Mẹ&Con – Việc sinh mổ chỉ được thực hiện trong những trường hợp đặc biệt và phải theo sự chỉ định của bác sĩ, chứ không phải vì những lý do như “ngày tốt”, “ngày xấu”, v.v.

Chào bác sĩ!

Em mang thai đã sắp tới ngày sinh. Bác sĩ khám nói ngôi thai của em không ổn lắm nên có thể phải sinh mổ, nhưng cũng chưa chắc vì theo bác sĩ cứ theo dõi đã, đến ngày dự sinh nếu sinh thường được thì sinh thường, không thì sinh mổ. Tuy nhiên, không biết mẹ chồng và chồng em đi coi “thầy” thế nào mà “thầy” bảo em nên sinh mổ và chọn luôn ngày “đẹp” (ngày hoàng đạo gì đó) trước ngày dự sinh của em 2 ngày. Mẹ chồng em nói người ta sinh mổ trước nhiều ngày mới đáng lo, chứ trước 2 ngày so với ngày dự sinh thì không có vấn đề gì cả, mổ lại an toàn hơn. Em thì tuy chưa có kinh nghiệm sinh nở, nhưng em nghĩ nghe bác sĩ vẫn tốt hơn chứ. Mẹ&Con có thể cho em một lời khuyên không?

Huỳnh Bích Ba (Quận 5)

Bác sĩ trả lời

 

Bạn cần phải luôn ghi nhớ rằng: không bao giờ nên “can thiệp” vào việc sinh bé chỉ vì các lý do “được ngày”, “ngày tốt”, “ngày xấu”, v.v..

Quá trình sinh nở là quá trình rất nguy hiểm và mọi thứ đều cần được theo chỉ định của bác sĩ. Người ta chỉ sinh mổ khi rơi vào những trường hợp như:

– Ngôi thai ngược (đầu ở trên) hay ngôi ngang hoặc thai nhi có sự bất thường.

– Mang đa thai (từ 3 bé trở lên).

– Vùng kín của mẹ đang bị vi rút Herpes tấn công mà việc đẻ thường có thể lây truyền vi rút này cho trẻ.

– Người mẹ bị nhau tiền đạo (nhau bám quá thấp cản trở đường đi của ngôi thai trong quá trình chuyển dạ) hay bong nhau non (nhau thai bong trước khi sinh, gây nguy hiểm cho tính mạng thai nhi).

– Chứng tiền sản giật ở mẹ có thể sẽ khiến tình hình tồi tệ đi rất nhanh, gây nguy hiểm cho thai nhi trong quá trình chuyển dạ.

– Có tiền sử sinh mổ hay mang đa thai trước đó.

– Trong quá trình sinh, nhịp tim của thai trở nên bất thường – có nghĩa rằng bé không đủ sức để theo đến cùng quá trình sinh thường.

– Sa dây rốn hay tràng hoa quấn cổ, gây khó khăn cho quá trình sinh nở cũng như hệ hô hấp của trẻ.

– Nhau thai bị bong đột ngột.

– Đứa bé không thể di chuyển theo đường đi đã vạch sẵn do cổ tử cung không mở hay vì một lý do nào đó.

Lời khuyên của tôi dành cho bạn và gia đình là hãy tuân thủ tốt theo những hướng dẫn của bác sĩ trực tiếp thăm khám, theo dõi. Chỉ sinh mổ khi có chỉ định của bệnh viện. Một cháu bé ra đời khỏe mạnh, bình thường mới là điều quan trọng nhất, bạn nhé! Bạn có thể nhờ bác sĩ trao đổi, thuyết phục mẹ chồng, sẽ dễ thuyết phục hơn.

Bác sĩ Huỳnh Thị Trong

Tags:

Bài viết liên quan