Trào ngược dạ dày là một hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khiến bé bị nôn trớ. Nhiều phụ huynh nhanh chóng tìm đến các giải pháp điều trị, trong đó có gối chống trào ngược.
Sản phẩm này cực kỳ đa dạng và được quảng cáo là mang lại lợi ích tuyệt vời cho trẻ. Thực ra sao? Gối chống trào ngược cho bé là gì?
Có nên dùng gối chống trào ngược cho trẻ sơ sinh hay không? Trẻ mấy tuổi dùng gối chống trào ngược được? Cách giảm trào ngược cho trẻ sơ sinh hiệu quả? Mời bạn tìm hiểu lời giải trong bài viết này.
Gối chống trào ngược cho bé là gì?
Gối chống trào ngược cho trẻ sơ sinh là loại gối có thiết kế đặc biệt. Gối giống như một chiếc nêm được vát nghiêng từ 15 đến 45 độ so với chiều thẳng đứng.
Thiết kế này giúp nâng cao phần thân trên của bé khi trẻ nằm. Từ đó, hạn chế dịch acid dạ dày trào ngược lên trên.
Ngoài ra, thiết kế của gối còn giúp mở đường thở, để bé thở dễ dàng ít bị khò khè, đảm bảo lưu thông máu tốt hơn. Các loại gối chống trào ngược rất đa dạng và có nhiều kích cỡ, hình dáng, chất liệu…
Một số loại gối phổ biến hiện nay là:
- Gối chống trào ngược chữ C hoặc chữ U: Thiết kế của gối giống hình chữ C hoặc U và có góc nghiêng 30 – 45 độ. Hình dạng này giúp bé có điểm tựa lưng và đầu khi nằm. Gối rất hợp với các bé đã biết lẫy và tập ngồi.
- Gối chống trào ngược hình tròn: Gối hình tròn hoặc oval lõm ở giữa. Thiết kế này giúp nâng cao đầu của trẻ khi nằm cũng như giữ tư thế nằm cố định cho trẻ.
- Đệm nằm chống trào ngược: Đây là loại đệm nằm kích thước rộng có kích thước lớn hơn gối, có thể che phủ toàn bộ giường cũi hoặc võng của bé được thiết kế vát nghiêng 10 – 15 độ. Đệm giúp bé nằm thoải mái, không sợ trẻ bị trượt hay lệch khi nằm.
Có nên dùng gối chống trào ngược cho bé?
Tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh không phải là bệnh lý. Các bé bị trào ngược vì hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện, cấu trúc dạ dày khác với người lớn và trẻ vẫn đang bú sữa lỏng.
Việc trào ngược sẽ dần tự khỏi khi trẻ trưởng thành và phát triển toàn diện. Chỉ nên dùng gối chống trào ngược nếu tình trạng trào ngược, nôn trớ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của bé.
Trẻ không thể bú, ngủ ngon vì bị trào ngược có thể dùng đệm nằm chống trào ngược để hỗ trợ sau khi ăn. Tuy nhiên, khuyến cáo y khoa là không nên dùng gối chống trào ngược cho trẻ sơ sinh trong thời gian dài.
Sử dụng gối sai cách tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng:
- Ảnh hưởng khung xương, khiến cột sống bị biến dạng. Bạn nên biến xương sống của trẻ nhỏ hoàn toàn thẳng và chỉ cong dần khi bé tập đi. Do đó, nằm trên đệm có thể làm bé bị vẹo cổ, lệch cột sống.
- Gây kích ứng hoặc bí bách, tạo điều kiện cho các bệnh về da của bé.
- Nguy hiểm nhất là gối gây nghẹt thở, gối quá nặng khiến bé không thể thoát được nếu lỡ bị kẹt. Trẻ sơ sinh dễ dàng tử vong trong khi ngủ do vướng phải các vật dụng từ đồ chơi cho đến chăn mền trong cũi.
Tư thế ngủ an toàn nhất cho trẻ sơ sinh là nằm ngửa trên mặt phẳng, độ cứng vừa phải. Tóm lại, trong cũi chỉ cần có một em bé là đủ.
Cách dùng gối chống trào ngược cho trẻ sơ sinh
Để tránh các rủi ro trên, tốt hơn hết bạn cần tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định dùng gối cho bé. Mẹ cũng có thể hỏi ý kiến bác sĩ về tình trạng nôn trớ, trào ngược ở trẻ.
Trong một số trường hợp, trẻ bị nôn trớ nặng có thể không chỉ do trào ngược sinh lý. Bạn cần kiểm tra xem bé có bất thường sức khỏe nào hay không.
Đối với gối nằm chống trào ngược, mẹ cần lưu ý các điều sau khi dùng:
- Chọn gối phù hợp với tuổi của bé, tránh các gối kê đầu quá cao khi nằm.
- Dùng gối có chất liệu tốt, thoáng mát và phải an toàn với trẻ nhỏ.
- Chỉ dùng gối chống trào ngược trong một thời gian ngắn, khoảng 15 đến 30 phút mỗi ngày sau khi ăn nhằm hạn chế ọc sữa, nôn trớ ở trẻ sơ sinh ngay sau ăn.
- Luôn luôn theo dõi và quan sát bé khi cho trẻ nằm gối chống trào ngược. Tuyệt đối không chủ quan để bé nằm một mình không có người trông coi. Nếu trẻ có bất kỳ biểu hiện bất thường nào như khó thở, thở khò khè, tím tái thì phải đưa bé đi kiểm tra ngay.
Cách giảm trào ngược cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Hẳn mẹ sẽ lo lắng nếu không dùng gối chống trào ngược thì có cách nào hỗ trợ cho con không? Để giúp trẻ ít bị nôn trớ khó chịu, viêm thực quản, sặc sữa do trào ngược, bạn có thể:
- Thay đổi chế độ bú: Cho trẻ bú ít hơn mỗi lần và tăng số cữ bú. Điều này đảm bảo dạ dày bé không bị căng quá đầy.
- Tư thế cho bú: Cho bé bú trong tư thế nghiêng về trước, giảm tối đa lượng không khí bé nuốt vào khi bú.
- Vỗ ợ hơi cho bé sau khi bú để tống khí thừa ra ngoài.
- Không để trẻ nằm ngay hoặc vận động mạnh hay kích thích bé khi con vừa mới ăn no.
Sau khi trẻ bú, mẹ nên vỗ ợ hơi cho bé
Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là một hiện tượng bình thường và không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu trào ngược gây ra các biến chứng hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe và tăng trưởng của bé, các mẹ cần phải tìm hiểu nguyên nhân để điều trị kịp thời. Đặc biệt, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc hoặc gối chống trào ngược cho bé.