Mẹ&Con - Suy giáp ở phụ nữ mang thai thường đưa đến rất nhiều hậu quả và nguy cơ cho thai nhi.

Chào bác sĩ!

Tôi có thai mới được 10 tuần nhưng thấy cơ thể xuất hiện một vài dấu hiệu bất thường như chóng mặt rất nhiều giống bị thiếu máu, tay chân đau suốt. Đi khám ở bệnh viện, sau khi thực hiện một số xét nghiệm thì bác sĩ báo tôi bị suy giáp, có nguy cơ ảnh hưởng nhiều đến thai nhi vì đang là những tháng đầu. Tôi rất lo lắng vì bệnh nghe lạ quá. Tôi chưa thấy người quen nào bị cả. Mong bác sĩ tư vấn giúp bệnh này ảnh hưởng thế nào đến em bé? Tôi có thể giữ được bé không và nên làm những gì trong lúc này? Xin chân thành cảm ơn bác sĩ.

Nguyễn Thị Quỳnh Mai (Quận 10)

 Bác sĩ trả lời

Tôi rất tiếc phải nói rằng suy giáp ở phụ nữ mang thai (nhất là trong những tháng đầu như bạn) thường đưa đến rất nhiều hậu quả và nguy cơ cho thai nhi. Bạn cần hiểu thế này, tuyến giáp của thai nhi chỉ được hình thành và bắt đầu hoạt động ở tuần thứ 10 – 12 của thai kỳ. Nghĩa là trong 12 tuần đầu tiên, như tình trạng của bạn bây giờ, thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn hocmon tuyến giáp từ mẹ. Mẹ bị suy giáp thì con cũng có nguy cơ rất cao bị suy giáp. Trong khi đó, hocmon tuyến giáp lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phân chia, hình thành các cơ quan cũng như sự phát triển bộ não của trẻ. Trẻ bị suy giáp bẩm sinh (suy giáp từ trong bụng mẹ) có thể bị những bất thường trầm trọng về trí tuệ và thể chất nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, “còn nước còn tát”, bạn nên trao đổi cụ thể với bác sĩ đang theo dõi cho bạn, để tùy tình hình cụ thể mà quyết định (một số trường hợp vẫn có thể giữ an toàn cho em bé và điều trị sớm bằng cách bổ sung hocmon tuyến giáp ngay sau khi sinh).

Quay lại chuyện suy giáp của bạn, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân tiền sử gia đình. Người có bướu cổ to, đang điều trị cường giáp bằng thuốc kháng giáp nhưng lại gặp liều quá cao, v.v.. Suy giáp ở phụ nữ mang thai có thể gây nên những biến chứng liên quan đến sản khoa như tiền sản giật, bất thường bánh nhau, chảy máu nhiều sau khi sinh, v.v. nên rất cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ.

Điều đáng ngại là không như các bệnh khác, bệnh về tuyến giáp nếu ở mức nhẹ rất khó phát hiện vì không có triệu chứng gì đặc biệt và diễn tiến nặng từ từ. Do đó, cách tốt nhất và an toàn nhất để ngăn ngừa từ đầu là khám thai đầy đủ, kiểm tra suốt quá trình mang thai (nhất là với người từng có vấn đề về tuyến giáp trước đó) vì tình trạng các bệnh về tuyến giáp có thể thay đổi, nặng lên do ảnh hưởng của quá trình mang thai mà không biết. Tốt hơn hết, chỉ có thai khi đã về được trạng thái bình giáp (bình thường). Mong bạn vượt qua được những ngày tháng khó khăn và có những kết quả điều trị tốt cho cả hai mẹ con.

Tags:

Bài viết liên quan