Trong suốt hành trình phát triển của trẻ thì 8 tuổi là một cột mốc vô cùng quan trọng. Bởi lẽ hầu hết trẻ đã có sự trưởng thành trong suy nghĩ, có ý thức cá nhân, có tính kỷ luật hơn.
Tuy nhiên, cụ thể thì trẻ 8 tuổi sẽ thay đổi như thế nào trong suy nghĩ và nhận thức? Cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu ngay tâm lý trẻ 8 tuổi, bạn nhé!
Những thay đổi về tâm lý trẻ 8 tuổi
Vô cùng tình cảm
Những đứa trẻ 8 tuổi thường rất tình cảm. Bạn sẽ bất ngờ vì trẻ và bạn bè rất thân thiết với nhau, luôn gắn bó với nhau. Cho dù trẻ có cãi nhau gay gắt với bạn của mình vào ngày hôm trước thì ngay hôm sau, trẻ đã có thể cười nói như chưa có gì xảy ra. Đặc biệt, trong giai đoạn này, con cũng có sự quan tâm nhiều hơn tới bố mẹ và những người xung quanh.
Có tính kỷ luật cao
Tâm lý trẻ 8 tuổi thường cho rằng mình đã lớn và tự xem mình như một người trưởng thành. Vì thế, con có những “đòi hỏi” bản thân phải cư xử như người lớn, phải kỷ luật hơn. Trong giai đoạn này, trẻ sẽ tự so sánh bản thân với người khác và đánh giá xem những hành động của mình là đúng hay sai.
Lúc này, trẻ cũng học cách tự điều chỉnh các hành vi của mình nếu nhận thấy hành vi này đang ảnh hưởng đến người khác.
Do đó, đây là thời điểm rất thích hợp để bạn có thể giáo dục về mặt nhận thức, đạo đức cho con. Bố mẹ cần dành nhiều thời gian để tâm sự cùng con, hướng dẫn con cách nhận biết những hành động đúng sai, cho con biết mình cần làm gì và không nên làm gì, hậu quả nếu con gây ra những hành động không đúng chuẩn mực sẽ như thế nào…
Tự cho là mình đúng
Bởi tính cách và tâm lý trẻ 8 tuổi thường tự cho rằng mình đã là người lớn nên trẻ cũng sẽ có những lúc tự cho là mình đúng. Khi bố mẹ không cho phép làm một điều gì đó, con thường nghĩ rằng bố mẹ đã sai vì lúc này con đã là người lớn rồi cơ mà. Với một số trẻ, con sẽ phản kháng, cáu bẳn, khóc lóc hoặc cư xử thô lỗ với bố mẹ khi mọi người có những ý kiến trái chiều với con.
Có cách kết bạn khác nhau giữa bé trai và bé gái
Nếu quan sát kỹ, bạn có thể thấy bé trai và bé gái có những cách làm bạn rất khác nhau. Các bé trai thường ít kết bạn hơn, chỉ chơi với một vài “anh em chí cốt” trong khi các bé gái thường chơi thành một nhóm đông hơn.
Tuy nhiên, dù là nhóm các bé trai hay bé gái thì các bé đều đặt ra những nguyên tắc riêng như chọn trưởng nhóm, thay đổi trưởng nhóm theo tuần. Hơn nữa, bạn có thể thấy các bé bắt đầu chia nhóm và chỉ chơi với các bạn cùng giới tính thay vì cùng nhau làm bạn như trước.
Muốn được “độc lập”
Một vấn đề gắn liền với sự phát triển về mặt xã hội và cảm xúc ở trẻ trong khoảng 8 đến 10 tuổi là mong muốn được độc lập nhiều hơn với bố mẹ và anh chị em cũng như mong muốn ngày càng được coi là thông minh và hiểu biết hơn. Nhìn chung, tâm lý trẻ 8 tuổi bắt đầu xuất hiện cảm xúc muốn được tự làm mọi thứ vad muốn được công nhận.
Trẻ có thể đấu tranh với bố mẹ để được “quyền” làm một điều gì đó, đàm phán để đạt được những gì mình muốn hoặc tranh luận về quan điểm của mình ở nhà và với bạn bè đồng trang lứa.
Bố mẹ cần làm gì khi con lên 8 tuổi?
Với tâm lý trẻ 8 tuổi, cho rằng mình là người lớn, bố mẹ cần phải lắng nghe con. Tuyệt đối không bao giờ được ép buộc con làm bất cứ điều gì, nếu không sẽ gây cho con tâm lý bất mãn, muốn chống đối, phản kháng và không nghe lời bố mẹ. Trước khi yêu cầu con làm một điều gì đó, hãy cho con một lý do để con hiểu rằng những điều bố mẹ yêu cầu con làm là những điều đúng và con cần phải làm theo.
Ngoài ra, bố mẹ cũng nên khuyến khích con trình bày suy nghĩ của mình. Khi lên 8, trẻ bắt đầu có nhiều suy nghĩ khác nhau, nhận định đúng sai,… Khi trẻ nói ra suy nghĩ của mình, bạn có thể kịp thời điều chỉnh những điều chưa đúng của trẻ, tránh “thiết lập” một tư duy lệch lạc cho con.
Để hỗ trợ trẻ ở độ tuổi này, bố mẹ nên tích cực lắng nghe mục tiêu của con và đứng về phía con khi con đạt được mục tiêu, đồng thời duy trì những giới hạn và ranh giới cần thiết. Thay vì kiểm soát con, bạn có thể hướng dẫn cho con tự làm một số thứ như tự gấp quần áo, tự chọn trang phục, tự chọn quà sinh nhận tặng bạn,…
Tâm lý trẻ 8 tuổi cũng rất cần sự quan tâm, chú ý. Hãy dành nhiều thời gian cho con của mình. Hãy hỏi trẻ như hôm nay con đi học thế nào, bài tập con đang làm có khó không, ngày mai con muốn mang giày nào… Việc quan tâm trẻ vừa khiến trẻ gần gũi hơn với bố mẹ mà còn rèn cho trẻ thói quen quan tâm người khác nữa đấy!
Mỗi một giai đoạn trẻ đều có sự thay đổi khác nhau trong mặt tâm lý. Do đó, bố mẹ cần quan sát, theo dõi con để kịp thời có thể nuôi dạy con đúng cách, nghe lời bố mẹ và có những tư duy, hành động đúng đắn. Hy vọng với những chia sẻ về tâm lý trẻ 8 tuổi của Mẹ&Con, bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức trong hành trình nuôi dạy con của mình!