Mẹ và Con - Do chưa phát triển hoàn thiện nên trẻ chưa bộc lộ tất cả cảm xúc qua lời nói, đặc biệt là trẻ ở giai đoạn từ 1 - 3 tuổi, nên mọi buồn, vui, giận của trẻ được thể hiện bằng ngôn ngữ cơ thể. 

Nhiều bố mẹ vẫn nghĩ những hành động của trẻ chỉ đơn thuần xuất phát từ sự nghịch ngợm. Đây là hiểu lầm của đại đa số phụ huynh, vì ngôn ngữ cơ thể của trẻ không chỉ đơn giản là buồn vui giận mà còn là mong muốn, nỗi sợ, lo lắng… và vô vàn cảm xúc khác. Cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu ngay, bố mẹ nhé!

Không dám nhìn thẳng vào mắt bố mẹ: Con đang xấu hổ hoặc có điều muốn giấu 

Bố mẹ biết không, việc trẻ quay mặt đi và né tránh ánh mắt của bố mẹ chính là biểu hiện của cảm xúc xấu hổ. Trẻ thường làm như vậy nếu như hành động mà bé làm trước đó có thể khiến bạn buồn hay tức giận. Ví dụ, trẻ biết rằng bố mẹ sẽ rất giận vì mình vừa vẽ lên tường. Trẻ cũng có thể đang muốn giấu bố mẹ việc được ông bà mua kẹo, bánh… nhưng sợ bố mẹ biết sẽ không cho mình ăn. 

Nếu nhận thấy hành động ở bé, bố mẹ nên nói rõ với con rằng bé đang sai ở điểm nào bằng những câu đơn giản như: Con không được đẩy bạn như vậy, Con không nên vẽ lên tường vì vệ sinh rất khó. Nếu như phát hiện bí mật của bé đang giấu, các bạn cũng đừng tỏ ra đã biết, thay vào đó hãy nói những câu mang tính đảm bảo, lời hứa giữa bạn và bé như: Khi nào con được cho bánh, kẹo mẹ sẽ giữ giúp con và cho con ăn mỗi khi con làm được một chuyện tốt (dọn đồ chơi, học bài xong…). Có như vậy, trẻ sẽ không sợ khi chia sẻ bí mật với bạn. Đây cũng được xem là một trong những cách đơn giản giúp bạn hiểu trẻ hơn.

ngôn ngữ cơ thể

Con muốn đem thật nhiều đồ chơi lên giường ngủ: Con đang rất sợ

Ở độ tuổi này, trí tưởng tượng của trẻ sẽ rất phong phú, bên cạnh những điều đẹp đẽ như trong cổ tích, siêu anh hùng sẽ có không ích những ác mộng về quái vật, ông kẹ… sẽ xuất hiện trong tủ quần áo, gầm giường. Để đỡ sợ hơn bé sẽ nhờ vào những “người bạn” của mình là những món đồ chơi thân thuộc. Lúc này bạn sẽ thấy bé đặt rất nhiều đồ chơi xung quanh giường ngủ.

Vậy làm sao để giúp trẻ, bố mẹ nhỉ? Để giúp bé thoát khỏi tình trạng này, bố mẹ không chỉ dừng lại ở việc giải thích rằng trong tủ quần áo hay gầm giường sẽ không có những thứ đáng sợ, vì trẻ sẽ nghĩ rằng đối với mắt người lớn sẽ không thể nhìn thấy những thứ này. Hơn nữa bé sẽ cảm nhận rằng, bố mẹ không hiểu mình. Cách tốt nhất để giúp trẻ là hãy đồng ý cho trẻ đem những món đồ chơi lên giường, bên cạnh đó bạn nên thường xuyên kể những câu chuyện cổ tích có nội dung đơn giản mang ý nghĩa tốt đẹp cho bé nghe.

Ngôn ngữ cơ thể che mặt khi gặp người lạ: Đây là ai vậy mẹ?

Ngôn ngữ của trẻ chưa phát triển toàn diện như người lớn, nên khi lo lắng hay không thoải mái trước mặt người lạ trẻ sẽ thể hiện hành động kéo áo lên miệng và ngậm chặt, túm chặt áo, ôm lấy chân bố mẹ… Đây đều là những hành động bình thường.

Lúc này, bố mẹ có thể giúp bé bình tĩnh lại bằng những lời nói nhẹ nhàng hơn. Trẻ nhỏ thường nhìn vào hành động của bố mẹ để tìm ra những phản ứng cho các tình huống mới mẻ. Chính vì vậy, nếu như gặp người quen nhưng trẻ chưa từng gặp thì bố mẹ hãy thả lỏng và cười thật tươi đến chào hỏi người lạ, đồng thời nắm tay trẻ thật chặt sau đó bạn nên giới thiệu đúng theo thứ tự là: Giới thiệu người lớn với bé, tiếp đến bạn giới thiệu bé với người lớn. Làm như vậy bé sẽ cảm thấy yên tâm hơn.

Con trốn ở sau ghế khi muốn ị ra bỉm: Con cần “không gian” riêng tư

Bạn có bao giờ nhận thấy rằng trẻ đang chơi vui vẻ đột nhiên lặng lẽ đi ra sau ghế và đứng yên rất lâu? Đây rất có thể là do bé đang muốn ị ra bỉm đấy. Sau khi “giải quyết” xong trẻ sẽ được đòi thay bỉm. Nếu thấy hành động này của bé, bạn nên tôn trọng sự riêng tư và hướng dẫn trẻ vào nhà vệ sinh kể cả trẻ chưa sẵn sàng ngồi vào bồn cầu.

Ngôn ngữ cơ thể đột nhiên trẻ ném đồ chơi lung tung: Con cảm thấy khó chịu, không thoải mái

Nếu bố mẹ thấy trẻ ném đồ hay đập đồ chơi lung tung thì đây có thể là phản ứng bình thường trong một trường hợp nhất định chứ không phải là dấu hiệu của tính cách của con đã thay đổi. Khi đó trẻ chỉ muốn nói với bố mẹ rằng: “Con đang chán”, “Con đang mệt”, “Con muốn được bố mẹ chú ý”…

Trong trường hợp này, bạn nên tìm thật kỹ nguyên nhân, nếu bé yêu đang có vẻ chán nản bố mẹ hãy thử rủ con cùng chơi gì đó, chứ không nên mặc kệ hành động quậy phá của trẻ. Bên cạnh đó, bố mẹ nên đưa ra giao ước với trẻ là không được có hành động như vậy vì như vậy sẽ làm các “bạn” đồ chơi đau.

Cảm thấy khó chịu khi bố mẹ đang cắt trái cây: Con muốn ăn ngay! 

Trẻ nhỏ rất dễ mất kiên nhẫn. Đó là vì phần vỏ não trước trán (chịu trách nhiệm về khả năng tự kiểm soát của con người) chỉ bắt đầu phát triển mạnh khi trẻ được 2-7 tuổi. 

Thay vì nuông chiều bằng cách đáp ứng nhu cầu của trẻ ngay lập tức, thì bố mẹ nên nói rằng bố mẹ đã nghe thấy yêu cầu của trẻ và sẽ làm theo yêu cầu đó nhanh nhất có thể. Rồi sau đó, trong quá trình chuẩn bị đồ cho trẻ, bố mẹ có thể nói về những bước cụ thể mà mình đang làm. Chẳng hạn: “Mẹ rửa tay xong rồi đây, giờ mẹ sẽ lau tay, rồi sẽ mở tủ lạnh và lấy quả dâu cho con nhé!”. Đây chính là cơ hội để trẻ học được một đức tính quan trọng – sự kiên nhẫn.

tâm lý của trẻ

Hét lên khi anh chị em mình lại gần mẹ: Mẹ hết thương con rồi à? 

Hành động “bám dính” và muốn sở hữu có thể cho biết rằng, trẻ cảm thấy bố mẹ chưa chú ý đủ đến mình. Điều này đặc biệt đúng khi bố mẹ thường xuyên bận rộn, về muộn hoặc mẹ mới sinh thêm em bé. Còn nếu hoàn cảnh sống không có gì thay đổi, hành vi sở hữu đó có thể chỉ là một phần trong sự phát triển nhận thức về bản thân của trẻ. Và trong trường hợp này, thì đó lại là một dấu hiệu tốt vì nó cho thấy trẻ có ý thức về bản thân và những gì có giá trị đối với mình.

Vậy nên, mẹ hãy ôm và nói với trẻ rằng: “Đương nhiên rồi, mẹ là mẹ của con và mẹ rất yêu con”. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể nhân cơ hội này để dạy trẻ một chút về sự chia sẻ. Chẳng hạn, nếu trẻ “giành” mẹ ngay cả khi mẹ trò chuyện với bạn bè của trẻ, thì mẹ có thể nói: “Mẹ là mẹ của con, không phải mẹ của bạn A, B, C… nhưng mẹ vẫn nên đối xử thật tốt và vui vẻ với các bạn khác chứ”. 

Mỗi ngôn ngữ cơ thể của trẻ đều là những biểu hiện cảm xúc đơn thuần bên trong trẻ. Chính vì vậy bố mẹ hãy giải quyết bằng cách tìm hiểu đúng nguyên nhân và sử dụng lời nói, hành động phù hợp để giúp trẻ kiểm soát những ngôn ngữ cơ thể luôn đúng mực nhé! 

Bài viết liên quan