Chào bác sĩ!
Tôi đang mang thai đứa con đầu tiên sau một thời gian rất dài hai vợ chồng chờ đợi. Thật sự tôi đã rất hạnh phúc khi lần đầu tiên được nhìn thấy 2 vạch trên que thử. Thế nhưng, sau đó đi khám thì bác sĩ cho biết thai ngoài tử cung, phải bỏ. Tôi rất đau đớn. Tại sao lại có hiện tượng thai ngoài tử cung? Người ta nói khi đã bị thai ngoài tử cung một lần thì dễ bị những lần tiếp theo, phải vậy không?
Thái Minh (Quận Tân Phú)
Hết sức chia sẻ với bạn nỗi đau khi không giữ được bé. Thai ngoài tử cung xuất hiện với tỉ lệ từ 1 – 2% trong tổng số những trường hợp mang thai. Vì một lý do nào đó, chẳng hạn như vòi trứng bị hẹp hay tắc hoặc do trứng di chuyển chậm hơn bình thường, trứng đã thụ tinh sẽ nằm lại bên ngoài tử cung và phát triển tại đó, khi đó có tình trạng thai nằm ngoài tử cung.
Một số trường hợp viêm nhiễm sinh dục sẽ làm tắc, hẹp vòi trứng và dễ gây ra thai ngoài tử cung. Viêm nhiễm sinh dục thường dễ xuất hiện và phát triển âm thầm sau nạo phá thai và gây ra biến chứng này. Vòi trứng cũng có thể bị tắc hay hẹp do bẩm sinh hoặc do một can thiệp trước đó trên vòi trứng. Những lần mổ ở vùng bụng cũng có thể gây viêm dính (bên trong hay bên ngoài vòi trứng) và làm thay đổi hướng đi của vòi trứng (vòi trứng bị kéo dài, bị gập góc, v.v.).
Thai ngoài tử cung thường bị nhầm lẫn với rối loạn kinh nguyệt, rong kinh. Nguyên tắc điều trị là phải làm sao lấy đi khối thai hoặc làm cho khối thai không tiếp tục phát triển sai vị trí và tự tiêu biến đi. Khi khối thai đã vỡ thì thường phải cắt bỏ vòi trứng. Nếu bệnh nhân chỉ còn lại một bên vòi trứng thì vẫn còn khả năng có thai. Tuy nhiên, nếu lần sau vẫn bị thai ngoài tử cung thì có nhiều khả năng sẽ mất cả vòi trứng còn lại.
Thời gian để có thai lại tùy thuộc vào tình trạng lần thai ngoài tử cung trước, tình trạng mất máu gây ảnh hưởng sức khỏe và phương pháp điều trị đã được sử dụng. Nguy cơ thai ngoài tử cung tái phát có thể trên 10%, tuy nhiên, còn tùy thuộc vào nguyên nhân, nếu do bị viêm nhiễm gây tắc hẹp vòi trứng thì khả năng này khá cao. Khả năng bị vô sinh hoặc khó có thai xảy ra nếu cả hai vòi trứng đã từng bị thai ngoài tử cung bám hoặc đã bị cắt bỏ.
Việc em cần làm hiện nay là giữ gìn sức khỏe, tinh thần cũng như tuân thủ nghiêm ngặt theo mọi hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ có những cách tốt nhất cho em để có thể có thai an toàn vào lần kế tiếp.