Mẹ&Con – Kháng thể kháng tinh trùng tuy là nguyên nhân dẫn đến hiếm muộn nhưng với sự can thiệp của y học thì vợ chồng bạn vẫn có thể hy vọng.

Chào bác sĩ!

Vợ chồng tôi cưới nhau đã được 2 năm nhưng chưa có bé. Vì tuổi tác cũng đã lớn (tôi 29, chồng 33 tuổi) nên chúng tôi quyết định đi khám hiếm muộn. Trong quá trình cho thực hiện một số xét nghiệm, bác sĩ báo chồng tôi có “kháng thể kháng tinh trùng” và giải thích nôm na là cơ thể tự tiêu diệt tinh trùng sao đó, dẫn đến việc khó có thể có con theo cách tự nhiên bình thường. Chúng tôi rất lo và chồng tôi cũng rất buồn về điều này dù anh ấy không nói ra. Chúng tôi có hy vọng có con bằng tinh trùng của anh ấy và trứng của tôi không? Cần thực hiện những biện pháp gì để có thể có một em bé thật sự là “kết tinh” của chúng tôi?

Trần Thị Bình Minh (Quận 7)

 Bác sĩ trả lời

Bạn và anh xã không nên quá lo vì kháng thể kháng tinh trùng tuy là nguyên nhân dẫn đến hiếm muộn, nhưng lại có thể khắc phục và vợ chồng bạn hoàn toàn có thể có một em bé “thật sự là kết tinh” của bố mẹ như bạn mong ước.

Giải thích rõ hơn để bạn hiểu. Bạn hình dung thế này, cơ thể mỗi người bình thường luôn có khả năng miễn dịch, tức là khả năng nhận ra và loại bỏ các vật “lạ”, nhằm bảo vệ an toàn cho cơ thể không bị tấn công. Miễn dịch có thể chia làm 2 loại là miễn dịch không đặc hiệu và miễn dịch đặc hiệu.

Trong đó, miễn dịch không đặc hiệu là khả năng tự bảo vệ sẵn có từ lúc sơ sinh, mang tính di truyền, không đòi hỏi phải có sự tiếp xúc trước của cơ thể với vật lạ. Ngược lại, miễn dịch đặc hiệu là trạng thái miễn dịch xuất hiện khi cơ thể đã tiếp xúc với kháng nguyên và có phản ứng sinh ra kháng thể đặc hiệu chống lại chúng. Miễn dịch này có đặc điểm cơ bản là khả năng nhận dạng và trí nhớ đặc hiệu về kháng nguyên.

Kháng thể kháng tinh trùng được bạn nhắc tới chính là loại miễn dịch đặc hiệu. Để bạn khỏi “rối” với những kiến thức y khoa, tôi chỉ giải thích theo hướng tương đối đơn giản để bạn có thể hình dung. Vì một nguyên nhân bất thường nào đó của cơ thể mà làm khởi phát hệ thống miễn dịch, dẫn đến cơ thể vô tình xem tinh trùng như “vật thể lạ”, có xu hướng “tiêu diệt” chúng. Trong một số trường hợp, không phải do cơ thể của người chồng tự “chống lại” tinh trùng theo kiểu “người của ta tự đánh ta” mà chất nhầy cổ tử cung của người phụ nữ cũng có thể phát triển thành kháng thể để kháng tinh trùng của chồng. Lúc đó, dù không hề sử dụng biện pháp tránh thai nhưng bao nhiêu tinh trùng “lọt vào” đều bị cơ thể của người phụ nữ tự “đánh nhanh, tiêu diệt gọn” hết cả.

Kháng thể kháng tinh trùng có thể tác động đến sinh sản bằng cách bất động tinh trùng hoặc kết dính tinh trùng. Khi gần gũi vợ chồng, tinh trùng vì thế sẽ phải nằm trong âm đạo mà không di chuyển vào buồng tử cung đến vòi trứng hay di chuyển rất ít, dẫn đến hiếm muộn, khó có con. Tuy nhiên, xin khẳng định lại lần nữa để bạn yên tâm là thấy vậy chứ mọi chuyện đều có hướng giải quyết. Tất nhiên, trong trường hợp này, vợ chồng bạn cần đến sự hỗ trợ của các biện pháp điều trị hiếm muộn. Ví dụ như bác sĩ sẽ cho sử dụng chất ức chế miễn dịch, thụ thai bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung với tinh trùng của người chồng, thụ thai trong ống nghiệm, thụ thai bằng cách tiêm tinh trùng vào bào tương của noãn, v.v.. Hiểu “nôm na” là giúp tinh trùng vượt qua “bức tường lửa” mang tên kháng thể kháng tinh trùng kia.

Hi vọng bạn sẽ không lo lắng nhiều nữa, động viên anh xã để anh ấy yên tâm và chuẩn bị tâm lý thật tốt để bước vào hành trình tìm con yêu. Nên nhớ rằng càng lạc quan và tin tưởng, vợ chồng bạn càng có thể vượt qua những khó khăn một cách dễ dàng.

Tags:

Bài viết liên quan