Mẹ&Con – Nếu lấy phải một người chồng không những không phóng khoáng mà còn “vắt cổ chày ra nước”, phải có chiêu bạn mới “trị” được và khiến cuộc sống của mình trở nên thoải mái hơn.
“Vắt cổ chày ra nước” là câu tục ngữ có từ lâu đời, ám chỉ những người ki bo, keo kiệt. Tính cách của một con người không phải ai cũng giống như ai, thế nên tục ngữ mới có câu “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Và trong hôn nhân, việc chung sống với người đầu ấp tay gối mang trên mình hai chữ “keo kiệt” là điều quả thực không ai mong muốn. Song “bút sa gà chết”, khi đã kí tên vào tờ giấy đăng kí kết hôn thì buông tay không phải chuyện dễ dàng…
Con người không ai hoàn hảo, ai cũng có ít nhiều thiếu sót. Có người đẹp trai, tài giỏi nhưng lại lăng nhăng, có người cọc cằn, thô lỗ nhưng lại biết vun vén gia đình… và cũng có cả những người hiền lành, tốt tính nhưng lại ki bo, keo kiệt. Trong 1001 nỗi sợ của chị em, thì việc lấy phải ông chồng keo kiệt dường như là điều khổ sở nhất bởi “bỏ thì thương, vương thì tội”.
“Mẹ ơi, con nóng quá không ngủ được!”– Đang định với tay lấy điều khiển, mở điều hòa nhiệt độ cho con trai thì chồng Hòa bước vào. Anh nhẹ nhàng nựng thằng bé: “Mùa hè thì lúc nào thời tiết cũng nóng. Cu Bin ngoan, ba ẵm ra gốc cây đằng kia nằm võng cho mát nhé”. – “Nhưng con muốn ngủ với mẹ cơ” – Bin tỏ vẻ giận dỗi. Thăng đưa mắt lừ vợ, đổi tông giọng: “Vậy thì em cũng ra ngoài vườn nằm với nó luôn đi”.
Chồng là thợ mộc lành nghề, gia đình có của ăn của để. Thăng cũng chưa bao giờ quát mắng, đánh đập nhưng càng sống với chồng, Hòa càng thấy mệt mỏi vì cái tính tiết kiệm quá mức của anh. Mùa hè trời nóng như đổ lửa, có ngày lên tới 39 độ mà nói mãi, nói mãi Thăng mới chịu mua điều hòa. Có điều hòa mới, nhưng chỉ những hôm thời tiết gay gắt mẹ con Hòa mới được xài.
Thăng ngụy biện rằng không phải anh keo kiệt, vắt cổ chày ra nước sợ tốn tiền điện mà đổ lỗi cho nằm điều hòa dễ bị khô da rồi về lâu về dài có hại cho sức khỏe… “Nếu ai cũng sợ nằm điều hòa có hại cho sức khỏe, chắc mấy công ty sản xuất điều hòa phá sản lâu rồi” – Hòa kể lại kèm theo nỗi bực tức khi phải sống chung với ông chồng “vắt cổ chày ra nước”.
Có nhiều lý do để một người đàn ông trở nên keo kiệt, đầu tiên là gen di truyền. Cha mẹ anh ta không rộng rãi, từ nhỏ tiếp xúc và sống trong môi trường tằn tiện nên sau khi trưởng thành cũng mang cách sống y hệt như vậy. Tiếp theo là trường hợp “cha mẹ sinh con, trời sinh tính” – tức keo kiệt là tính cách bẩm sinh, đã ngấm vào máu. Dù sinh ra trong gia đình khá giả, thoải mái, lương cao nhưng lại bo bo giữ của cho riêng mình.
Trường hợp thứ 3 phải nhắc tới câu “hoàn cảnh tạo nên tính cách”. Trước giờ anh ta sinh ra và lớn lên trong nghèo khó, chưa bao giờ được cầm một số tiền lớn trong tay nên sau khi thành đạt, kiếm được kha khá tiền vẫn giữ thói quen chi tiêu chừng mực theo kiểu “được mùa chớ phụ ngô khoai”.
Cũng có trường hợp người đàn ông bắt buộc phải “đong lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” vì những lý do bất đắc dĩ như… do người vợ tiêu xài hoang phí quá, do làm ăn thua lỗ, phá sản, phải dành dụm để trả nợ, xây dựng sự nghiệp… Tùy vào mỗi hoàn cảnh mà chúng ta chấp nhận hay không chấp nhận, “cải tạo” hay không tìm cách “cải tạo”. Chẳng hạn như hai trường hợp cuối cùng, có thể tĩnh tâm suy nghĩ rằng anh ta keo kiệt vì gia đình, vì tương lai sau này của con cái… chứ hai trường hợp đầu tiên thì ôi thôi, khó lắm!
Như đã nói ở trên, “bút sa gà chết”. Một khi đã kí tên vào tờ giấy đăng kí kết hôn, buông tay nhau không phải chuyện dễ dàng.Ở bên người bạn đời tính toan chi li, bạn sẽ phải trải qua rất nhiều cảm giác thiệt thòi, buồn bã. Muốn trị chồng “vắt cổ chày ra nước”, chị em cũng phải có chiêu cả đấy.
Đồng cảnh ngộ với Hòa là Nhung. Nhà có 6 người, mỗi ngày một người trung bình thay 2 bộ quần áo, tổng cộng là 12 bộ đồ dơ phải giặt cuối ngày. Mùa hè còn đỡ, chứ vào mùa đông trời rét cắt da cắt thịt một mình vật lộn với thau quần áo to đùng, Nhung sợ hãi kinh khủng. Nhung kêu chồng mua máy giặt anh nhất định không chịu vì nói máy giặt… giặt không sạch.
Một hôm có người bạn của chồng tới chơi, thấy Nhung ngồi co ro vò từng chiếc áo chị này mới hét lớn: “Trời ơi, mùa đông mà ngồi tay không giặt quần áo? Bằng ơi, ông nổi tiếng tâm lý sao lại để vợ khổ cực thế kia? Sắm ngay một chiếc máy giặt cho bả đi”.
Anh chồng vắt cổ chày ra nước của Nhung vốn sĩ diện nên ngại tái xanh mặt. Nhân cơ hội này, Nhung hỏi thêm người bạn tư vấn cho hai vợ chồng vài chiếc máy giặt đang được ưa chuộng hiện nay. Trong khi Bằng méo mặt, Nhung và bạn của anh thỉnh thoảng lại liếc mắt nhìn nhau, cười thầm. Thì ra tất cả mọi chuyện đã được lên kế hoạch từ trước.
“Nắm thóp” được nhược điểm của chồng, mỗi khi muốn xin tiền Nhung lựa ngay lúc có khách tới nhà hoặc khi anh đang mải chơi cờ bên mấy ông hàng xóm. Khi thì “Anh đưa em 500 đi siêu thị, hôm nay phải mua ít thịt bò ngon tẩm chứ dạo này em thấy trong người mệt mỏi quá”, lúc lại “Nhà vừa hết gas, thợ đang tới anh đưa em tiền về trả nhé!”, hay “Em vội đi họp phụ huynh cho con, không kịp rút tiền. Em lấy của chồng 2 triệu đóng học thêm tháng này cho con nha!”.
Bằng nghiến răng kèn kẹt nhưng vẫn phải móc hầu bao đưa cho vợ vì toàn lý do chính đáng, hơn nữa nhà lại đang có khách chẳng lẽ để người ta coi thường mình? “Biết chỉ là “khổ nhục kế”, nhưng thà có còn hơn không chứ mình lương ba cọc ba đồng, lại hai đứa con nhỏ không tìm cách bắt chồng đưa tiền thì chỉ có nước chết đói” – Nhung thở dài ngán ngẩm.
Rất nhiều chị em khác có chồng keo kiệt, vắt cổ chày ra nước đều đồng tình quan điểm rằng đã làm vợ, làm mẹ sẽ không ai muốn “vòi” tiền của chồng để phục vụ mục đích cá nhân. Ngoài những trường hợp khó khăn thực sự, nhiều khi kinh tế họ còn dư dật tới nỗi gồng gánh được cả gia đình thoải mái, con cái sung túc. Cái mà người làm vợ mong muốn, đó là tinh thần trách nhiệm của người đàn ông trụ cột trong gia đình.
Nhiều người cứ nghĩ đi làm về, quăng cho vợ một ít tiền là tất tần tật mọi chuyện trong nhà sẽ được giải quyết ổn thỏa từ A – Z? Những người này thường là những người không bao giờ ngó ngàng chuyện con cái, nhà cửa, bếp núc, đối nội đối ngoại nên không hiểu được rằng giá trị mình đóng góp chỉ là muối bỏ bể. Cái tâm của họ chỉ dừng lại ở chỗ nghĩ cho mình, không nghĩ cho người. Thế nên mới có chuyện gả chồng cho con gái, mẹ nào cũng dặn thà lấy người có 10 đồng, sẵn sàng cho mình 9 đồng chứ đừng lấy người có 100 đồng nhưng không cho mình nổi 1 xu.
Bỏ qua trường hợp người chồng bắt buộc phải chắt bóp do thói quen tiêu xài vô độ của người vợ, có một sự thật khá đặc biệt đó là thường trong gia đình những người đàn ông vắt cổ chày ra nước, người phụ nữ lại chi tiêu khá thoáng đãng, không “đong lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”. Do vậy, dù hiếm khi chịu móc ví nhưng cuộc sống của họ vẫn khá tốt nhờ được đảm bảo bởi thu nhập của đối phương. Điều này quả thực quá đúng với gia đình chị Thu.
Chị Thu là trưởng phòng của một công ty xuất khẩu, chồng chị cũng không kém cạnh khi là một kiến trúc sư có tiếng. Với số tiền lương tháng gấp chục lần người khác, lẽ ra chị Thu phải được ăn sung mặc sướng nhưng từ lúc lập gia đình cho tới nay bản thân chị phải kham hết hầu như mọi chi tiêu trong gia đình.
Tính chị tự trọng, nhiều khi tới tháng đóng học cho con, chị nói với chồng thì anh chỉ ậm ừ cho qua chuyện nên “Có vài triệu bạc, mình tự bỏ tiền túi ra cho lẹ”. – Chị Thu tâm sự và thú nhận rằng đây cũng là cái sai lớn nhất biến mình thành osin, còn anh thì bo bo giữ tiền cho riêng mình để rồi một ngày anh có bồ, xây nhà đẹp cho vợ bé.
Trải qua chuyện đau lòng, chị Thu khuyên em gái né khỏi vết xe đổ của mình bằng cách phải biết “diễn”. Thỉnh thoảng tỏ ra túng thiếu, hàng tháng đưa cho chồng hóa đơn tiền điện, tiền nước, tiền học con cái, để chồng tự đi chợ… Đừng lúc nào cũng cả nể, tặc lưỡi bỏ tiền túi của mình ra chồng sẽ nghĩ vợ nhiều tiền, không cần đụng tới tài chính của mình.
Thậm chí nhà nước có cắt điện, cúp nước thì cũng ráng mặc kệ chịu đựng. Không chịu được, dù có keo kẹt, vắt cổ chày ra nước đến mấy chồng cũng phải tự bỏ tiền ra đóng. Cách này hiệu nghiệm thật, vì em rể chị trở nên có trách nhiệm với vợ con hơn, em gái chị cũng trang bị được cuốn sổ tiết kiệm đáng kể phòng thân.
Để thay đổi từ một người chồng keo kiệt, vắt cổ chày ra nước trở thành một người chồng thoải mái, phóng khoáng là điều không hề dễ dàng chút nào. Không có một công thức chung nào đảm bảo mọi chiêu thức trị chồng “vắt cổ chày ra nước” đều thành công. Cùng là một cách, áp dụng với người này cho ra kết quả khả quan nhưng với người khác thì chưa chắc.
Nói gì thì nói, điều đầu tiên đó là dù thế nào chị em cũng nên độc lập về kinh tế. Nếu không nhận được sự giúp đỡ của chồng thì cứ để mặc anh ta với tiền của anh ta, miễn sao chịu đóng góp chung cho chi tiêu gia đình ở mức chấp nhận được.
Hai vợ chồng cũng nên cùng nhau ngồi xuống, nói chuyện đàng hoàng về bài toán kinh tế. Nếu có thể, bạn hãy ghi chép cẩn thận và trung thực những khoản phải chi cho gia đình trong tháng để chồng xem. Khéo léo đề nghị chồng phải có trách nhiệm với những khoản nào, khoản nào…
Nếu người chồng hiểu, bớt đi tính keo kiệt, đồng ý chung tay gánh vác là điều tốt. Ngược lại, nếu anh ta vẫn dường như vẫn vắt cổ chày ra nước, tỏ ra chầy bửa, không hiểu thì chị em cũng nên suy nghĩ lại bởi một bàn tay không thể làm nên tiếng vỗ, một con người không thể tạo nên hạnh phúc gia đình.