Còn một ít ngày nữa là đến thời điểm các bé trở lại trường sau thời gian dài học online. Lần trở lại này có thể nói đem đến nhiều lo lắng, bất an cho các bậc phụ huynh khi tình hình dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp.
Thế nhưng, chúng ta vẫn phải thích nghi và tập làm quen với cuộc sống bình thường mới. Đối với các bé học sinh, nhiều em sẽ thích ứng rất nhanh khi trở lại trường, thậm chí còn háo hức vì sắp được hội ngộ với bạn bè và thầy cô. Nhưng số đông khác thì sợ sệt, không tự tin quay lại học trực tiếp bởi đã quen với nếp sinh hoạt và học online trong nhiều tháng ròng.
Dù vẫn còn gặp phải nhiều trở ngại và chưa thật sự an tâm khi đưa các con đến trường trong bối cảnh hiện nay. Các bậc phụ huynh vẫn nên có sự chuẩn bị, định hướng tâm lý cho trẻ một cách tốt nhất để giai đoạn trở lại trường sắp tới không quá nhiều khó khăn với trẻ.
5 cách giúp trẻ tự tin hơn khi trở lại trường học
1. Sắp xếp lại nếp sinh hoạt hàng ngày
Tập thay đổi thói quen cho trẻ sao cho tương thích với thời gian biểu học tại trường để con dần thích nghi lại với hoạt động mới. Trong suốt quá trình giãn cách xã hội, các bé đã dần quen với “bộ” thói quen mới, chẳng hạn như thức dậy trễ hơn vào ban ngày, ngủ trễ hơn vào ban đêm, ăn uống không đều độ… Lúc này chính là thời điểm cần đưa mọi thứ trở lại guồng quay, để con không bỡ ngỡ, khó chịu khi đột ngột trở học tập bình thường.
Để dễ dàng chuyển đổi sang thói quen học tập bình thường, bạn nên nhắc nhở con điều chỉnh từ từ như thức dậy và đi ngủ vào một giờ phù hợp hơn.
Cha mẹ có thể hỗ trợ và thúc đẩy tính tự lập của con bằng cách cho phép con thương lượng giờ sinh hoạt của mình và có trách nhiệm với quyết định đó. Áp đặt về thời gian ngủ nghỉ, học tập, chơi game và sử dụng thiết bị điện tử có thể không phải là biện pháp tốt để trẻ tự giác và có ý thức trong việc sắp xếp lại nếp sinh hoạt. Thay vì vậy, ba mẹ hãy cho con quyền tự làm chủ và góp ý cho chỉnh sửa trong khuôn khổ phù hợp.
2. Khuyến khích con thay đổi một cách từ từ
Mỗi trẻ có khả năng thích nghi khác nhau. Đừng vội nổi nóng khi thấy con không nghe theo lời ba mẹ và dậy sớm hơn vào buổi sáng, hay tuân thủ tắt điện thoại đi ngủ vào đúng 9 giờ tối. Trẻ cần thời gian và người lớn cần có sự khoan dung để khích lệ con có những hành động thay đổi một cách tích cực.
Bạn sẽ không biết được rằng diễn biến cảm xúc bên trong tâm hồn của một đứa trẻ như thế nào khi bắt đầu hình thành nhưng cảm xúc tiêu cực khi bị ràng buộc phải làm một điều gì theo ý người khác mà chúng không muốn. Hay cho trẻ thời gian và mềm mỏng hơn trong cách trò chuyện, bé chắc chắn sẽ hiểu được lý do tại sao bố mẹ bắt mình phải thay đổi. Bởi tất cả đều bắt nguồn từ sự yêu thương, quan tâm, lo lắng cho chúng.
3. Cập nhật tình hình thực tế về dịch bệnh
Đừng nghĩ rằng dịch bệnh là một đề tài mà bé chưa đủ khả năng để biết và hiểu. Hơn lúc nào hết, thời điểm này bạn nên có những buổi trò chuyện, tâm sự với con về tình hình hiện tại.
Lý do là để cho trẻ có sự hiểu biết cơ bản, từ đó dần có ý thức tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình. Nếu trẻ bị ép đeo khẩu trang đến lớp, rửa tay thường xuyên khi ra vào lớp học, thực hiện quy tắc 5k mà không hiểu lý do vì sao mình phải làm như vậy, hoặc không nhận thấy tầm quan trọng của những việc làm trên, thì khả năng rất cao trẻ sẽ không bao giờ ghi nhớ để thực hiện.
Nếu bạn sợ những tin tức về dịch bệnh mang lại những suy nghĩ tiêu cực cho trẻ thì chỉ cần điều chỉnh cách truyền đạt thông tin. Không đi sâu quá nhiều vào số ca bệnh, số người tử vong, mà chỉ nên nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp bảo vệ bản thân và cộng đồng trong mùa dịch. Chính sự phổ cập kiến thức đúng, đủ của bố mẹ chính là việc làm tiếp thêm cho trẻ nhiều sự tin tự khi quay trở lại trường học.
4. Cho phép con nói ra những suy nghĩ thật
Không chỉ có các bậc phụ huynh là người lo lắng trong việc trở lại trường học của con lần này. Chính các bé cũng mang nhiều nỗi lo riêng. Nhưng các con lại không có khả năng định nghĩa, gọi tên và tâm sự hết với bố mẹ.
Muốn biết con nghĩ gì, mong muốn gì, lo lắng về bất cứ vấn đề nào khi quay trở lại trường, bạn nên dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện với con. Đó có thể là những lo lắng về dịch bệnh, lo lắng về kỳ thi sắp tới, lo lắng về mặt kiến thức chưa vững, sợ hãi khi đến nơi đông người, sợ tiếp xúc với đám đông.
Có thể bạn chưa biết “Social Anxiety” là một hội chứng sợ xã hội. Đây là chứng bệnh về tâm lý được hình thành bởi môi trường sống ít có sự tiếp xúc người với người. Điều này hoàn toàn có thể hình thành trong thời gian giãn cách xã hội vừa rồi. Mặc dù trẻ có học online, trò chuyện với người thân qua các nền tảng xã hội, nhưng tất cả đều không mang đến trải nghiệm thực giúp cho trẻ có sự kết nối sâu về cảm xúc. Khi trở lại môi trường xã hội, trẻ có xu hướng thu mình lại, tự cô lập chính mình, không thể giao tiếp…
Thậm chí chứng “Social Anxiety” còn được ghi nhận ở người trưởng thành. Do đó các bậc phụ huynh không thể lơ là trong việc quan sát và trò chuyện, khuyến khích con chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của chúng nhiều hơn. Đó cũng là hoạt động để con chuẩn bị trở lại trường một cách hiệu quả.
5. Luôn suy nghĩ lạc quan, tích cực
Nếu trẻ sợ quay lại trường, bạn hãy nhắc trẻ nhớ về những khoảnh khắc vui vẻ bên bạn bè, thầy cô, những hoạt động ý nghĩa. Hồi tưởng về những câu chuyện vui sẽ để tâm trí trẻ thay đổi theo hướng lạc quan hơn. Từ đó kết thúc hoạt động để làm cho trẻ thích thú khi trở lại trường hơn.
Dạy con cách suy nghĩ lạc quan, bạn cũng đừng quên áp dụng cho chính mình. Dẫu biết rằng quyết định cho trẻ đi học lại vào thời gian này thật sự khó khăn, nhưng nếu không tập bắt đầu lại thì chúng ta sẽ khó lòng nào đưa mọi thứ trở lại bình thường.
Ngoài ra, trở lại trường không phải lựa chọn duy nhất cho hành trình tiếp thu tri thức của trẻ. Trên thực tế chúng ta có nhiều cách tiếp cận kiến thức, tuy vậy với bất kỳ lựa chọn nào, ở bất kỳ trường hợp nào bạn cũng nên áp dụng những “chiêu thức” tâm lý ấy để cùng con chúng ta vượt qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc sống.
Mẹ và Con chúc bé của bạn thật an toàn và học tập tốt khi trở lại trường học!