Chào bác sĩ!
Tôi chỉ mới 32 tuổi, vừa lập gia đình được 8 tháng và đang rất mong có con. Thế nhưng, thời gian gần đây, tôi thấy mình xuất hiện triệu chứng rối loạn chu kỳ hàng tháng. Có khi mất hẳn vài tháng rồi mới có lại khiến tôi cứ mừng hụt, tưởng mình có thai. Đi khám, ban đầu bác sĩ nói không sao, chỉ cho thuốc uống, nhưng sau một số xét nghiệm thì gần đây nhất, bác sĩ lại báo cho tôi biết là tôi bị suy buồng trứng sớm. Tôi tìm hiểu qua một số tài liệu, được biết suy buồng trứng sớm nghĩa là phụ nữ bị “mãn kinh” sớm, đúng không bác sĩ? Nếu tôi chưa kịp có con đã “mãn” như thế này thì có phải là tôi sẽ mất khả năng làm mẹ luôn không? Rất mong bác sĩ tư vấn giúp vì tôi rất lo lắng, buồn lòng khi biết mình gặp phải chuyện này. Chân thành cảm ơn bác sĩ.
Trần Thị Quế Mai (Quận Tân Phú)
Quả thật, nếu bác sĩ đã kết luận bạn bị suy buồng trứng sớm thì đây sẽ là một khó khăn (khá lớn) cho việc có con. Bệnh lý này được định nghĩa là tình trạng ngừng hoạt động chức năng buồng trứng ở những phụ nữ trước tuổi 40. Những biểu hiện thường thấy là thiểu kinh (chu kỳ hàng tháng trở nên ít bất thường) hoặc mất hẳn chu kỳ “đèn đỏ”.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là bạn hoàn toàn mất hy vọng với việc làm mẹ. Bạn lưu ý một khác biệt quan trọng giữa mãn kinh tự nhiên với suy buồng trứng sớm là: phụ nữ mãn kinh tự nhiên sẽ không thấy kinh trở lại, không thể có thai; nhưng phụ nữ bị suy buồng trứng sớm thỉnh thoảng vẫn thấy có kinh trở lại dù không đều, một số trường hợp khi được theo dõi, tích cực điều trị cộng thêm may mắn vẫn có thể mang thai.
Quay lại trường hợp của bạn, trước hết, dù bạn đã cho biết bác sĩ khẳng định bạn bị suy buồng trứng sớm thì tôi vẫn muốn bạn kiểm tra lại (ở bệnh viện chuyên khoa sản) để chắc chắn về tình trạng này. Vì nhiều chị em khi mới lập gia đình, stress nhiều, nhịp sinh học xáo trộn rất dễ có biểu hiện kinh nguyệt bất thường. Nếu là suy buồng trứng sớm, không chỉ có hiện tượng mất kinh mà còn xuất hiện những cơn bốc hỏa, vã mồ hôi, dễ kích động, mất cảm giác về tình dục, gần gũi vợ chồng rất khó khăn do âm đạo khô, gây đau đớn, rối loạn tiết niệu. Suy buồng trứng sớm còn có thể dẫn đến các bệnh như loãng xương, suy tuyến giáp, hạ huyết áp, v.v. do nồng độ hocmon giảm sút.
Thứ đến, nếu đã xét nghiệm, kiểm tra và chắc chắn bị suy buồng trứng, bạn nên trao đổi cụ thể với bác sĩ để tìm hiểu về các phương pháp điều trị theo hướng “còn nước còn tát”. Cụ thể, vẫn có thể điều trị hocmon thay thế, thực hiện một số biện pháp nhằm phục hồi chức năng buồng trứng. Báo tin vui để bạn lạc quan hơn là có đến khoảng 10% bệnh nhân suy buồng trứng sớm có thể có thai tự nhiên chỉ với chút ít sự “giúp sức” của bác sĩ. Ngoài ra, trường hợp cuối cùng, nếu như sau khi áp dụng nhiều biện pháp vẫn không được, bạn vẫn có thể thực hiện việc xin trứng của một phụ nữ khác (chị em ruột chẳng hạn) kết hợp với tinh trùng của chồng rồi đặt vào tử cung của mình. Nếu nghĩ thoáng đi một chút, dù không phải là trứng của mình nhưng bạn vẫn mang nặng đẻ đau, vẫn tự mang thai, sinh ra bé và chăm sóc, nuôi lớn con thì vẫn sẽ cảm nhận được tình mẫu tử trọn vẹn như bình thường. Chúc bạn nhiều may mắn.