Mẹ&Con – Bằng một vài cách tự kiểm tra đơn giản như: chu kỳ có đều hay không, dịch âm đạo hay vòng một, sẽ một phần giúp bạn biết được tình trạng sức khỏe sinh sản của mình cũng như quyết định có nên đi khám hiếm muộn hay không?

Chào bác sĩ!

Em lập gia đình đã hơn 7 tháng, gần gũi vợ chồng đều đặn, hoàn toàn không sử dụng biện pháp tránh thai nào nhưng vẫn không thấy tin vui. Em rất lo lắng và áp lực với chuyện này. Anh xã em thì cứ trấn an, bảo vợ chồng mình sức khỏe tốt thế này, có bao giờ đau bệnh gì đâu mà phải sợ vô sinh. Ảnh cũng không muốn em đi khám và bảo là em còn trẻ (23 tuổi), chẳng cần gì vội. Bao giờ 25 tuổi trở lên mà vẫn không có thai mới cần đi khám. Em thì vẫn lo lo, vì nếu biết mình có trục trặc gì đó sớm, em nghĩ sẽ dễ dàng điều trị hơn. Em muốn hỏi bác sĩ, có cách nào tự khám cho mình để an tâm mình không bị vô sinh hay không? Trường hợp của em có cần đi khám sớm không?

Lê Ngọc Hoài Nhân (Quận 2)

 Bác sĩ trả lời

Ở tuổi của bạn, có thể cũng chưa cần quá vội vàng đi khám sớm (nếu không thấy dấu hiệu gì bất thường). Bạn có thể chờ đợi thêm khoảng 6 tháng đến 1 năm nữa, sử dụng một số biện pháp cơ bản như canh ngày, nghỉ ngơi, bồi bổ sức khỏe, v.v. (áp dụng với cả hai vợ chồng). Nếu đến chừng đó vẫn không có tin vui, mới cần khám hiếm muộn, kiểm tra lại mọi thứ từ đầu.

Trước mắt, tôi có thể hướng dẫn bạn một số cách “tự quan sát”, như bạn muốn, để có thể tạm yên tâm rằng mình không gặp vấn đề gì lớn. Việc đầu tiên bạn nên chú ý là chu kỳ “đèn đỏ” hàng tháng của mình. Nếu chu kỳ đều đặn, bạn có thể yên tâm; nhưng nếu chu kỳ có vẻ trục trặc, không đều, thì nên chú ý. Đặc biệt, chu kỳ không đều đi kèm với các dấu hiệu bên ngoài như rậm lông, béo phì thì càng nên chú ý vì đây rất có thể là các dấu hiệu của hội chứng buồng trứng đa nang, một hội chứng có khả năng gây nên tình trạng hiếm muộn.

Một dấu hiệu khác đáng được chú ý là nếu xuất hiện các dịch âm đạo có màu và mùi bất thường thì nên đi khám phụ khoa ngay vì có khả năng bạn bị viêm nhiễm (nếu để lâu không điều trị có thể dẫn đến hiếm muộn, vô sinh). Dịch âm đạo bình thường tiết ở mức độ vừa phải, không gây ảnh hưởng, khó chịu cho sinh hoạt hàng ngày. Dịch thường trong suốt như lòng trắng trứng gà, không mùi. Trường hợp dịch chuyển sang những màu vàng, xanh, có lẫn máu, có mùi hôi, tanh là đã bị viêm nhiễm.

Cuối cùng, nếu như đến tuổi trưởng thành mà vòng một của bạn vẫn rất nhỏ, hầu như không có thì cũng nên quan tâm, vì đây là dấu hiệu thiếu nội tiết tố nữ, sẽ có thể gây nên tình trạng hiếm muộn.

Tags:

Bài viết liên quan