Mẹ&Con – Sau sinh, hầu hết phụ nữ đều gặp phải tình trạng mỏi gối do khớp gối phải chịu một khối lượng cơ thể lớn của cả mẹ và thai nhi.

Chào bác sĩ!

Tôi 31 tuổi, mới có bé đầu lòng được 2 tháng. Nói chung suốt thời gian mang thai, sức khỏe tôi vẫn bình thường. Tuy nhiên, sau khi sinh, không hiểu sao tôi lại phát sinh tình trạng mỏi gối một cách khủng khiếp. Đi bộ một chút cũng mỏi, lên cầu thang trong nhà mà cứ đến chỗ chiếu nghỉ của cầu thang giữa các tầng lầu là tôi đã muốn nhấc chân không lên. Xin bác sĩ tư vấn giúp có cách nào để giảm bớt tình trạng này không? Nó có gì bất thường không, thưa bác sĩ?

Lê Hoàng Bảo Trâm (Quận 10)

 Bác sĩ trả lời

Xin nói ngay để bạn yên tâm là tình trạng “mỏi gối chồn chân” này xuất hiện ở rất nhiều chị em phụ nữ sau khi sinh nở. Tại sao lại như thế? Bạn hình dung, vùng khớp gối là vùng chịu trọng lực của cả cơ thể, nếu vận động, di chuyển nhiều cũng đã gây ra cảm giác mỏi rồi. Huống chi, khớp gối phải “gánh” một trọng lượng tăng vọt của cơ thể bạn và thai nhi suốt 9 tháng liền. Rồi sau khi sinh, những công việc vất vả của một người mẹ có con mọn cũng không ngừng khiến bạn phải đi lại nhiều để ẵm bồng, chăm sóc bé. Tất cả những điều đó dồn lại khiến gối yếu hẳn so với giai đoạn “son trẻ” ngày xưa.

Làm cách nào để bớt mỏi gối? Có hai việc cần làm là chế độ dinh dưỡng và chế độ luyện tập. Về dinh dưỡng, bạn chú ý cung cấp đủ chất cho cơ thể. Có thể bồi bổ bằng những món ăn dân gian có tác dụng trị chứng mỏi gối như đuôi heo nấu đậu đen, thịt bò lá lốt hay cá trê nấu đậu đen. Tăng cường uống nhiều sữa để bổ sung đủ lượng canxi cho cơ thể.

Về việc luyện tập, bạn nên tham khảo một số động tác thể dục, yoga giúp gối được “chăm sóc” tốt hơn. Ngoài ra, có thể thử các biện pháp trị liệu như chườm nóng, massage, dán thuốc dán nóng, v.v.. Nên tránh ngồi lâu một chỗ và đặc biệt là “từ giã” hẳn đôi giày cao gót ở giai đoạn sau sinh (tối thiểu trong vòng 6 tháng sau sinh) vì giày cao gót sẽ càng làm cho bạn mỏi gối hơn.

Tags:

Bài viết liên quan