Canxi rất quan trọng cho sức khỏe xương và răng, cũng như cho sự hoạt động của cơ, tim và hệ thần kinh. Trong quá trình mang thai, nhu cầu canxi của phụ nữ tăng lên đáng kể để đáp ứng cho sự phát triển của thai nhi. Vậy, nhu cầu canxi ở mẹ bầu là bao nhiêu?
Triệu chứng thiếu canxi ở phụ nữ có thai là gì? Cần làm gì khi có xuất hiện triệu chứng thiếu canxi? Mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết sau.
Vai trò của canxi
Canxi giúp giữ nhịp tim ổn định và tham gia nhiều quá trình chuyển hóa quan trọng trong cơ thể. Đặc biệt là phụ nữ mang thai và cho con bú càng cần chất này hơn hết. Canxi giúp thai nhi phát triển hệ xương và thần kinh toàn diện. Canxi còn là chất điều hòa quá trình đông máu, chống loãng xương, xốp xương, tăng cường khả năng sản xuất sữa sau khi sinh.
Canxi giúp giữ nhịp tim ổn định, tham gia nhiều vào quá trình chuyển hóa quan trọng của cơ thể
Nhu cầu canxi của mẹ bầu thay đổi rõ rệt theo từng giai đoạn mang thai:
- 3 tháng đầu: Khoảng 800-900 mg canxi/ngày.
- 3 tháng giữa thai kỳ, nhu cầu canxi là 1.000-1.200mg/ngày.
- 3 tháng cuối, phụ nữ có thai cần hàm lượng canxi lên tới 1.500mg/ngày để cung cấp đủ canxi cho thai nhi phát triển khỏe mạnh.
- Khi cho con bú, nhu cầu canxi cũng cần được bổ sung với lượng cần thiết ngang bằng với 3 tháng cuối của thai kỳ
Thiếu canxi sẽ dẫn tới nhiều tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe của cả mẹ lẫn con. Do đó, bạn cần chú ý triệu chứng thiếu canxi để kịp thời bổ sung.
Nguyên nhân gây thiếu canxi
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới triệu chứng thiếu canxi ở phụ nữ, trong đó có thể kể đến như sau:
- Không bổ sung đủ canxi từ chế độ ăn uống: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây thiếu canxi. Nhiều bà bầu ít chú ý đến việc ăn uống giàu canxi, mà thường tập trung vào vitamin, đạm.
- Thiếu vitamin D: Vitamin D giúp cơ thể tăng cường khả năng hấp thụ canxi. Trái lại, nếu cơ thể thừa đạm sẽ gia tăng lượng canxi bị bài tiết. Đây là nguyên nhân khá phổ biến dẫn tới triệu chứng thiếu canxi ở phụ nữ.
- Không bổ sung canxi dạng uống: Các sản phẩm này sẽ kèm theo vitamin D3, vitamin C, magie, kẽm, sắt… giúp tăng cường khả năng hấp thụ và sử dụng canxi của cơ thể. Tuy nhiên, nhiều người không biết đến lợi ích của canxi dạng uống, hoặc lo ngại tác dụng phụ, nên không sử dụng. Thực tế, rất khó để bổ sung đủ canxi cũng như nhiều vi chất khác qua đường ăn uống khi mang thai và cho con bú.
- Mắc bệnh lý liên quan đến canxi: Một số bệnh lý có thể gây thiếu canxi ở phụ nữ có thai, ví dụ như viêm ruột, bệnh suy giáp, bệnh thận, bệnh gan… Những bệnh lý này có thể làm giảm khả năng hấp thụ canxi của ruột, hoặc làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu.
Triệu chứng thiếu canxi thường gặp
Để đảm bảo cung cấp đủ canxi cho mẹ lẫn bé, bạn nên chú ý theo dõi những dấu hiệu thai nhi thiếu canxi thường gặp sau:
- Đau lưng khi mang thai: Đây là một trong những triệu chứng thiếu canxi ở phụ nữ có thai phổ biến nhất. Nguyên nhân là do thiếu canxi làm giảm khả năng chịu lực của xương và làm xương yếu đi, dễ đau nhức.
- Chuột rút và đau nhức cơ bắp: Thiếu canxi có thể gây ra tình trạng chuột rút và co cứng và đau nhức cơ bắp, đặc biệt là ở vùng đùi và chân. Triệu chứng thiếu canxinày là do canxi tham gia vào hoạt động siết và giãn cơ, giúp cơ bắp hoạt động trơn tru.
- Mệt mỏi, mất ngủ, lo âu: Thiếu canxi cũng gây mệt mỏi, mất ngủ, lo âu, căng thẳng, trầm cảm. Triệu chứng thiếu canxi này xuất hiện vì canxi có tác dụng điều hòa các chất dẫn truyền thần kinh, giúp duy trì trạng thái cân bằng tâm lý.
- Hỏng men răng, sâu răng, răng lung lay: Đây cũng là một triệu chứng thiếu canxi dễ theo dõi.
- Tê tay chân, co giật cơ mặt và bàn tay: Đây là triệu chứng thiếu canxi ở mức nghiêm trọng có thể gây biến chứng nguy hiểm. Khi thiếu quá nhiều canxi, cơ thể sẽ bị mất cân bằng điện giải. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dễ dẫn tới các biến chứng như suy tim, suy hô hấp, suy thận, hội chứng Eclampsia (động kinh do cao huyết áp trong thai kỳ).
- Dấu hiệu trẻ thiếu canxi: Triệu chứng thiếu canxi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là khó ngủ, ngủ không ngon, xương khớp dị dạng, thóp liền muộn, chậm mọc răng, lười bú, dễ ọc sữa, kém phát triển nhận thức…
Mẹ bầu khi thiếu canxi rất dễ bị tê tay và chân
Cách phòng ngừa thiếu canxi
- Bổ sung canxi thông qua chế độ ăn uống, các loại thực phẩm giàu canxi như như sữa, cá, trứng, hải sản, các loại rau (rau diếp, bắp cải, cải xoăn, cần tây), đậu và các sản phẩm từ đậu (như đậu nành, đậu phộng, đậu xanh, đậu đỏ, đậu lăng…), hạt và các loại hạt (như hạnh nhân, óc chó, hạt dẻ, hạt điều, hạt bí…)…
- Tránh ăn mặn vì có thể làm tăng thải canxi qua đường tiểu.
- Bổ sung canxi dạng uống hoặc thực phẩm chức năng theo đúng nhu cầu. Chú ý chọn các sản phẩm chất lượng tốt, được kiểm nghiệm và chứng nhận an toàn, và tuân theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất hoặc bác sĩ.
- Cần tắm nắng, tập thể dục nhẹ nhàng đều đặn để tăng cường sức khỏe. Vận động giúp kích thích quá trình trao đổi chất của cơ thể, tăng cường sức khỏe xương và cơ bắp, giảm căng thẳng và mệt mỏi.
- Theo dõi sức khỏe và khám bác sĩ định kỳ. Đây là việc cực kỳ quan trọng để đảm bảo mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh. Bạn nên khám định kỳ để kiểm tra mức canxi trong máu, xét nghiệm nước tiểu, tiến hành siêu âm trong thai kỳ và các chỉ số khác. Nếu có triệu chứng thiếu canxi nặng cần đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra và xử lý nhanh nhất có thể.
Đi khám thai định kỳ sẽ giúp mẹ phòng ngừa tình trạng thiếu hụt canxi
Thiếu canxi ở phụ nữ có thai và cho con bú rất dễ dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng cho mẹ lẫn bé. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, để tránh bị thiếu canxi mẹ cần cân bằng dinh dưỡng, vận động thể thao phù hợp, luôn thực hiện đúng theo lịch siêu âm và khám thai định kỳ và nhất là chú ý các triệu chứng thiếu canxi sớm.