Mẹ&Con – Nước muối có tính sát khuẩn rất tốt, nhưng vệ sinh vùng kín bằng nước muối liệu có tốt? Đọc ngay bài viết này để nhận được lời giải đáp tốt nhất.
Nước muối có công dụng sát khuẩn, sát trùng và ngăn ngừa viêm nhiễm nên thường được dùng để rửa vết thương, súc miệng, họng, rửa mũi. Hơn nữa, nước muối còn an toàn và phù hợp với sinh lý con người. Vì vậy, việc vệ sinh vùng kín bằng nước muối là tốt. Tuy nhiên, đây không phải là phương pháp được khuyến khích, vì nếu thực hiện sai cách thì rất dễ rước bệnh cho “cô bé”.
Dưới đây là những hướng dẫn vệ sinh vùng kín bằng nước muối đúng cách, đảm bảo an toàn cho “cô bé”.
Pha nước muối đúng cách
Thông thường, các bác sĩ chuyên phụ khoa đều khuyến khích chị em sử dụng nước muối sinh lý Natri Clorid 0.9% đã được pha chế sẵn, bày bán tại các hiệu thuốc Tây. Bởi lẽ, nước muối tự pha ở tỷ lệ không hợp lý với quá nhiều muối sẽ ảnh hưởng đến niêm mạc ở vùng kín, khiến những vấn đề của “cô bé” càng nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, để chị em chủ động hơn trong việc vệ sinh vùng kín chúng tôi cũng sẽ giới thiệu cách pha dung dịch vệ sinh vùng kín bằng nước muối để khắc phục vấn đề phụ khoa như sau:
- Rửa tay thật sạch. Các dụng cụ như lọ, nắp, các bình đong, thìa khuấy… để đựng và pha nước muối cũng cần rửa sạch và tiệt trùng với nước sôi, để khô.
- Hòa tan 9 gam muối (khoảng 2 thìa cà phê) trong một lít nước sạch để được dung dịch nước muối sinh lý 0.9%.
- Đựng dung dịch nước muối sinh lý trong chai/ lọ đã được tiệt trùng và đậy nắp lại. Mỗi mẻ nước muối sinh lý này, bạn chỉ nên sử dụng tối đa 15 ngày để đảm bảo an toàn.
Thực hiện vệ sinh vùng kín bằng nước muối
- Bạn rửa nhẹ nhàng bên ngoài vùng kín bằng nước muối. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý làm sạch khu vực đáy chậu ở giữa âm đạo và hậu môn để tránh vi khuẩn từ vùng này lây lan sang âm đạo.
- Vệ sinh vùng kín ít nhất một lần một ngày. Bên cạnh đó, bạn cũng chú ý rửa sạch “cô bé” sau khi quan hệ để bảo đảm vệ sinh.
Những lưu ý khi vệ sinh vùng kín bằng nước muối
- Không ngâm vùng kín vào chậu nước muối, vì vi khuẩn từ hậu môn có thể lan sang âm đạo gây viêm nhiễm. Đồng thời, tính kiềm của nước muối còn làm thay đổi môi trường có tính axit của âm đạo.
- Không thụt rửa sâu, vì việc làm này có thể vô tình đưa vi khuẩn từ bên ngoài vào sâu hơn và cũng làm mất cân bằng độ pH của âm đạo. Hơn nữa, nếu nước muối quá mặn mà được sử dụng vệ sinh thường xuyên còn khiến vùng kín bị khô rát.
- Không chà xát mạnh vùng kín khi vệ sinh vùng kín bằng nước muối. Thay vào đó, bạn cần thực hiện rửa nhẹ nhàng bên ngoài để tránh vùng kín bị trầy xước, gây xót.
- Không rửa vùng kín bằng nước muối nếu vùng âm hộ, âm đạo có hiện tượng loét hoặc có những vết thương hở.