Những ngày gần đây, tuy Việt Nam không ghi nhận các ca bệnh lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng, nhưng số chủng mới vẫn có dấu hiệu tăng lên một cách đáng lo ngại. Thực tế cho thấy, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và ai cũng có thể trở thành nguồn lây bệnh trong cộng đồng.
Nếu chúng ta không chủ động phòng chống dịch bệnh, tình hình lây lan sẽ càng nghiêm trọng hơn. Mỗi người một hành động, chúng ta có thể chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Hãy xem chúng ta có thể làm gì với chủng virus mới này nhé!
Biến thể mới của SARS-CoV-2 là gì?
Cụ thể, biến thể nCoV mới được phát hiện vào đầu tháng 9, ở Kent, khu vực đông nam nước Anh. Chủng virus SARS-CoV-2 này đã gây ra một phần tư ca nhiễm ở London vào tháng 11 và tăng lên hai phần ba tổng số ca nhiễm trong tháng 12. Biến thể mới này có khả năng lây truyền nhanh hơn 70% so với các chủng trước đó, chưa có cơ sở cho thấy độc lực cao hơn.
Theo thông tin Covid được cung cấp từ Bộ Y tế, “Sáng 2/1 đã phát hiện biến thể của SARS-CoV-2 tại Việt Nam […] Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trong cuộc họp trực tuyến hơn 700 điểm cầu hôm 23/12/2020 cho hay biến chủng đột biến trên vùng gene N501Y của virus corona này làm tăng khả năng bám dính của virus với tế bào vật chủ, tăng tốc độ lây truyền lên tới 70%. Tuy nhiên, không làm tăng thêm tình trạng nặng của bệnh.”
“Đợt dịch COVID-19 tại Đà Nẵng trong tháng 7-8 đã phát hiện ra đột biến gene của SARS-CoV-2 làm tăng khả năng lây nhiễm nhưng không như đợt này ở Anh” – Bộ trưởng khẳng định.
Dấu hiệu bạn đã nhiễm virus SARS-CoV-2 biến thể mới
Theo thông tin Covid đến từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, một số dấu hiệu của người nhiễm biến thể SARS-CoV-2 chủng mới như sau:
- Sốt hoặc ớn lạnh
- Ho
- Hụt hơi hoặc khó thở
- Mệt mỏi
- Đau cơ hoặc đau người
- Đau đầu
- Mất vị giác hoặc khứu giác
- Đau họng
- Ngạt mũi hoặc chảy nước mũi
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Tiêu chảy
Lưu ý:
Những người mắc COVID-19 có thể xuất hiện các triệu chứng nhẹ hoặc nghiêm trọng khác nhau. Các triệu chứng này có thể xuất hiện 2-14 ngày sau khi phơi nhiễm với virus.
Nếu bạn thấy mình có một hoặc các triệu chứng trên, hãy tự cách ly mình và liên hệ ngay với cơ quan Y tế gần nhất để được hướng dẫn kịp thời bạn nhé!
10 điều giúp ngăn chặn sự lây lan của biến thể Covid-19 chủng mới
Nếu bạn thường xuyên theo dõi các thông tin Covid được cập nhật thì hiện nay, biến thể này có tốc độ lây lan chóng mặt. Tại Việt Nam, mỗi ngày có không ít ca nhiễm Covid-19 có liên quan đến chủng virus mới này. Vì thế, việc chủ động phòng ngừa dịch bệnh là điều vô cùng quan trọng. Hãy tuân thủ các phương pháp sau đây:
Luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài
Để tránh bị lây và trở thành nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, dù bạn đang có ở vùng dịch hay không cũng hãy chú ý đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt là khi ở nơi đông người như chợ, siêu thị, công viên…
Đeo khẩu trang thế nào là đúng cách?
Ngoài ra, việc đeo khẩu trang ĐÚNG CÁCH cũng rất quan trọng. Để đeo khẩu trang đúng, cần ghi nhớ:
- Không được đeo khẩu trang ngược mặt. Đối với khẩu trang y tế, đeo mặt có màu sẫm hơn ra ngoài, mặt có màu nhạt hơn hướng vào trong, kẹp nhôm hướng lên trên.
- Khi đeo phải che kín cả mũi lẫn miệng. Không kéo khẩu trang xuống dưới mũi hoặc miệng.
- Không dùng tay sờ vào bề mặt khẩu trang.
- Không bỏ khẩu trang khi giao tiếp, khi ho, hắt hơi nơi công cộng.
- Khi tháo khẩu trang chỉ cầm vào dây đeo qua tai để tháo.
- Không sử dụng khẩu trang bẩn. Đối với khẩu trang y tế, chỉ sử dụng 1 lần rồi vứt vào thùng rác an toàn, có nắp đậy. Đối với khẩu trang vải, nên giặt khẩu trang hằng ngày bằng xà phòng để dùng cho lần sau.
Bạn có thể tham khảo cách đeo khẩu trang đúng theo ảnh sau:
Có nhất định phải đeo khẩu trang y tế hay không?
Theo thông tin Covid mới nhất, hầu hết các loại khẩu trang như khẩu trang y tế, khẩu trang 3M, khẩu trang vải,… đều có thể ngăn giọt bắn từ những người xung quanh như ho, hắt hơi, nhầy mũi, khạc nhổ… Vì thế, bạn hoàn toàn có thể dùng khẩu trang vải thay vì đổ xô tích trữ khẩu trang y tế và khiến khẩu trang tăng giá nghiêm trọng.
Rửa tay thường xuyên
Rửa tay, khử khuẩn là một yếu tố quan trọng giúp bạn phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 hiệu quả. Cần rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước trong tối thiểu 20 giây. Trong trường hợp không có xà phòng, có thể dùng nước rửa tay khô chứa tối thiểu 60% cồn để thay thế. Hãy rửa tay:
- Trước khi ăn hoặc chuẩn bị đồ ăn
- Trước khi chạm vào mặt
- Sau khi dùng nhà vệ sinh
- Sau khi rời khỏi khu vực công cộng
- Sau khi xì mũi, ho hoặc hắt hơi
- Sau khi cầm khẩu trang
- Sau khi thay bỉm
- Sau khi chăm sóc người bệnh
- Sau khi chạm vào động vật hoặc thú nuôi
Không tụ tập nơi đông người
Thông tin Covid mới nhất, khi Việt Nam xuất hiện những ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Quảng Ninh, Hải Dương, Gia Lai, Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương đã khuyến cáo người dân không tụ tập nơi đông người, không tổ chức các lễ, hội, tiệc… Hạn chế tụ tập ở nơi đông người sẽ giúp hạn chế việc lây nhiễm chéo trong cộng đồng.
Bởi chủng virus SARS-CoV-2 mới có tốc độ lây lan nhanh hơn nên chúng ta cần chủ động không đi đến nơi đông người, thậm chí không ra ngoài khi không thật sự cần thiết. Vào ngày lễ, cần cân nhắc thật kỹ việc về quê hay du lịch bởi tình hình dịch đang phức tạp, việc đi máy bay hay ngồi xe đều khiến bạn có nguy cơ nhiễm bệnh hoặc trở thành nguồn lây nhiễm trong cộng đồng. Chưa kể, bạn có thể vô tình đi từ vùng dịch và mang dịch đến địa phương khác mà không biết!
Khai báo y tế
Một việc cần làm khác để hạn chế lây lan dịch bệnh chính là khai báo y tế. Để các cơ quan chức năng, Bộ Y tế có thể kịp thời kiểm soát, thông tin Covid đến với người dân, đưa ra các chỉ đạo phù hợp khi phát hiện ca nhiễm mới, người dân cần khai báo y tế khi đến và đi ra khỏi một địa phương nào đó hoặc đi từ vùng dịch về.
Ngoài ra, bạn có thể tải ứng dụng Bluezone – Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần do Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế triển khai. Bluezone có thể ghi nhận các tiếp xúc gần giữa các điện thoại di động thông minh cùng cài đặt và sử dụng Bluezone. Ứng dụng sẽ cảnh báo nếu người dùng có tiếp xúc gần với ca nhiễm, ca nghi nhiễm hoặc người đã từng tiếp xúc gần với ca nhiễm, ca nghi nhiễm. Nếu người nhiễm Covid-19 đã cài Bluezone từ trước thì việc truy vết, xác định và khoanh vùng các F1,F2 sẽ được thực hiện rất nhanh, giúp việc khoanh vùng khu vực có dịch và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn.
Với tốc độ lây lan chóng mặt của biến thể SARS-CoV-2 mới thì việc phát hiện kịp thời chính là chủ chốt để ngăn ngừa dịch phát triển trên diện rộng. Do đó, khai báo y tế và cài đặt ứng dụng Bluezone trên điện thoại là 2 điều cần thiết, đặc biệt quan trọng mà chúng ta có thể thực hiện ngay.
Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác
Theo thông tin Covid được cập nhật, các ca nhiễm mới trong cộng đồng hiện nay đều do tiếp xúc gần với người bệnh. Do đó, để hạn chế nhiễm bệnh, chúng ta nên chủ động giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi tiếp xúc với người khác. Đặc biệt, không nên ôm hôn trẻ nhỏ bởi trẻ em có sức đề kháng yếu, dễ bị lây bệnh nên việc ôm hôn tưởng chừng như yêu thương lại là một hành động vô cùng tai hại hiện nay.
Vệ sinh nhà cửa đúng cách để phòng dịch bệnh
Trước khi xuất hiện biến thể Covid-19 chủng mới, người dân đã được khuyến cáo chú ý vệ sinh, dọn dẹp nhà cửa đúng cách. Thường xuyên lau dọn, khử trùng nhà cửa sạch sẽ, giữ không gian luôn thông thoáng có thể giúp bạn phòng tránh bệnh viêm đường hô hấp cấp do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây nên.
Khi dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, nên chú ý:
- Vệ sinh sàn nhà: Nếu gia đình có thành viên ra ngoài và trở về nhà nhưng không tắm rửa, thay quần áo ngay, vi khuẩn và virus có thể bị đưa từ bên ngoài vào nhà. Do đó, nên hút bụi, lau chùi sàn nhà thường xuyên hơn.
- Làm sạch đồ vật làm bằng vải: Các đồ vật làm bằng vải như khăn lau bếp, khăn trải bàn, bề mặt ghế sofa… đều có thể trở thành nơi cư trú của các loại virus, vi khuẩn. Do đó, bạn nên hút bụi, giặt sạch các đồ vật này thường xuyên. Đặc biệt, nên chủ động giặt bằng nước nóng ít nhất 1 lần/tuần.
- Vệ sinh các thiết bị công nghệ trong nhà: Chúng ta thường xuyên sử dụng điện thoại di động, bàn phím máy tính… Do đó, vệ sinh thường xuyên tất cả các thiết bị công nghệ bằng các dung dịch diệt khuẩn cũng là cách phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
- Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân: Cập nhật thông tin Covid hằng ngày, có thể thấy virus có thể bám trên bề mặt của các món đồ vật. Do đó, để tránh lây nhiễm chéo giữa các thành viên trong gia đình, tuyệt đối không dùng chung các đồ dùng cá nhân như bàn chải, khăn tắm, khăn mặt,…
- Tạo môi trường thông thoáng, trong lành: Đảm bảo thông gió, làm sạch không khí có thể ức chế sự sinh sôi và lây lan của virus, vi khuẩn, ngăn ngừa các bệnh liên quan tới đường hô hấp.
Theo dõi sức khỏe bản thân hằng ngày
Để kịp thời phát hiện bệnh, nên chú ý theo dõi sức khỏe bản thân hằng ngày, chủ động liên hệ ngay với cơ quan y tế nếu có các triệu chứng bất thường, nghi nhiễm bệnh. Hơn nữa, nếu có các triệu chứng bệnh, hãy tự cách ly chính mình, luôn đeo khẩu trang trước khi được cơ quan y tế thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán.
Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể
Để cơ thể có cơ chế phòng bệnh hiệu quả cũng như nhanh khỏi bệnh hơn, mỗi người nên chủ động tập thể dục thể thao, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin có lợi cho cơ thể. Như vậy, cơ thể có thể được tăng sức đề kháng, tránh được các loại bệnh khác nhau chứ không riêng gì viêm đường hô hấp cấp.
Chủ động tìm hiểu các thông tin Covid
Cập nhật các thông tin Covid, các ca nhiễm mới, đặc biệt là các ca nhiễm trong cộng đồng sẽ giúp bạn chủ động bảo vệ bản thân và gia đình tốt hơn trong mùa dịch này. Tuy nhiên, cần tìm hiểu thông tin từ các nguồn chính thống để tránh sai lệch thông tin và khiến bản thân hoang mang bạn nhé!
Báo cho cơ quan Y tế nếu phát hiện trường hợp đi từ vùng dịch về và không cách ly
Để bảo vệ sức khỏe, ngăn chặn lây lan trong cộng đồng, hãy chủ động báo ngay cho cơ quan Y tế và các cơ quan chức năng nếu phát hiện trường hợp đi từ vùng dịch về nhưng không cách ly hoặc cách ly chưa đủ ngày!
Hiện nay, thông tin Covid, đặc biệt là những thông tin về biến thể chủng mới của virus SARS-CoV-2 cho thấy chủng virus này có tốc độ lây lan rất nhanh. Mỗi việc làm của chúng ta đều có ý nghĩa giúp đẩy lùi dịch bệnh. Hãy hành động ngay, bạn nhé!