Mẹ&Con – Nếu được hỏi rằng “Có nên sống chung với nhà chồng hay không?”, 90% người (nhất là phụ nữ) sẽ trả lời “Không”.

Tuy nhiên, không phải lúc nào sống chung với nhà chồng cũng là “cực hình”. Nếu nghĩ đây là điều quá khó khăn, chẳng qua chị em chưa nhìn thấu những lợi ích mà việc quây quần sống chung một nhà với bố mẹ chồng mang lại thôi!

Phần lớn những người bị trầm cảm sau sinh đều liên quan tới áp lực chăm sóc con cái, nhất là lần đầu làm mẹ. Sống chung với nhà chồng, điều đầu tiên mà ai cũng phải công nhận đó là có người trông coi, chăm bẵm con cái. Dù nàng dâu có không được lòng bố mẹ chồng nhiều, thì con cái sinh ra vẫn là “cục vàng” của ông bà nội. Lúc chúng khỏe mạnh cũng như khi ốm đau, bệnh tật sẽ luôn có người cùng bạn lo lắng, quan tâm.

Nếu vợ chồng bạn khá giả, thuê người  giúp việc là sự lựa chọn chính đáng. Nhưng nên nhớ, không gì bằng tình cảm máu mủ gia đình. Bố mẹ chồng cũng là những người từng trải qua chuyện sinh nở nên họ có thừa kinh nghiệm. Hãy thở phào nhẹ nhõm, vì bản thân có thể hoàn toàn yên tâm khi giao phó con cái cho người nhà.

Tất nhiên, không thể tránh khỏi những lúc bất đồng quan điểm. Ví dụ vợ chồng bạn muốn nuôi con theo cách hiện đại, tham khảo và áp dụng những điều mới lạ trên mạng internet nhưng bố mẹ chồng lại quen chăm trẻ nhỏ theo cách truyền thống chẳng hạn… Trong trường hợp này, không thể nói ai đúng ai sai. Hãy cùng nhau ngồi phân tích theo hướng có lợi nhất cho đứa trẻ. Khi người con dâu ứng xử khéo léo, không những bản thân nhàn hạ mà còn được tiếng ngoan ngoãn, chu đáo với bố mẹ chồng. Như vậy chẳng phải “lợi cả đôi đường” hay sao?

sống chung với nhà chồng

Chỉ cần chị em khéo léo một chút, việc sống chung với gia đình chồng sẽ không còn là “nỗi ám ảnh”. (Ảnh minh họa)

Vì vấn đề tài chính có hạn, nhiều người muốn ra riêng ngay sau khi cưới nhưng không thể. Để rồi khi có đủ chi phí mua đất, cất nhà lại thở dài thườn thượt muốn quay lại khoảng thời gian đại gia đình quây quần bên nhau.

Không thể phủ nhận, sống chung với nhà chồng sẽ giúp hai bạn tiết kiệm được một khoản kha khá. Không hẳn là khi ông bà phải cho vợ chồng bạn một số tiền lớn hay chu cấp hàng tháng. Đôi khi đó chỉ là nấu giùm bữa cơm lúc xế chiều, mua giùm bạn viên thuốc khi đổ bệnh cũng đủ ấm lòng. Ra riêng, trăm thứ đổ lên đầu. Nào tiền điện, tiền nước, tiền gas và hàng ngàn khoản chi không tên…

Cùng sống chung dưới một mái nhà, nếu dư giả hai vợ chồng có thể nghĩ tới chuyện đóng góp chút đỉnh tiền ăn cho ông bà còn ngược lại, nếu con cái còn khó khăn hiếm bố mẹ chồng nào bắt con phải thế này, phải thế kia. Vậy cho nên, trừ khi vợ chồng bạn thực sự khá giả, còn không thì chẳng gì tuyệt vời bằng sống nơi nhà cao cửa rộng, con cái có người chăm sóc.

Tất nhiên, sống chung với nhà chồng cũng có nhiều điều không thoải mái như ra ở riêng hay sống cùng bố mẹ đẻ. Lâu lâu sẽ có những va chạm, mâu thuẫn… Hãy luôn nhớ rằng đã là bố mẹ, ai cũng muốn tốt cho con cái. Chẳng qua chúng ta đã quen sống với bố mẹ đẻ, quen với những lời la mắng nên không để bụng. Nhưng cũng câu nói đấy, hành động ấy xuất phát từ những người không phải ruột thịt lại khiến ta cảm thấy bực bội, tủi thân âu cũng là điều dễ hiểu. Nếu cảm thấy việc thay đổi bố mẹ chồng một sớm một chiều khó khăn, hãy quay lại thay đổi chính bản thân mình. Khi mình làm tốt, làm đúng chắc chắn không ai ghê gớm tới mức soi mói, xét nét “bới lông tìm vết” khó tính mãi được.

Có thể nói thế này: Điều quan trọng nhất để sống chung với nhà chồng, đó là sự thích nghi. Mà để thích nghi, thì tự bản thân mỗi chúng ta cũng phải có sự thay đổi. Không ai có thể hòa hợp với ai, nếu sự mở lòng chỉ đến từ một phía.

Sống chung với nhà chồng hay không, không phải vấn đề to tát ảnh hưởng tới hạnh phúc hôn nhân. Chỉ cần người con dâu có một chút tế nhị, một chút tinh tế và khéo léo thì cái mà họ “được” sẽ hơn cái mà họ “mất” rất nhiều.

Phụ nữ hiện đại, đừng ngại sống chung với nhà chồng!

Bài viết liên quan