Việc tìm hiểu về nguyên nhân và các dấu hiệu bệnh, cách phòng tránh sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ được tốt hơn, hạn chế tình trạng sốt xuất huyết ở trẻ em.
Sốt xuất huyết là bệnh gì?
Bệnh sốt xuất huyết (Dengue) là một loại bệnh xảy ra khi cơ thể bạn nhiễm virus Dengue gây ra. Trong đó, hai loại muỗi vằn truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti (chiếm chủ yếu) và Aedes albopictus. Từ những năm của thế kỷ XIII đã xuất hiện bệnh sốt xuất huyết và tính đến thời điểm hiện tại, có hơn 100 nước có bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết mỗi năm.
Theo thống kê, các quốc gia nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới sẽ có tỷ lệ người dân nhiễm sốt xuất huyết cao hơn. Tại Việt Nam, tất cả các khu vực từ nam ra bắc đều có trường hợp nhiễm bệnh, kể cả ở khu vực nông thôn hay thành thị. Bệnh thường diễn ra đặc biệt vào mùa mưa, bắt đầu trong khoảng tháng 4, tháng 5 và kéo dài đến hết tháng 10.
Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp căn bệnh này vào nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Vì bệnh do virus từ muỗi vằn truyền qua cơ thể người nên bất cứ ai cũng có thể có nguy cơ mắc bệnh, không phân biệt độ tuổi hay giới tính. Trẻ em cũng có nguy cơ mắc phải căn bệnh này.
Chưa có vaccine phòng ngừa sốt xuất huyết và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, bệnh sốt xuất huyết cũng dễ lây lan, trở thành dịch lớn khiến cho công tác điều trị trở nên khó khăn hơn. Trẻ em nhiễm bệnh cũng có nguy cơ tử vong cao hơn. Vì vậy, việc tìm hiểu cách phòng ngừa, điều trị bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em là một điều vô cùng mà bố mẹ, gia đình nên đặc biệt quan tâm bởi nếu sớm can thiệp và chăm sóc đúng cách, có thể giảm nguy cơ tử vong xuống dưới 1%.
Cách điều trị bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
Các dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ em
Virus Dengue gây nên bệnh sốt xuất huyết có 4 tuýp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Sau khi mắc bệnh, cơ thể người bệnh sẽ có miễn dịch nhưng miễn dịch này chỉ có tính đặc hiệu với từng tuýp bệnh riêng biệt. Do đó, một người lớn hoặc trẻ em có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần 2, lần 3 do những tuýp gây bệnh khác nhau.
Việc theo dõi dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ em sẽ giúp bố mẹ kịp thời chăm sóc, đưa trẻ đến cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời, tránh bệnh trở nặng và làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ. Một số dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ em thường gặp gồm có:
- Trẻ bị sốt xuất huyết sẽ xuất hiện chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu mũi, lợi
- Đi ngoài phân đen
- Nôn liên tục và có thể nôn ra máu
- Đau bụng dữ dội
- Nổi mẩn đỏ, phát ban
- Rối loạn ý thức, lơ mơ
- Tay chân co giật, lạnh và ẩm
- Khó thở
- Sốt cao đột ngột, nhiệt độ cơ thể trong khoảng 39-40 độ C. Tình trạng sốt thường kéo dài 2-7 ngày, áp dụng nhiều cách hạ sốt nhưng không thể cải thiện được.
- Sốt xuất huyết ở trẻ em cũng gây ra tình trạng đau đầu, đặc biệt là ở vùng trán sau nhãn cầu.
Xem thêm: Khó thở nên làm gì ?
Xử trí sốt xuất huyết ở trẻ em như thế nào?
Khi thấy trẻ có những triệu chứng kể trên, bố mẹ nên lập tức đưa trẻ đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được tiến hành xét nghiệm và kịp thời điều trị nếu mắc bệnh. Lúc này, trẻ sẽ được thực hiện 3 xét nghiệm:
- Xét nghiệm NS1 (thực hiện từ ngày 1 đến ngày 3 của bệnh): Nhằm xác định chính xác kháng nguyên của virus
- Xét nghiệm kháng thể IgM (thực hiện từ ngày thứ 6 trở đi): Nhằm xác định kháng thể của cơ thể người bệnh chống lại virus trong giai đoạn cấp tính.
- Xét nghiệm kháng thể IgG: Nhằm xác định kháng thể của cơ thể người bệnh bảo vệ lâu dài.
Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà
Sốt xuất huyết ở trẻ em được chia thành 4 cấp độ từ nhẹ tới nặng, Với trẻ cấp độ 1 (sốt nhẹ, chưa/không có triệu chứng xuất huyết), các bác sĩ có thể cho điều trị tại nhà. Với trẻ cấp độ 2 (sốt kèm theo triệu chứng xuất huyết), các bác sĩ có thể cân nhắc điều trị tại nhà hoặc nhập viện tùy theo tình trạng bệnh của trẻ. Nếu trẻ bị sốt xuất huyết ở cấp độ 3 (bắt đầu có dấu hiệu sốc) hoặc cấp độ 4 (sốc nặng) thì buộc phải nhập viện ngay.
Trong trường hợp điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em tại nhà, cần lưu ý:
- Theo dõi trẻ 24/24, không nên chủ quan vì thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em là từ khi trẻ hết sốt (ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6). Vào khoảng thời gian này, bệnh của trẻ có thể trở nặng và dẫn đến tử vong nếu không phát hiện kịp thời.
- Cách 1-2 giờ cặp nhiệt độ (ở nách hoặc hậu môn, khóe miệng).
- Không ủ kín trẻ hoặc mặc quá nhiều quần áo cho trẻ
- Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều, tránh chơi đùa quá mức dẫn đến kiệt sức
- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt nếu nhiệt độ trên 38.5 độ C (thuốc paracetamol đơn chất, liều lượng 10 – 15mg/kg trọng lượng cơ thể trẻ, uống cách 6 giờ nếu trẻ còn sốt cao).
- Không cho trẻ sử dụng aspirin vì chất này sẽ làm rối loạn đông máu, khiến trẻ bị chảy máu kéo dài.
- Nếu trẻ sốt khoảng từ 37 độ đến dưới 38.5 thì lau người với nước ấm, không cần uống thuốc hạ nhiệt
- Cho trẻ uống nhiều nước, tránh để trẻ mất nước (có thể cho uống nước pha từ oresol thì càng tốt). Có thể cho uống thêm nước cam, nước ép ổi, nước chanh tươi,… để bổ sung thêm vitamin C.
- Cho trẻ ăn thức ăn lỏn, dễ tiêu hóa, đầy đủ các dưỡng chất cần thiết. Có thể chia nhỏ bữa ăn, cho trẻ ăn nhiều lần trong ngày, tránh ăn nhiều sẽ làm trẻ dễ bị nôn ói. Có thể chọn cháo dinh dưỡng, súp rau củ, sữa uống,…
- Nếu không có oresol, nên cho trẻ uống thêm nước cam, chanh tươi để có thêm sinh tố C. Khi mắc bệnh, trẻ thường có triệu chứng nôn mửa, miệng nhạt, lười ăn hoặc không chịu ăn, làm cho trẻ ăn không đủ lượng thức ăn cần thiết nên dễ bị hạ đường huyết. Cho trẻ uống từ từ vì việc uống quá nhanh, quá nhiều cùng một lúc có thể sẽ gây nôn, đầy bụng.
Cách phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
Để có thể phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, có thể tuân theo hướng dẫn sau theo khuyến cáo của WHO:
Loại bỏ nơi sinh sản và trú đậu của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy
Muỗi chính là “thủ phạm” truyền virus gây bệnh đến cơ thể của trẻ. Do đó, để phòng tránh bệnh, trước tiên bạn cần loại bỏ nơi sinh sảnh, trú đậu của muỗi, lăng quăng, bọ gậy,…
Thông thường, muỗi cái sẽ đẻ trứng ở những nơi có nước đọng và sau đó nở thành bọ gậy (lăng quăng) rồi phát triển thành muỗi vằn. Muỗi vằn sẽ chọn những nơi ẩm thấp, thiếu ánh sáng để trú ẩn và bắt đầu tiếp tục sinh sôi nảy nở và lan truyền dịch bệnh. Muốn phòng tránh bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em và cả người lớn, cần giảm và phá bỏ các ổ nước đọng trong nhà, cải thiện môi trường để tránh bọ gây, lăng quăng phát triển dẫn đến muỗi và gây ra sốt xuất huyết.
Để tiến hành ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em thông qua việc loại bỏ nơi có nước đọng như dụng cụ chứa nước của gia đình, chai lọ, mảnh bát vỡ,… cần tiến hành theo các bước sau:
- Kiểm tra toàn bộ dụng cụ chứa nước, cất những vật dụng không cần thiết và đậy kín toàn bộ vật dụng chứa nước đang sử dụng
- Thả cá nhỏ, cá bảy màu vào các dụng cụ chứa nước để diệt lăng quăng/bọ gậy
- Vệ sinh, làm sạch các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ hàng tuần. Nên dùng bàn chải cọ kỹ mép dụng cụ chứa nước để tránh muỗi đẻ trứng ở vị trí này
- Sắp xếp đồ đạc gọn gàng, vệ sinh môi trường sống để hạn chế nơi trú ẩn của muỗi cũng là một cách phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em
- Xử lý nguồn nước, khơi thông cống rãnh, tránh để nước đọng lại
- Cho muối hoặc dầu ăn vào các dụng cụ chứa nước như bát nước kê tủ đựng chén bát để tránh muỗi đẻ trứng
- Phát quang cây cối, không để cây cối quá um tùm vì muỗi rất thích đẻ trứng trong các ổ nước có bóng râm và trú ẩn ở những tán cây rộng
- Thường xuyên thu gom, tiêu hủy các vật dụng phế thải trong nhà
- Thường xuyên thay nước bình hoa
- Xông khói, nhang muỗi để xua đi muỗi
- Ngoài ra, cần chú ý, muốn phòng tránh bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, nên lấp đầy các ổ nước bằng đất, đá hoặc tháo cạn nước trong các ổ nước, không để nước đọng lại
Xem thêm:
Phòng chống muỗi đốt
Muỗi đốt sẽ làm lan truyền virus truyền nhiễm gây bệnh. Do đó, để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, nên hạn chế tối đa việc trẻ bị muỗi đốt thông qua một số biện pháp chống muỗi cho bé như:
- Cho trẻ mặc quần áo dài tay, đặc biệt là khi ngủ
- Sử dụng các loại bình xịt muỗi, vợt điện muỗi, bình xịt côn trùng, hương (nhang) muỗi,… trong không gian sinh hoạt của trẻ
- Thoa thêm kem chống muỗi lên cơ thể của trẻ
- Sử dụng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi, điều hòa nhiệt độ,… để làm giảm nguy cơ muỗi bay vào nhà và đốt trẻ cũng như mọi người trong gia đình
- Tập cho trẻ ngủ mùng kể cả ban ngày
- Ngoài ra, muốn phòng tránh sốt xuất huyết ở trẻ, cần lưu ý cho trẻ ngồi học, sinh hoạt ở nơi thông thoáng, có gió, không cho trẻ chơi ở những nơi ẩm thấp, cây cối rậm rạp, có nhiều nước đọng
- Người bị sốt xuất huyết nên nằm trong màn, tránh bị muỗi đốt và truyền bệnh cho người khác
Một số trẻ còn nhỏ và chưa nhận thức hết được về sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em. Do đó, bố mẹ và người thân trong gia đình cần thường xuyên chia sẻ với trẻ về căn bệnh này, hướng dẫn con cách bảo vệ mình cũng như quan sát, nhắc nhở trẻ kịp thời nếu trẻ quên không tuân theo các nguyên tắc phòng bệnh.
Và một lưu ý đặc biệt quan trọng trong công tác phòng – chống dịch sốt xuất huyết ở trẻ em chính là gia đình phải tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi, vệ sinh làm sạch môi trường sống xung quanh mình.
Thêm thực phẩm tăng cường miễn dịch vào chế độ ăn uống của trẻ
Khả năng miễn dịch mạnh mẽ giúp bảo vệ trẻ chống lại các loại bệnh tật tốt hơn, trong đó có cả bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em. Do đó, khi xây dựng thực đơn ăn uống hằng ngày của trẻ, nên bổ sung thêm các loại thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng hiệu quả như: sữa chua, gừng, nghệ, rau bina, thực phẩm họ cam quýt, hạnh nhân,…
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong nếu không kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện. Và hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa bệnh. Do đó, tốt nhất vẫn nên thực hiện các biện pháp để phòng ngừa, hạn chế nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em ngay từ sớm.