Mẹ và Con - Tết Đoan Ngọ trong văn hóa Việt Nam là ngày diệt sâu bọ, ngày các thành viên trong gia đình quây quần bên mâm cơm sum họp... Vậy những nước nào khác đón mừng ngày lễ này và tập tục có gì khác? Hãy cùng tìm hiểu ngay với Mẹ và Con nhé!

Tết Đoan Ngọ hay vào mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm là thời điểm để phát động việc diệt trừ sâu bọ. Chính vì thế mà Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết diệt sâu bọ. Vào thời điểm này, ngoài việc diệt trừ những loài côn trùng gây hại mùa màng thì cũng là lúc để gia đình sum vầy bên nhau.

Nhưng nét văn hóa này không chỉ có ở Việt Nam mà một vài nước trong khu vực Châu Á cũng có tập tục riêng để ăn mừng ngày Tết Đoan Ngọ theo cách của riêng mình. Hãy cùng Mẹ và Con tìm hiểu những điều đặc biệt trong ngày lễ này nhé! 

Sự tích Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam

Câu chuyện về Tết Đoan Ngọ bắt đầu từ một mùa vụ năm nọ khi nông dân mở tiệc ăn mừng vì trúng mùa nhưng trời xui đất khiến thế nào năm ấy, sâu bọ từ đâu kéo đến ùn ùn và phá hoại mùa màng và hoa màu. Chúng ăn hết trái cây và những nông sản thu hoạch sau mùa vụ của những người nông dân.

Khi người dân đang phải khổ sở chịu đựng sự phá hoại mùa màng từ những con sâu bệnh đó và không biết làm cách nào để diệt trừ thì có một ông lão tự xưng là Đôi Truân đã đến và chỉ cho dân làng cách để tiêu diệt chúng.

Mỗi gia đình làm một mâm cúng đơn giản gồm bánh ú, trái cây, rượu nếp rồi sau đó đem ra trước nhà và vận động một chút. Dân làng làm theo lời chỉ dạy của ông lão và đột nhiên những đàn sâu bọ kia lần lượt biến mất.

Ông lão còn nói thêm vào thời điểm này hàng năm thì sâu bọ thường rất hung hăng và đông đúc. Chúng sẽ kéo đến để phá hoại mỗi năm. Chính vì thế mà ông đã dặn việc cúng kiếng nên được thực hiện hàng năm thì nông sản và mùa vụ sẽ được an toàn.

Dân làng biết ơn và muốn tỏ lòng cảm tạ đến ông lão thì chớp mắt ông đã đi đâu mất. Để ghi nhớ công ơn của ông, vào mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm sẽ được gọi là “Tết diệt sâu bọ” hay còn gọi là Tết Đoan Ngọ, vì việc cúng thường diễn ra vào giờ Ngọ.

Những tập tục đón Tết Đoan Ngọ̣ ở Việt Nam

Khảo cây lấy quả

Vào giờ Ngọ của ngày tết Đoan Ngọ, nhiều nơi sẽ thực hiện nghi thức khảo cây hay còn gọi là tục đánh cây. Tương truyền, nếu thực hiện điều này và cầu mong sung túc đủ đầy thì sẽ được như ý nguyện.

Khi khảo cây, người ta sẽ chọn những cây cho quả ít hoặc bị sâu bệnh với mong muốn điều này sẽ lấy đi những điềm không hay không tốt.

Nghi thức này gồm hai người: một người sẽ hóa thành cây và trèo lên một nhánh cây còn người ở dưới sẽ dùng dao gõ vào gốc cây và đặt những những câu hỏi như “Tại sao năm nay cây không cho hoa, không kết trái?”, “Mùa sau cây có ra quả hay không?”…

Lúc này người trên cây sẽ phải trả lời những câu hỏi này và việc đưa ra những câu hỏi và những câu đe rằng sẽ “đốn” cây đi nếu mùa sau cũng không được trái. Người trên cây phải tỏ ra cuống quýt và hứa sẽ cho nhiều quả thì mới được kết thúc.

Ăn trái cây

Vào ngày ngày, người Việt xưa thường chọn các loại quả có vị chua như mận, xoài, quýt, bưởi,… với mong muốn loại trừ mầm bệnh. Những loại trái cây đó thường được trưng trên mâm lễ Tết Đoan Ngọ ở hầu hết các gia đình.

Ngoài ra, ăn trái cây đầu mùa cũng thể hiện mong muốn một mùa vụ thành công, hoa đơm trái kết.

mâm trái cây tết đoan ngọ

Ăn cơm rượu

Cơm rượu là cơm làm từ gạo nếp được lên men rượu và ăn kèm xôi vò. Đây là món ăn có vị ngọt thanh, chua nhẹ và chữa được nhiều chứng bệnh như suy nhược cơ thể, giảm cơn khát, mồ hôi trộm.

Vào ngày tết diệt sâu bọ, mọi người sẽ vệ sinh cá nhân thật sạch sẽ và cùng nhau ăn cơm rượu với mong muốn đẩy lùi được bệnh tật trong cơ thể và mang lại nguồn sức khỏe dồi dào.

tết đoan ngọ

Hái lá thuốc

Ở một vài nơi, thường là những vùng quê, người dân sẽ cùng nhau đi hái lá thuốc vào lúc 12 giờ trưa. Vì theo những giả thuyết tương truyền từ lâu rằng đây là thời khắc dương khí thịnh nhất, mặt trời sẽ tỏa ra ánh sáng mạnh nhất năm.

Mọi người thường đi theo nhóm để hái các loại cây cỏ có tác dụng chữa bệnh ngoài da hoặc đường ruột. Sau khi hái xong, mọi người sẽ lấy lá thuốc này đun thành nước tắm hoặc xông hơi để phòng hoặc chữa bệnh.

hái thuốc tết đoan ngọ

Ăn bánh ú tro

Bánh ú tro được xem là món đặc trưng nhất của ngày Tết Đoan Ngọ và gần như là nét truyền thống được giữ lại cho đến tận bây gi ở nhiều nơi.

Để làm ra một chiếc bánh ú tro thơm ngon, người làm bánh phải chọn lựa rất kỹ những nguyên liệu để làm bánh.

bánh tro tết đoan ngọ

Gạo nếp phải dẻo thơm và được ngâm trong nước tro tàu. Lá gói bánh phải dùng lá dong chứ không dùng lá chuối… Bánh được gói thành từng chùm thường có khoảng 7-10 cái và đem cho vào nồi luộc.

Khoảng thời gian gần tới mùng 5 tháng 5 âm lịch, cha mẹ hay ông bà thường làm rất nhiều bánh để khi gia đình sum họp, con cháu họ hàng về thăm thì sẽ cùng nhau quay quần bên nhau để ăn bánh ú, uống nước mát và trò truyện.

Ăn thịt vịt

Thịt vịt cũng là một trong những món của ngày Tết Đoan Ngọ. Trong Đông y, thịt vịt có tính hàn và có tác dụng giải nhiệt tốt nên vào ngày này, người Việt xưa sẽ ăn thịt vịt để bồi bổ và thanh lọc cơ thể.

vịt tết đoan ngọ

Những tập tục khác trong ngày Tết Đoan Ngọ

Ngoài những tập tục nổi bật trên, vào ngày Tết diệt sâu bọ thì nhiều địa phương, trẻ em sẽ được cha mẹ sơn móng tay, móng chân màu đỏ hoặc bôi vôi lên ngực và rốn để không bị đau đầu hay đau ngực.

Nếu không đi hái thuốc được, người ta sẽ đi mua những loại lá mát, lá thuốc về trữ trong nhà để những ngày này có thể nấu nước uống giải nhiệt.

Những tập tục này không chỉ là thói quen mà còn là một nét đẹp văn hóa được người dân Việt Nam ở khắp nơi duy trì và gìn giữ.

Mâm lễ Tết Đoan Ngọ ở 3 miền

Miền Bắc

Phong tục truyền thống từ xa xưa có lưu lại tập tục rằng trong ngày Tết Đoan Ngọ, các thành viên trong gia đình sẽ phải ăn trái cây trước bữa sáng để thanh lọc cơ thể, làm sạch đường ruột, có thêm năng lượn để xua đuổi sâu bọ.

Ở miền Bắc người ta quan niệm những ngày này sẽ ăn mận vì nó có vị chua thanh nhẹ giúp “đánh bay” sâu bọ ở trong cơ thể.

Ngoài ra, những người dân miền Bắc còn ăn vải trong những ngày này vì vải vừa có vị ngọt nhẹ lại xen lẫn vị chua và có tính nóng sẽ giúp đốt cháy những thứ không tốt trong cơ thể. Bên cạnh đó, ở đồng bằng Bắc Bộ còn sử dụng các loại rượu nếp để diệt sâu bọ.

Bởi lẽ, ngày xưa trong cuộc sống không có nhiều những loại hóa chất để giúp diệt trừ sâu bọ. Họ tận dụng độ lên men của cơm nếp và men của rượu sẽ giúp loại bỏ những loài kỳ sinh có hại trong cơ thể.

Miền Trung

Với mâm lễ Tết Đoan Ngọ của người dân miền Trung thì cơm rượu là một “công cụ” giúp họ diệt trừ sâu bọ. Món cơm rượu này tuy là món tráng miệng nhưng nó giúp dễ tiêu hóa do có men ở phần rượu nên rất được ưa chuộng trong những mâm lễ của ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch.

Người dân miền Trung coi ngày Tết Đoan Ngọ là một trong những ngày lễ lớn của năm, là dịp để gia đình sum vầy hội họp và cùng nhau chế biến những món ăn như bánh tráng, chè kê và đặc biệt là món bánh tro.

Lý giải cho những điều này, nhiều chuyên gia cho rằng miền Trung thường có thời tiết khắc nghiệt và ảnh hưởng của thiên nhiên đến mùa màng là vô cùng sâu sắc nên họ thường cúng thật lớn đều cầu mong sự yên bình và ấm no đến với cuộc sống của họ.

Miền Nam

Vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch trong những mâm lễ tết đoan ngọ của người miền nam sẽ có món cơm rượu. Khác với những loại cơm rượu bình thường thì trước khi đem ủ với rượu thì người ta sẽ ngâm gạo rồi vo thành viên tròn tượng trưng cho mọi sự vuông tròn của thịnh vượng.

Ngoài ra thì vào ngày Tết Đoan Ngọ thì người miền nam cũng sẽ chọn ăn thịt vịt để giải nhiệt cho những ngày nóng bức.

Tập tục đón Tết Đoan Ngọ ở các nước Châu á

Trung Quốc

Đua thuyền rồng

Vào ngày Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết Đoan Dương tại Trung Quốc, đua thuyền rồng là một hoạt động rất náo nhiệt của người dân cả nước. 

Tương truyền, vào ngày này khi nhận được tin Khuất Nguyên – một vị trung thần của nước Sở tự vẫn, người dân ngay lập tức tổ chức những đội thuyền chèo ra sông để cứu lấy ông nhưng không thành. 

đua thuyền tết đoan ngọ

Từ đó vào đúng ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch mỗi năm, người dân đều tổ chức lễ hội đua thuyền rồng để tưởng nhớ đến vị trung thần này. Nếu có cơ hội được đến đây vào thời gian này, bạn hãy thử một lần đi xem lễ hội đua thuyền này nhé. 

Uống rượu hùng hoàng

Bên cạnh tục lệ ăn bánh nếp hay còn gọi là bánh ú với đủ phiên bản có nhân thì rượu hùng hoàng là món uống “không thể bỏ qua” trong dịp Tết Đoan Ngọ.

Theo sách “Bản thảo Cương Mục”, rượu hùng hoàng là một vị thuốc có thể tiêu độc, giết sâu bọ và được dùng pha rượu uống. Rượu được lên men lúa mạch cùng hùng hoàng, một khoáng vật màu vàng.

Trong bách khoa về những vị thuốc Đông Y, hùng hoàng là một vị thuốc có khả năng tiêu độc, giết sâu bo và có thể pha rượu uống. Rượu được lên men từ lúa mạch và hùng hoàng, một khoáng vật đông y có màu vàng. 

rượu tết đoan ngọ

Đeo túi thơm 

Túi thơm ở Trung Quốc là loại túi vải được may thành hình quả cầu nhỏ có thêu hình chú cọp từ chỉ ngũ sắc. Bên trong túi đựng các loại hương liệu có khả năng đuổi sâu bọ, rắn rết côn trùng như hùng hoàng, hương dù, hạt và nhiều loại hương liệu khác

Người Trung Quốc quan niệm khi đeo túi thơm trong ngày Tết Đoan Ngọ sẽ giúp xua đuổi tà ma, chống lại bệnh tật và bảo vệ sức khỏe của bản thân.

túi thơm tết đoan ngọ

Hàn Quốc

Trò chơi dân gian

Trong tết Đoan Ngọ tại Hàn Quốc thì các trò chơi dân gian sẽ được tổ chức rất nhiều vào ngày này. Điển hình là trò chơi đấu vật Ssireum. Hai đối thủ sẽ thi đấu trong một vòng tròn có viền cát dày và quỳ trên cát, nắm chặt thắt lưng satba của đối phương. 

Người thắng cuộc sẽ là người hạ được đối thủ xuống đất với điều kiện mọi bộ phẩn của cơ thể đối thủ không được cao hơn đầu gối của người thắng. 

đấu vật tết đoan ngọ

Ăn bánh Suritteok và Yaktteok 

Bánh Suritteok có tên xuất phát từ từ Sure nghĩa là chiếc bánh xe. Bánh làm từ lá ngải cứu chần qua rồi lấy nước và đem trộn cùng bột gạo. Bánh sẽ có màu xanh và hình dáng giống cái bánh xe. 

Còn bánh Yaktteok được làm từ gạo không dính nấu chín rồi đem trộn với các loại hạt khác nhau và nặn thành những hình khác nhau. Đây là đặc sản của khu phía nam tỉnh Jeolla.

Tặng quạt vào ngày Tết Đoan Ngọ

Tết Đoan Ngọ ở Hàn Quốc còn được gọi là Dano nên người Hàn thường có câu “Dano tặng quạt, đông chí tặng lịch” nên thường vào ngày này họ thường tặng nhau những chiếc quạt truyền thống xinh xắn. 

Họ tin rằng khi tặng quạt sẽ giúp xua đi cái nóng mùa hè sắp tới. Phong tục này có từ thời Joseon và chính nhà vua cũng tặng quạt cho các cận thần của mình.

Ngày nay, tuy rằng ngày Tết Đoan Ngọ không còn được chú trọng như xưa nhưng nét đẹp văn hóa nó đem đến sẽ luôn còn mãi trong văn hóa của người Việt Nam cũng như một vài nước Châu Á như Trung Quốc hay Hàn Quốc. Nhân dịp Tết Đoan ngọ, Mẹ và Con chúc bạn và cả gia đình đầm ấm, hạnh phúc! 

Bài viết liên quan

con riêng của chồng

9 cách giúp mẹ kế xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với con riêng của chồng

Mẹ và Con - Bạn có bao giờ tự hỏi: “Tại sao con riêng của chồng lại ghét tôi ngay cả khi tôi cố gắng trở thành một người mẹ tốt?” Hãy cùng tìm hiểu xem nguyên nhân vì sao mối quan hệ với con riêng của chồng lại gặp nhiều trục trặc đến vậy và cần làm gì để xây dựng mối quan hệ tích cực với con riêng của chồng bạn nhé!