Mẹ&Con - Ở độ tuổi dưới 30, lập gia đình dưới 1 năm mà chưa có con thì không nhất thiết phải đi khám hiếm muộn.

Chào bác sĩ!      

Tôi 28 tuổi, lập gia đình được 7 tháng, đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn chưa có thai. Nhà chồng tôi rất sốt ruột vì anh là con trai một. Ai cũng hối tôi đi khám hiếm muộn xem có bình thường không. Nhưng tôi nghĩ chưa cần thiết, vì mới cưới nhau có 7 tháng mà chưa có thai là chuyện bình thường mà. Vì chuyện này mà gia đình anh cứ căng thẳng với tôi hoài. Ngoài ra, cho tôi hỏi thêm một chuyện hơi tế nhị là, trước đây khi còn là sinh viên, do không biết giữ gìn nên tôi từng có thai và phải điều hòa kinh nguyệt một lần. Chồng tôi không biết chuyện ấy. Xin hỏi, việc từng bỏ thai này có ảnh hưởng gì đến chuyện có con không? Làm sao để tôi kiểm tra chính xác là có bị thủng, dính tử cung hay có biến chứng nào khác?

Đào Hạnh Lan (Quận Tân Bình)

Bác sĩ trả lời 

Ở độ tuổi dưới 30, lập gia đình dưới 1 năm thì bạn chưa nhất thiết phải đi khám hiếm muộn mà có thể để tự nhiên thêm 5 – 6 tháng nữa. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản (tự làm ở nhà) như mua que canh ngày rụng trứng có bán ở nhà thuốc để canh ngày rụng trứng, theo dõi chu kỳ kinh nguyệt, gần gũi vợ chồng đều đặn theo mức độ cách ngày, tăng cường giảm stress, ăn uống nghỉ ngơi đầy đủ, đừng đặt nặng tâm lý phải gấp rút có con. Bằng những cách này, vợ chồng bạn có thể có con một cách tự nhiên. Chỉ những cặp vợ chồng tuy đã nỗ lực có con, gần gũi thường xuyên, không dùng biện pháp phòng tránh hơn 1 năm nhưng vẫn không có thai mới cần gấp rút đi khám hiếm muộn. Ngoài ra, nếu vợ chồng trên 30 tuổi thì thời gian sẽ rút ngắn xuống thành 6 tháng, vì tuổi vợ càng cao thì cơ hội có thai càng giảm.

Về việc điều hòa kinh nguyệt trước đây, nếu điều hòa kinh nguyệt trong điều kiện vô trùng đảm bảo, bác sĩ tay nghề cao, giỏi chuyên môn thì thường là ít gây ảnh hưởng. Trường hợp điều kiện vô trùng không đảm bảo, vệ sinh sau đấy không được giữ gìn thì có thể gây tình trạng viêm nhiễm dẫn đến tắc vòi trứng, như vậy sẽ gây vô sinh. Để kiểm tra chính xác có dính buồng tử cung hay tắc vòi trứng không thì cần phải được chụp X-quang tử cung, vòi trứng có cản quang để chẩn đoán.

Tags:

Bài viết liên quan