Vợ chồng tôi cưới nhau 5 năm. Thời gian đầu chung sống, chúng tôi tương đối hạnh phúc. Chồng không quá yêu chiều tôi nhưng cũng quan tâm gia đình. Chúng tôi ít cãi vã, vun vén gây dựng cho cuộc sống mới. Khi con trai tôi chào đời, anh có vẻ rất vui. Nhưng chỉ 1 năm sau đó, chúng tôi phát hiện cháu có vấn đề lớn về sức khỏe và phải điều trị lâu dài, thậm chí có khả năng ảnh hưởng cả đời.
Tôi rất buồn vì chuyện đó. Càng buồn hơn khi từ lúc con bệnh, tôi thấy chồng ngày càng lạnh nhạt và ít quan tâm đến gia đình. Thay vì con bệnh thì vợ chồng chung sức hết lòng lo cho con, đằng này anh lại đi nhậu nhiều, về nhà thì lầm lì, nghe con khóc thì bực tức nạt nộ tôi không biết dỗ. Tiền bạc anh đưa cho tôi hàng tháng cũng ít đi. Tôi than thở việc cần tiền điều trị cho con, anh gắt gỏng bảo lo sao được thì lo và nói tôi “có mỗi chuyện đẻ đứa con bình thường thôi cũng không biết đẻ!!!”. Tôi rất chán nản và đau lòng. Có lúc muốn ly hôn cho xong thì lại xót con mình còn quá nhỏ…
T.L
Con bệnh là một cú sốc lớn với gia đình, nhất là khi bệnh cần đến việc điều trị lâu dài, có khả năng ảnh hưởng cả đời (không thể trị dứt điểm). Đối diện với cú sốc ấy, nếu chưa nhiều trải nghiệm (tuổi đời còn ít, va vấp chưa nhiều…), vợ chồng dễ gặp phải trạng thái trầm cảm, hoang mang, phủ nhận sự thật, không muốn tin, phản ứng tiêu cực.
Chồng bạn không phải không thương con. Có điều ngay lúc này, chính anh ấy cũng đang rơi vào những nỗi khổ và cảm giác bế tắc, loay hoay không biết làm sao. Ở trạng thái tâm lý đó, chồng bạn lại thiếu kỹ năng sống để giải quyết tình huống như một người trụ cột của gia đình. Anh phản ứng bằng cách bỏ đi nhậu, quát tháo vợ con, thấy vợ con như “tội nợ”.
Tôi nghĩ, việc cần làm nhất hiện giờ là bạn nên tập trung giữ gìn sức khỏe bản thân và bắt đầu hành trình dài để chạy chữa tối đa cho bé. Đừng để tâm trí mình phải bận tâm thêm quá nhiều đến chồng và chuyện ly hôn vì điều đó sẽ dễ khiến bạn trầm uất thêm. Theo thời gian, chồng bạn sẽ vượt qua được trạng thái chối bỏ với hiện tại và bớt dần những phản ứng tiêu cực kia.
Bạn có thể nhờ thêm người thân chuyện trò, khuyên bảo chồng, giúp anh bình tĩnh hơn và lạc quan hơn, đủ bản lĩnh dần để đi cùng bạn trên chặng đường dài chạy chữa cho con. Tất nhiên, những phản ứng của chồng bạn hiện thời không phải là phản ứng đúng cách. Song, trong mười phần trách anh ấy cũng mong bạn dành vài phần để thông cảm và để “thương”. Bởi lẽ, không phải vô cớ mà ở các quốc gia tiên tiến, khi con bệnh, bác sĩ phải tập trung điều trị đầu tiên cho… tâm lý của chính những người làm cha mẹ. Nói ra điều này để bạn hiểu, chồng bạn trong chừng mực nào đó cũng đang là một “nạn nhân” của biến cố gia đình này. Mệt mỏi, hoảng sợ, hoang mang, trầm cảm, song theo cách bạn mô tả, tôi tin anh ấy vẫn thương bạn, thương con.
Chúc vợ chồng bạn bình tâm và đồng lòng cùng nhau vượt qua khó khăn, để tiếp tục đi cùng bé.