Mẹ&Con – “Sóng ngầm” hôn nhân tưởng như không có gì đáng lo nhưng thật ra có thể phá hủy hạnh phúc bất kỳ lúc nào nó đủ mạnh.

Chào chuyên gia!

Tôi 25 tuổi, lập gia đình được 2 năm và đã có một bé 4 tháng. Hiện tại, cuộc sống gia đình tôi cũng khá ổn, mọi thứ bình lặng nhưng không hiểu sao tôi cứ có một linh cảm rất xấu về mối quan hệ vợ chồng mình. Tôi cảm thấy chồng rất thờ ơ, không yêu tôi một cách nồng nàn (anh cưới tôi chỉ để làm vui lòng mẹ). Mỗi lúc về nhà, anh thường vớ ngay lấy điều khiển ti vi, chỉ thỉnh thoảng mới chơi đùa một chút với con, còn tôi thì anh rất ít khi hỏi han, chia sẻ gì một cách tình cảm.

Thật sự tôi rất buồn. Nhiều lúc, tôi thèm có một vòng tay của chồng, một nụ hôn bất chợt, một cử chỉ âu yếm, nhưng không có. Ngay cả chuyện chăn gối, chỉ có giai đoạn đầu sau hôn nhân vợ chồng tôi “đỡ đỡ” một chút, từ lúc tôi có thai đến giờ con đã 4 tháng, anh tuyệt nhiên không lần nào “đụng” đến tôi. Tôi nên làm gì để thay đổi cuộc sống hiện tại của mình bây giờ? Nếu tình trạng này kéo dài, tôi e đến một lúc nào đó tôi chịu hết nổi quá, dù rằng người ngoài nhìn vào sẽ chẳng hiểu tại sao tôi “chịu hết nổi” khi mà chồng tôi khá hiền lành, anh cũng chưa có biểu hiện gì là lăng nhăng hay có ai ở ngoài, cũng không gây gổ, la mắng, không bài bạc rượu chè hay nhiễm thói xấu nào tương tự thế.

T.Q.H (Quận 4)

Ý kiến chuyên gia

Ðúng như bạn đã “nhận diện”, những điều đang diễn ra trong gia đình bạn tuy có vẻ như không “nghiêm trọng” nhưng kỳ thực là một cơn sóng ngầm có thể phá hủy hạnh phúc bất cứ lúc nào khi nó đã đủ mạnh.

Ðể thay đổi tình hình, trước hết, bạn hãy chủ động thay đổi bản thân. Hãy đón chồng về mỗi ngày bằng gương mặt vui vẻ và những nụ cười. Nhờ anh chăm sóc con nhiều hơn để tạo mối dây liên kết giữa hai cha con. Ðôi lúc, khi chồng đang xem ti vi, bạn có thể bế con ra chỗ chồng bảo anh: “Ba hôn bé một cái rồi bé đi ngủ nào!”. Những điều đơn sơ như vậy nhưng khi được thực hiện thường xuyên, nhiều lần, sẽ tạo nên lửa ấm cho ngôi nhà.

Bản thân mình, bạn cũng hãy chủ động chăm sóc cho ngoại hình “tươi tắn” lại sau kỳ thai nghén, nuôi bé sơ sinh. Có thể chủ động nấu cho chồng những bữa ăn ngon, hỏi han anh về công việc, về chuyện này chuyện khác mà anh quan tâm. Khi nào tâm trạng chồng có vẻ vui, bạn có thể góp ý khéo léo với anh, rằng vợ chồng mình đừng “tranh thủ” xem ti vi quá nhiều mà nên dành thời gian cho nhau.

Với chuyện gối chăn, cũng đã đến lúc vợ chồng bạn tìm cách “khởi động” lại, vì đó sẽ là chất xúc tác tuyệt vời để hâm nóng tình cảm. Ðiều quan trọng nhất cần làm là bạn cố gắng đừng chỉ trích, càm ràm, đừng thể hiện sự thất vọng hay cau có, bực bội vì chúng chỉ làm bạn stress thêm và anh xã (vốn đã thờ ơ) càng thêm “nhạt” với tình cảm gia đình. Thay vào đó, hãy chăm sóc một cách chu đáo, chủ động “cho đi” trước khi đòi “nhận lại”, thể hiện sự vui vẻ, nhẹ nhàng, tạo cảm giác thoải mái cho chồng mỗi lúc về nhà.

Và nhớ đừng quên bạn vẫn có một lợi thế rất lớn là đứa con – mối dây tình cảm gắn kết vợ chồng. Chỉ cần bạn “nhận diện” được sóng thần và nỗ lực dùng tất cả yêu thương của mình để gắn kết, thay đổi tình hình, chắc chắn rồi sẽ có lúc sóng… tự tan, để bắt đầu những tháng ngày thật sự ấm cúng và bình yên trong ngôi nhà của bạn.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Trần Thị Quỳnh Dao

Tags:

Bài viết liên quan