Mẹ&Con - Đàn ông đa phần vốn rộng rãi, thoải mái, ít lo xa quá mức và rất coi trọng những mối quan hệ giao tiếp ở bên ngoài.

Chào chuyên gia!

Nếu như nghe tôi than rằng chồng tôi quá tốt, chắc nhiều người sẽ bảo tôi: “Khùng!”. Nhưng có ở trong cuộc mới thấu hiểu nỗi khổ lạ đời này. Chồng tôi sống rất vô lo, câu cửa miệng của anh luôn là: “Xởi lởi trời cởi trời cho”. Anh cực kỳ dễ tính, ai cần giúp đỡ anh cũng sẵn sàng giúp, mà đôi khi chẳng cần nghĩ việc giúp ấy có ảnh hưởng gì đến bản thân mình hay những người thân trực tiếp của mình hay không.

Ví dụ như anh bệnh, tôi làm hết việc nhà chỉ để mong anh được nghỉ ngơi. Thế mà chỉ cần có một người bạn hay người thân nhờ ra bến xe đón giùm, anh nhất định tất tả chạy cả đi lẫn về mười mấy cây số. Nhà tôi không giàu, vợ chồng hàng tháng tằn tiện lắm mới dư được chút đỉnh. Thế mà em của anh xây nhà, chỉ cần đánh tiếng một cái, anh tự ý vét sạch khoản để dành cho cậu ấy mượn, dù chúng tôi là anh là chị mà vẫn đang phải ở nhà thuê, dành dụm mãi chưa mua được lấy miếng đất cỏn con.

Hàng trăm chuyện như thế xảy ra hàng ngày trong cuộc sống của tôi. Tôi không phải mẫu người quá mức ích kỷ, nhưng tôi là phụ nữ mà, ai lại không muốn lo toan, vun vén cho gia đình nhỏ của mình một chút. Cưới nhau 6 năm rồi, con thì chỉ mới hơn 2 tuổi, nhưng vợ chồng tôi chẳng có gì riêng cả. Trong khi anh thì luôn miệng nói cái lớn nhất mình có được chính là tình cảm của mọi người, là “để phúc” cho con.

Tôi công nhận anh tốt và có nhiều người thương. Anh là người đi đến đâu cũng có bạn bè tay bắt mặt mừng, bà con khen ngợi. Nhưng nói thật, chẳng lẽ đến khi có chuyện, tôi mặt dày đi “xin” hay đi nhờ mọi người giúp đỡ lại? Tôi muốn cái gì cũng tự lực cánh sinh trước đã, bản thân mình phải lo liệu cho ổn nền tảng gia đình. Cứ cái kiểu “tốt” của anh thế này, có khi tôi điên mất!

Hoàng Minh Thi (Quận 9)

 Ý kiến chuyên gia

Đàn ông đa phần vốn rộng rãi, thoải mái, ít lo xa quá mức và rất coi trọng những mối quan hệ giao tiếp ở bên ngoài. Phụ nữ, trái lại, do mang thiên tính của một người mẹ, luôn nghĩ đến con mình và gia đình nhỏ của mình trước tiên, rồi mới đến những ưu tiên khác.

Khó thể nói ai đúng, ai sai vì vốn dĩ đấy là những tính cách được “di truyền” lại từ nhiều đời, để phối hợp với nhau tạo nên sự cân bằng cho cuộc sống. Các nhà nghiên cứu tâm lý hàng đầu trên thế giới giải thích: Đàn ông thuở xa xưa vốn đã là người đi săn bắn, anh ta cần sự tương trợ của “đồng đội” ở những nơi hiểm yếu. Vì thế, cái “máu” thích giúp đỡ người khác, coi trọng những mối quan hệ bên ngoài đã mặc định trong “não” rồi. Việc chị cố tranh cãi hay cố thuyết phục rằng anh ấy “sai” sẽ không có tác dụng, thậm chí đưa đến phản ứng ngược, khiến anh ấy cho rằng vợ mình sao mà… ích kỷ!!!

Tuy nhiên, chị có thể thử cách này: Hãy ngồi xuống cùng bàn bạc với anh ấy thống nhất một số “điều khoản” nho nhỏ trong gia đình. Chẳng hạn như luôn có một khoản tiết kiệm cố định để dành cho con hoặc phòng khi đau ốm và khoản này không được “cho mượn”. Chia sẻ công việc nhà, việc chăm sóc con, đặt “trách nhiệm” cho anh ấy một số thứ cụ thể như kèm con học buổi tối từ mấy giờ đến mấy giờ, vợ nấu cơm thì chồng lau nhà chẳng hạn…

Chị lưu ý nên đưa ra thỏa thuận trong trạng thái vui vẻ của vợ chồng, không lôi những chuyện khác ra “càm ràm”. Bằng cách ấy, chị sẽ đỡ “tức” phần nào và cảm thấy dễ chịu hơn khi chồng đã cùng mình sẻ chia được một số thứ. Còn lại, đừng đòi hỏi tuyệt đối anh ấy… “bớt tốt” chị ạ. Cái quan trọng nhất của người vợ là dung hòa được cá tính của mỗi thành viên chứ không phải là ép các thành viên khác phải giống mình. Chắc chị hiểu điều tôi muốn nói? Thân mến!

Tags:

Bài viết liên quan