Mẹ&Con - Một giấc ngủ ngon giúp trẻ phát triển tốt, song vẫn còn nhiều trẻ hay gặp ác mộng mỗi đêm. Hãy cùng nghe bác sĩ hướng dẫn bạn nhé! 6 tuyệt chiêu giúp bé dễ ngủ Những việc nên và không nên khi cho bé ngủ 4 cách giúp trẻ có giấc ngủ ngon

Thưa bác sĩ,

Con trai tôi 10 tuổi. Thời gian gần đây, cháu rất hay gặp ác mộng và nói sảng trong khi ngủ. Tôi cố gắng hỏi cặn kẽ con mơ thấy gì thì cháu không nhớ, hoặc có khi nhớ rời rạc là bị té, hay có con quái vật đuổi cháu… Cháu bị như vậy cũng đã được vài tuần rồi. Mỗi lần thức dậy, cháu rất hốt hoảng, sợ hãi. Mồ hôi ướt đẫm lưng và có khi còn bật khóc nữa. Cả nhà đã cố gắng cho cháu đi ngủ sớm, không cho chơi game hay xem phim ảnh vào buổi tối nhưng tình trạng vẫn không đỡ hơn.

Xin bác sĩ tư vấn giúp: Tôi nên làm gì? Cháu như vậy là có vấn đề không khỏe về thần kinh? Có nên đưa cháu đi khám bác sĩ không? Cảm ơn bác sĩ rất nhiều.

Nguyễn Thị Ngọc Lệ (Quận Gò Vấp)

 Trẻ gặp ác mộng thường xuyên "dễ mắc bệnh tâm thần"? 3

 Chị Ngọc Lệ thân mến,

Chúng ta nên chú ý đến hai nguyên nhân chính thường đưa đến ác mộng ở trẻ: Thứ nhất là về vấn đề tâm lý, và thứ hai là chế độ dinh dưỡng. Hiện nay đang mùa thi. Có thể áp lực học hành, bài vở kiểm tra ở lớp khiến cháu bị căng thẳng. Chị nên xem thử kết quả học tập của cháu hiện tại ra sao, cháu có bị khủng hoảng vì chuyện học không? Có thể hỏi thăm thêm giáo viên ở lớp, xem cháu vào lớp có nghe giảng chăm chú, có ngủ gật, có dấu hiệu thiếu tập trung không.

Bên cạnh đó, chị nên gần gũi cháu nhiều hơn, hỏi thăm chuyện bạn bè trên lớp, chuyện tình cảm trong gia đình… Cần để ý cả chuyện cháu có bị ai bắt nạt, dọa dẫm ở trường không, cháu có biểu hiện gì kỳ lạ (ví dụ lấy cắp tiền ở nhà, nói dối…)? Thêm một điều cần lưu ý là một số trẻ trải qua giai đoạn dậy thì từ rất sớm. Phụ huynh coi con mình ở độ tuổi 10, 11 hãy còn là một cu cậu bé bỏng chỉ biết ăn và chơi nhưng có khi cháu đã bắt đầu vào giai đoạn dậy thì rồi. Chị nên quan tâm đến những yếu tố này, chia sẻ với cháu, xem cháu có gút mắc hay hoang mang, hoảng sợ điều gì không. Từ đó mới tháo gỡ dần cho cháu được.

Về yếu tố ngoại cảnh, gia đình có thể thay đổi lại cách bố trí phòng ngủ cho trẻ. Nên giữ cho phòng thật thoáng mát, sạch sẽ. Dra trải giường chọn các màu sắc tươi sáng, nhẹ nhàng sẽ giúp trẻ có giấc ngủ êm và sâu hơn. Nếu cháu thích một món đồ chơi nào đó, chị có thể cho phép cháu để món đồ chơi trên giường trong lúc ngủ. Không nên cho cháu xem các cảnh phim kinh dị, phim bạo lực hoặc chơi game.

Yếu tố cuối cùng cần nhắc đến là nếu chế độ dinh dưỡng của cháu không đầy đủ, thiếu hụt một số chất thì cũng có thể gây ra tình trạng ác mộng. Hãy cho cháu ăn đủ bữa, bữa tối nên cách giờ ngủ trên 2 tiếng. Nên bổ sung cho cháu thêm kẽm, canxi, các vitamin… thông qua các loại thực phẩm hàng ngày. Trong trường hợp đã làm tất cả những việc trên mà vẫn không cải thiện được tình hình, trẻ vẫn thường xuyên gặp ác mộng, chị có thể đưa trẻ đến khám bác sĩ để có được hướng kiểm tra và cách phối hợp điều trị tốt nhất.

Theo sự cố vấn của Bác sĩ Phạm Khuê Anh (BV Nhi Đồng 1) 

 

Tags:

Bài viết liên quan