Nếu rơi vào trường hợp này, hãy… bình tĩnh và tin rằng bạn không phải là người vợ duy nhất trên đời từng rơi vào tâm trạng đó. Cái “khó” nhất là bạn giận nhưng lại không nỡ trách móc quá quyết liệt (như trường hợp chàng phạm phải những thói hư tật xấu: rượu chè, bài bạc…). Có không ít đôi vợ chồng trẻ, hàng tháng không để dành ra được khoản nào dù thu nhập đều ở mức khá cao và đều tiết kiệm, tằn tiện, không dám chi tiêu riêng cho bản thân mình. “Biết sao được khi lúc nào, bên gia đình chồng cũng có những lý do riêng để hỏi trợ cấp hoặc hỏi mượn – mượn… không biết ngày nào trả. Lúc thì lo học phí cho em vào đại học. Lúc thì ở nhà, đàn gà chết vì dịch bệnh. Lúc thì cần lo đám cưới cho cô em kế. Lúc lại mượn tiền vì đứa cháu nào đấy đang ốm, mà dưới quê cần gấp một khoản tiền…”, – Thu Hà, một người vợ trẻ nói như… mếu.
Làm thế nào trong trường hợp đó? Chồng bạn là người có trách nhiệm với gia đình, là người con, người anh tốt, điều đó hoàn toàn đáng hoan nghênh. Nhưng đừng bao giờ để điều ấy trở thành gánh nặng đáng sợ cho chính bạn cũng như cuộc sống riêng của gia đình bạn. Những “công thức” nhỏ sau sẽ giúp bạn cân bằng được chuyện “bên tình bên hiếu” trong gia đình…
1. Ngồi xuống thẳng thắn bàn lại kế hoạch chi tiêu với nhau!
Hai vợ chồng hãy thẳng thắn bàn lại kế hoạch chi tiêu trong gia đình sao cho hợp lý. (Ảnh minh họa)
Đừng vì ngại chồng nghĩ mình ích kỷ hay xấu tính mà âm thầm chịu đựng. Bạn phải biết là sức chịu đựng của con người có giới hạn. Nếu không được giải tỏa sớm, đây rất có thể là nguyên nhân dẫn đến những đổ vỡ gia đình. Hãy báo rõ lại để chồng bạn biết về mức thu nhập hiện tại của cả hai và nhắc để anh ấy hiểu rằng, anh ấy phải có trách nhiệm với gia đình riêng, chứ không thể sống y như ngày… chưa vợ.
2. Đưa ra mức tiết kiệm căn bản
Hoàn toàn không phải là ích kỷ hay xấu tính. Nhưng đừng quên, bạn chính là người nội tướng tay hòm chìa khóa trong gia đình. Cũng đừng quên, bạn còn có con và những nỗi lo toan nhất định cho một mái ấm chung. Nếu không phải là những đau ốm ngặt nghèo, hãy đưa ra một mức tiết kiệm căn bản và thuyết phục chàng “tuân theo”. Bạn có thể cùng chàng hỗ trợ gia đình chồng, nhưng những khoản tiết kiệm căn bản thì hãy đề nghị chàng không đụng tới. Có thể một vài lần đầu, chàng giận. Nhưng hãy sử dụng sự mềm mỏng của mình để thuyết phục, chàng sẽ hiểu là bạn đúng.
3. Giúp “cần câu” chứ không giúp “con cá”
Sự giúp đỡ, nếu không khéo léo, dễ dẫn đến tình trạng những người thân trong gia đình chàng trở nên… ỷ lại và mặc nhiên xem đó là “trách nhiệm, nghĩa vụ” không thể thoát ra. Không ít “nhà tài trợ chính” là các anh chồng, sau khi lo cho bố mẹ, lại tiếp tục lo cho các em. Bố mẹ chồng, đương nhiên bạn phải có trách nhiệm báo hiếu. Với các anh/chị/em chồng, trừ trường hợp mất khả năng lao động, còn lại nếu thực sự cần giúp đỡ, hãy giúp đỡ theo hướng hỗ trợ công ăn việc làm, chứ không phải giúp… nuôi dưỡng (đặc biệt là sau khi đã quá 22 tuổi).
Và tất nhiên, đừng quên một điều căn bản là nếu thấy chồng mình có tính cách “nhà tài trợ” thế này, hãy thẳng thắn bàn bạc càng sớm càng tốt với chồng. Càng để lâu, những điều này càng dễ gây nên nguy cơ cho gia đình bạn.