấy trẻ đang ngồi trên giường cùng rất nhiều quần áo, bạn có thể hỏi: “Có phải con quên cách xếp chiếc áo này rồi không? Mẹ hướng dẫn lại rồi con hãy tự gấp quần áp nhé!”
Khủng hoảng tâm lý trẻ 3 tuổi là một vấn đề khiến nhiều bố mẹ đau đầu. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng bạn nhé. Chỉ cần nhẹ nhàng, kiên nhẫn với con thì trẻ sẽ có thể mau chóng vượt qua được cửa ải này đấy!