Chào bác sĩ!
Hiện tôi rất lo lắng vì theo các tài liệu sách báo đã đọc, khi mang thai phải giữ cho không bị táo bón. Thế nhưng, từ khi có thai đến giờ, suốt mấy tháng nay tôi liên tục bị táo bón, dù trước đó rất hiếm khi “bị”. Tôi không biết động tác mình cứ phải “rặn” mỗi ngày có ảnh hưởng đến thai hay không? Làm sao để trị dứt chứng táo bón này?
Lê Nguyễn Phương Hoa (Quận 4)
Thật ra, bạn không nên quá lo lắng, căng thẳng, vì theo thống kê, có khoảng ¼ phụ nữ khi mang thai phải đối mặt với chứng táo bón, kể cả những phụ nữ chưa hề bị táo bón trước đó.
Nguyên nhân xảy ra hiện tượng này là vì khi mang thai, cơ thể thai phụ có nhiều thay đổi hay do sự chèn ép của thai nhi. Bên cạnh đó, suốt quá trình mang thai, cơ thể người mẹ sẽ có những sự biến đổi lớn về hocmon. Điều này có thể gây nên những ảnh hưởng xấu đến ruột, gây cản trở trong việc đào thải các chất cặn bã ra ngoài.
Ngoài ra, còn có hàng loạt nguyên nhân khác như chế độ ăn uống thay đổi, bạn lại ít vận động, v.v. cũng dẫn đến tình trạng táo bón. Ngay cả vấn đề tâm lý như bạn quá lo lắng cũng chính là một trong những nguyên nhân tác động khiến “tình hình” đã “khó” càng “khó hơn”.
Tuy nhiên, nói để bạn yên tâm là việc táo bón không quá ảnh hưởng đến thai nhi như điều bạn sợ. Bạn cũng có thể khắc phục dễ dàng việc này nếu tuân thủ theo một số nguyên tắc sau:
– Ăn thật nhiều chất xơ như trái cây, rau củ quả.
– Uống nhiều nước hơn. Trung bình cứ sau 10 – 15 phút, bạn nên uống một ít nước. Chính nước sẽ giúp bạn thoát khỏi chứng táo bón một cách nhanh chóng. Nếu quá “ngán” vì phải uống liên tục nước lọc, bạn có thể xen kẽ bằng các loại nước ép trái cây chẳng hạn.
– Không nên ngồi yên hay nằm yên cả ngày. Hãy cố gắng luyện tập đều đặn. Những bài tập yoga dành cho bà bầu, đi bộ nhẹ nhàng, v.v. sẽ có tác động tích cực đến hệ tiêu hóa.
Làm được những điều này, chắc chắn, bạn sẽ nhận ra mình không còn quá “vất vả” với những ngày tháng mang thai.