Việc cho con bú sữa mẹ luôn đảm bảo nguồn dinh dưỡng cần thiết cho con. Tuy nhiên, đôi khi sức khỏe người mẹ gặp vấn đề nên bắt buộc phải ngừng nuôi con bằng sữa mẹ. Điều này thường không dễ dàng nên khiến nhiều mẹ bỉm sữa trở nên căng thẳng, thậm chí là trầm cảm sau sinh.
Vì vậy, hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu 8 cách cai ti mẹ hiệu quả nhất để vừa bảo vệ sức khỏe cho người mẹ vừa đảm bảo con vẫn phát triển đầy đủ.
Thời điểm thích hợp để cai ti mẹ
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc (UNICEF) khuyến nghị việc nuôi con bằng sữa mẹ nên kéo dài ít nhất 6 tháng đầu sau sinh. Qua 6 tháng, bé có thể tập cai ti mẹ bằng cách ăn dặm hay dùng thêm sữa công thức để vẫn có đủ dưỡng chất quan trọng. Ngoài ra, mẹ hãy theo dõi các biểu hiện thể hiện bé bắt đầu có thể ăn dặm để nắm được thời điểm tốt nhất cho con cai ti mẹ như:
- Bé có thể ngồi một mình, không cần sự trợ giúp từ cha mẹ và giữ được đầu ở yên một chỗ, không lắc lư.
- Mắt, tay và miệng bé phối hợp ăn ý để quan sát, cầm nắm và đưa đồ ăn vô miệng dễ dàng.
- Bé đã nuốt được thức ăn chứ không còn nhổ hay nhè ra ngoài như trước.
8 phương pháp cai ti mẹ hiệu quả và an toàn nhất
8 cách làm sau đây sẽ đảm bảo việc cai ti mẹ diễn ra dễ dàng và tạo cảm giác thoải mái cho cả mẹ và bé.
Cho bé bỏ cữ bú hay giới hạn thời gian bú sữa mẹ lại
Bước đầu tiên trong quá trình cai ti mẹ là bạn chỉ bé bú khi bé muốn. Nếu có sẵn thời gian biểu trước đó thì bạn hãy thay đổi nó bằng việc nếu bé không có nhu cầu thì không cần cho bé bú. Đây là cách cai ti mẹ tự nhiên nhất. Ngoài ra, bạn đừng cho bé dừng bú sữa mẹ một cách đột ngột mà hãy cho bé làm quen trước thông qua việc bỏ bớt cữ và giới hạn thời gian mỗi lần bú.
Những mẹo để giảm dần tần suất bú sữa của con:
- Chỉ cho con bú ở một số nơi nhất định như phòng ngủ, không cho bú ở nơi công cộng.
- Hạn chế số lần bú sữa của con: Có thể giảm lần cho bú trước khi ngủ và sau khi thức dậy. Đặc biệt, việc không cho trẻ từ 1 -3 tuổi bú vào giấc ngủ trưa sẽ giúp bé không còn đòi bú khi đi ngủ nữa.
- Khi không cho bé bú, mẹ hãy quan sát tình trạng bé trong 15 phút.
- Giới hạn thời gian cho bé bú bằng cách cho bé dừng khi bạn đếm đến 10 hoặc khi hát xong một bài hát.
- Nếu khoảng cách mỗi lần bú của bé là 3 tiếng thì tới tháng thứ 9, mẹ hãy kéo dài thêm thành 4 – 5 tiếng để tập cho bé quen dần.
Cai ti mẹ bằng cách cho bé ăn dặm
Mẹ có thể cho con ăn dặm bằng 2 phương pháp:
- Tăng thêm khẩu phần ăn cho con: Ngoài việc áp dụng việc cai ti mẹ, bạn hãy chế biến thêm những món ăn ngon và nhiều chất dinh dưỡng khác từ bắp, vịt, thịt heo, khoai tây,… để bổ sung. Và chuẩn bị thêm một vài bữa phụ nhỏ để bảo đảm con không bị đói và giảm tình trạng đòi ti mẹ. Việc làm này sẽ giảm bớt vai trò sữa mẹ trong chế độ dinh dưỡng của con, giúp việc cai ti mẹ thuận lợi hơn.
- Cho con ăn ngon trước khi bú: Con có thể tận hưởng các món ăn ngon trước khi bú mẹ. Hãy luôn chuẩn bị sẵn thức ăn và đồ uống để khi không có sữa mẹ thì bé cũng không cần phải chờ đợi. Gợi ý cho mẹ một số món cháo ăn dặm hấp dẫn như: Cháo bắp, cháo vịt, cháo cá diêu hồng,…
Dùng ti giả để tập cho con cai sữa mẹ
Đôi lúc, con đòi bú chỉ vì muốn ngậm ti chứ không phải đói bụng nên mẹ có thể dùng ti giả để đánh lừa cảm giác này của con. Tuy nhiên, tờ PubMed vào năm 1997 có bài đăng chỉ ra rằng dùng núm ti giả thường hiệu quả đối với những mẹ có khó khăn khi cho con bú còn những mẹ giỏi trong việc này thì kết quả lại không được khả quan.
Không để bé quá mệt mỏi và buồn ngủ
Nếu buồn ngủ hay quá mệt, bé sẽ đòi ti mẹ nhiều hơn. Do đó, mẹ hãy để bé ngủ nhiều hơn và nên cho bé ngủ trước khi bé trở nên quá mệt để giảm bớt tình trạng thèm bú.
Hóa trang để bầu ngực mẹ trở nên khác thường
Mẹ có thể biến dạng bầu ngực của mình thành những hình dáng lạ thường, thậm chí là xấu xí để con không còn muốn đòi ti nữa. Cách này đã được nhiều người sử dụng và khá thành công. Một vài cách để mẹ hóa trang bầu ngực của mình là:
- Buộc 1 hay 2 sợi tóc vào đầu ti
- Dùng son tô vào bầu ngực
- Lấy mặt nạ đắp vào phần ngực
- Sử dụng băng keo đen bịt lại núm vú
Lưu ý: Để tránh ảnh hưởng đến tâm lý bé, mẹ đừng hóa trang ra các hình dáng quá dữ tợn và nên giải thích một cách ngộ nghĩnh cho con rằng ti mẹ đã biến mất, không còn sữa nên con phải tập ngừng bú.
Thoa chất vị đắng hay cay ở ngực giúp con nhanh cai ti mẹ
Một động tác nhỏ như thoa ít dầu gió ở đầu ti và quanh phần bầu vú sẽ tạo hơi cay. Điều này làm trẻ không thoải mái và không còn dám lại gần. Hoặc bạn có thể dùng nước mướp đắng, rau đắng bôi lên đầu vú cũng có tác dụng cai ti mẹ tương tự.
Tỏi có thể giúp việc cai ti mẹ dễ dàng
Ăn tỏi ngâm hay tỏi sống nhiều ngày liền sẽ làm hơi thở và cơ thể mẹ bám mùi, thậm chí sữa mẹ tiết ra cũng có mùi tỏi vô cùng nồng. Vì lẽ đó, bé chắc chắn không còn hứng thú với sữa mẹ nữa.
Thức uống thảo dược sẽ hỗ trợ trong việc cai ti mẹ
Khi cai sữa, mẹ hãy vắt lượng sữa còn sót lại ở bầu ngực và bỏ vào tủ lạnh. Việc dừng cho con bú khiến mẹ bị cương sữa ở những ngày đầu, nhiều khả năng là kéo dài tới một tuần và gây ra tình trạng sốt. Do đó, mẹ hãy tham khảo một vài mẹo vặt sau để xử trí:
- Sử dụng hoa lài, lá bạc hà, lá ngải đắng để giảm sữa. Đun nước lá dâu tằm hay lá lốt để uống cũng giảm việc tiết sữa. Dần dần, sữa cạn thì bé cũng không còn đòi bú nữa.
- Nếu bầu vú căng tức, mẹ làm ướt khăn bông bằng nước nóng và chườm vào chỗ đau. Có thể làm nóng một cái cốc hay cái lọ có miệng lớn và úp vào bầu ngực sẽ khiến sữa mẹ chảy ra và xoa dịu cơn đau.
Các lưu ý cần nhớ khi muốn cai ti mẹ cho con
- Không nên để con cai ti mẹ khi thời tiết nắng nóng hay vào lúc chuyển mùa.
- Không cai sữa khi bé đang ốm, bị nhiễm khuẩn hay suy dinh dưỡng vì bé không thể đáp ứng kịp với những thay đổi, gây nguy hiểm đến sức khỏe.
- Cần quan tâm hơn tới những món ăn thay thế sữa mẹ để luôn đảm bảo con có nguồn dinh dưỡng đầy đủ.
- Nếu mẹ vẫn còn sữa thì hãy vắt ra và bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh để vừa bổ sung dưỡng chất cho bé vừa để con tập bú gián tiếp qua bình sữa.
- Mẹ nên kiên nhẫn và cẩn thận quan sát tình trạng của con khi cai ti mẹ. Không quá thúc ép con và nếu có bất cứ dấu hiệu khác thường nào, hãy thay đổi ngay phương pháp cai sữa. Nhưng an toàn nhất vẫn là nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ có chuyên môn.
Mẹ nên quan sát kỹ tình trạng của con khi cai ti mẹ
Cai ti mẹ là một điều bắt buộc khi đến thời điểm thích hợp. 8 bí quyết vàng trên chắc chắn sẽ giúp các mẹ bớt lo lắng và hỗ trợ quá trình cai sữa cho bé một cách hiệu quả nhất.