Mẹ&Con – Có đến khoảng 25% thai phụ bị táo bón, mức độ nặng nhẹ khác nhau do sự thay đổi của cơ thể khi mang thai và một loạt nguyên nhân khác.

Chào bác sĩ!

Tôi đang mang thai đến tháng thứ 7. Những tháng trước tôi đều bị táo bón, có lúc nặng lúc nhẹ. Tôi đã ăn nhiều trái cây và uống nhiều nước thì thấy tình hình có đỡ hơn, nhưng sau đó bị lại. Tình trạng này kéo dài khiến việc đi ngoài của tôi gặp khó khăn, hậu môn đau rát. Tôi phải làm gì để chấm dứt táo bón, thưa bác sĩ?

Phan Lê Nguyên Phương (Quận Tân Phú)

Bác sĩ trả lời

 

Trong 9 tháng thai kỳ, có đến khoảng 25% thai phụ gặp phải tình trạng táo bón, mức độ nặng nhẹ khác nhau. Trong đó có cả những phụ nữ vốn rất hiếm khi bị táo bón trước đó. Nguyên nhân xảy ra hiện tượng này là vì khi mang thai, cơ thể thai phụ có nhiều thay đổi hay do sự chèn ép của thai nhi. Bên cạnh đó, suốt quá trình mang thai, cơ thể người mẹ sẽ có những sự biến đổi lớn về hocmon. Cụ thể, cơ thể thai phụ sẽ sản sinh ra nhiều hocmon giới tính duy trì thai, loại hocmon này sẽ giúp thả lỏng các cơ và giúp thai nhi phát triển. Tuy nhiên, việc các cơ được thả lỏng lại gây những tác động tiêu cực đến ruột, gây cản trở trong việc đào thải các chất cặn bã ra ngoài qua hậu môn.

Ngoài ra, còn có hàng loạt nguyên nhân khác như chế độ ăn uống thay đổi, bạn lại ít vận động, v.v. cũng dẫn đến tình trạng táo bón. Ngay cả vấn đề tâm lý như bạn quá lo lắng cũng chính là một trong những nguyên nhân tác động khiến “tình hình” đã “khó” càng “khó hơn”.

Tuy nhiên, nói để bạn yên tâm, táo bón không quá ảnh hưởng đến thai nhi như điều bạn sợ. Bạn có thể cố gắng khắc phục bằng một số nguyên tắc như:

– Ăn thật nhiều chất xơ có trong trái cây, rau củ, ngũ cốc.

– Uống nhiều nước hơn. Trung bình cứ sau 10 – 15 phút, bạn nên uống một ít nước. Chính nước sẽ giúp bạn thoát khỏi chứng táo bón một cách nhanh chóng. Ngoài nước lọc có thể uống thêm nước ép trái cây.

– Không nên ngồi yên hay nằm yên cả ngày. Hãy cố gắng luyện tập đều đặn. Những bài tập yoga dành cho bà bầu, đi bộ nhẹ nhàng sẽ có tác động tích cực đến hệ tiêu hóa.

– Chỉ nên uống viên sắt khi có chỉ định của bác sĩ. Không tự ý uống quá nhiều vì nạp quá nhiều chất sắt vào cơ thể là một trong những nguyên nhân gây nên chứng táo bón trong thai kỳ.

Bác sĩ Huỳnh Thị Trong

Tags:

Bài viết liên quan