Tôi 35 tuổi, mang thai bé đầu lòng. Thai hiện giờ được 8 tháng, tôi bị phù, nặng ngực. Trong lần khám thai mới đây nhất, tôi bị cảnh báo cần thận trọng, có nguy cơ tiền sản giật. Tôi rất lo lắng, vì biết tiền sản giật rất nguy hiểm cho cả mẹ và con. Tại sao tôi lại có nguy cơ này và có cách nào để ngăn ngừa nguy cơ này không thưa bác sĩ?
Trần Hòa An
(Quận Bình Thạnh)
Tiền sản giật chiếm tỉ lệ từ 6-8% phụ nữ mang thai. Bệnh có thể gây biến chứng nghiêm trọng cho người mẹ và thai nhi. Bị tiền sản giật, người mẹ có nguy cơ bị tổn thương gan, thận, chảy máu (máu chảy không cầm được hay co giật khi chuyển dạ). Còn với thai nhi, sẽ làm thai nhi chậm phát triển, suy thai, thậm chí thai bị chết lưu trong tử cung.
Tiền sản giật là hội chứng xuất hiện do các cơ quan bị giảm tưới máu vì mạch máu co thắt và nội mạch phù dày, thường xảy ra ở con so (nhất là khi quá trẻ tuổi hoặc quá lớn tuổi – trường hợp bạn 35 tuổi mới có con lần đầu có thể là nguy cơ). Tiền sản giật xuất hiện với 3 triệu chứng: Cao huyết áp (sau tuần 20 của thai kỳ), nước tiểu có Albumin, cơ thể bị phù. Trường hợp nặng, bên cạnh 3 triệu chứng trên còn xuất hiện thêm một trong các triệu chứng như: Huyết áp cao vượt ngưỡng 160/110mmHg, lượng nước tiểu trong 24 giờ ít hơn 400ml, có hơn 5 gam Albumin trong nước tiểu trong 24 giờ, thai phụ nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, đau thượng vị, cảm giác ngộp thở, nặng ngực.
Có thể vì bạn đã có những kết quả xét nghiệm (về nước tiểu, huyết áp… xấu, nên bác sĩ mới có sự cảnh báo như vậy). Tiền sản giật dễ xảy ra khi thai phụ mang thai con so từ 35 tuổi trở lên, thai phụ mang đa thai (sinh đôi, sinh ba); dinh dưỡng kém trong thời kỳ mang thai, ăn uống thiếu thốn; thai phụ phải làm việc nặng nhọc, căng thẳng, không được nghỉ ngơi đầy đủ; thai phụ có bệnh lý nội khoa trước đó như tiểu đường, cao huyết áp, thận, nhược giáp; thai phụ có tiền căn thai kém phát triển, bị thai lưu những lần trước…
Thông thường, khi đã được xác định là có các dấu hiệu tiền sản giật thì nên nhập viện, điều trị theo sự hướng dẫn, chăm sóc của bác sĩ và nữ hộ sinh, tránh để chuyển sang dấu hiệu tiền sản giật nặng. Trường hợp của bạn, bác sĩ vẫn cho về điều trị tại nhà có thể là tiền sản giật nhẹ. Tiền sản giật nhẹ (có các dấu hiệu như tôi nói trên nhưng ở mức độ nhẹ nhất, ví dụ bị phù nhưng phù ít) có thể điều trị tại nhà, ăn nhạt, nghỉ ngơi với tư thế nằm nghiêng để giúp máu qua thai nhi dễ dàng hơn. Khám thai hai lần/tuần để kiểm tra huyết áp, xét nghiệm nước tiểu và kiểm tra tình trạng phát triển của thai nhi. Trường hợp có chuyển biến xấu, bác sĩ sẽ cho chấm dứt thai kỳ (cho bạn sinh sớm), ngay cả khi thai nhi còn non tháng để tránh nguy cơ biến chứng nặng và tử vong cho mẹ.