Mẹ&Con - Hiện tại, em vẫn đang uống thuốc ngừa, song gần đây em nghe nói có thể tiêm thuốc tránh thai tiện hơn thuốc uống cứ phải uống mỗi ngày, hễ quên thì lại có nguy cơ. Em tiêm như thế có được không? Những cách tránh thai dễ gây 'vỡ kế hoạch' 6 cách “vượt stress” khi mang thai Que thử thai - sứ giả báo tin vui

Em 21 tuổi, mới lập gia đình. Vì vợ chồng em đều còn trẻ quá (chồng em 23 tuổi), công ăn việc làm chưa ổn định, vẫn phải sống nhờ hoàn toàn vào gia đình nên em lưỡng lự chưa muốn có con ngay. Em dự tính chờ vài năm nữa, khi hai đứa tự lo được cho bản thân, có đời sống ổn định và tự lập thì mới có con. Hiện tại, em vẫn đang uống thuốc ngừa, song gần đây em nghe nói có thể tiêm thuốc tránh thai tiện hơn thuốc uống cứ phải uống mỗi ngày, hễ quên thì lại có nguy cơ. Em tiêm như thế có được không?

Hà Quỳnh Vy
(Quận 4)

 chuyen gia mevacon

Em biết nghĩ như thế là rất tốt và rất có trách nhiệm với gia đình nhỏ, với những đứa trẻ sau này sẽ sinh ra. Thực tế, nhiều đôi vợ chồng cưới vội, có con cũng vội khi chưa kịp chuẩn bị gì. Điều này dẫn đến sự căng thẳng trong gia đình, vợ chồng lúng túng không biết cách chăm sóc trẻ, không biết cách quán xuyến chi tiêu, từ đó dẫn đến lo lắng, stress, gắt gỏng, cãi vã, có khi chia tay. Cuối cùng chỉ có con trẻ là gánh chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Về chuyện em hỏi liên quan tới tiêm thuốc ngừa thai, xin trả lời cụ thể cho em như sau: Thuốc tiêm tránh thai là 1 trong các biện pháp tránh thai tạm thời, chứa nội tiết progestin. Thuốc tiêm tránh thai hiện có loại DMPA liều 150mg, có tác dụng tránh thai 3 tháng. Đây là phương pháp có nhiều ưu điểm, đặc biệt cho những người hay… quên uống thuốc như em.

Tuy nhiên, lưu ý kỹ là không phải bất kỳ ai cũng có thể tiêm thuốc tránh thai. Một số trường hợp cần thận trọng như: người phụ nữ đã trên 35 tuổi, người phụ nữ có hút thuốc lá, có bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, thuyên tắc mạch, ra máu âm đạo bất thường chưa được chẩn đoán nguyên nhân, bệnh lý gan nặng…

Do đó, trước khi tiêm thuốc tránh thai, em cần khám sức khỏe tổng quát, biết rõ tình trạng sức khỏe của mình, trả lời chính xác những câu hỏi được bác sĩ nêu ra về tình trạng sức khỏe của em cũng như tiền sử bệnh lý trước đó.

Cũng nói thêm với em rằng việc tiêm thuốc tránh thai cũng có thể dẫn đến rối loạn kinh nguyệt, ra máu ít hoặc nhiều, kéo dài, không có kinh trong quá trình sử dụng thuốc, đau đầu, căng ngực, tăng cân… Tất cả những biểu hiện này người bị người không, ở mức độ khác nhau nên em cần theo dõi chính bản thân mình nhé.

Thuốc tiêm DMPA được tiêm 3 tháng một lần. Thuốc sẽ có hiệu quả ngay nếu được tiêm trong khoảng từ ngày thứ nhất đến ngày thứ bảy của chu kỳ kinh. Nếu tiêm sau ngày thứ bảy của chu kỳ  kinh, phải dùng một biện pháp tránh thai hỗ trợ trong vòng 24 giờ em nhé. Chúc em một năm mới nhiều niềm vui bên gia đình của mình.

Tags:

Bài viết liên quan