Mẹ&Con - Tập trung vào giải quyết những “lục đục nội bộ” nếu bạn thấy còn có thể và chấp nhận buông tay khi không thể hàn gắn tình cảm.

Chào chuyên gia!

Tôi 36 tuổi, kết hôn với chồng tôi khi anh ấy chỉ mới 29 tuổi. Tôi là chủ một cửa hàng điện thoại di động ở quận. Lúc ấy, mọi người xung quanh, kể cả gia đình tôi đều dị nghị rằng chồng tôi là “phi công trẻ lái máy bay bà già” hay thậm chí cay nghiệt hơn là anh “lấy cái cửa hàng di động”. Không những thế, kể từ khi yêu đến lúc lấy nhau chỉ hơn 5 tháng, một quãng thời gian không đủ dài để có thể quyết định đi đến hôn nhân. Tôi lúc đó đã có một đứa con gái riêng từ cuộc hôn nhân trước.

Một năm sau thì chúng tôi có một bé trai. Tuy vậy, từ lúc bắt đầu cho đến tận bấy giờ, những lời xì xầm về việc “chồng tôi chỉ vì tiền mà lấy tôi, tôi vì quá lụy tình nên mới để anh ấy dụ dỗ” vẫn luôn xuất hiện. Khi những lời bàn tán thưa thớt dần cũng là lúc chúng tôi cảm thấy mệt mỏi về cuộc sống gia đình. Chồng tôi vì luôn bị coi thường bởi gia đình tôi, anh cũng trở nên nản chí, không thiết tha làm ăn mà chỉ lo ăn chơi, chưng diện và cặp kè cùng những cô gái trẻ. Cuộc hôn nhân của chúng tôi thật sự đã không còn cứu vãn được khi cả hai không còn tôn trọng nhau nữa. Tôi không đủ can đảm ly hôn. Tôi sợ những lời gièm pha trước đây lại quay về. Nhưng thực sự tôi cảm thấy kiệt sức với cuộc sống hiện tại. Tôi sợ “giấy không gói được lửa”.

Trúc Nga (Quận 4)

Ý kiến chuyên gia

Hôn nhân của hai bạn từ lúc bắt đầu đã gặp nhiều áp lực và phán xét từ phía gia đình và những người xung quanh. Thêm vào đó, bạn là người có sự nghiệp ổn định, còn chồng thì không. Chính sự thiếu cân bằng này là cơ sở cho những lời gièm pha từ phía gia đình cùng những người xung quanh. Những lời dị nghị ấy đã làm tổn thương đến cái tôi và sự kiêu hãnh của bạn. Bạn phải luôn đấu tranh để có thể cân bằng giữa sự nghiệp và việc giữ “thể diện” của gia đình. Chính điều này làm những người trong cuộc buộc phải hy sinh và quên đi bản thân, không quan tâm đến mình đang muốn gì, khao khát điều gì.

Tập trung vào giải quyết những “lục đục nội bộ” nếu bạn thấy còn có thể và chấp nhận buông tay khi không thể hàn gắn tình cảm. Đầu tiên hãy tâm sự với những người thân thiết nhất trong gia đình, những người bạn cho rằng có thể hiểu và thông cảm cho bạn nhất. Hiểu và cảm thông, họ sẽ là những người bênh vực cho bạn trước những lời gièm pha của dư luận. Bên cạnh đó, bạn cũng cần bàn bạc với ông xã cách thức sẽ thông báo việc chia tay này như thế nào với gia đình hai bên. Làm sao để việc ly hôn diễn ra trong hòa bình và anh vẫn còn trách nhiệm với con trai của bạn. Có như vậy, cái nhìn khắt khe về việc “đổ vỡ” của cả hai sẽ được giảm nhẹ. Vấn đề không phải là bạn đã “đổ vỡ” hay thất bại mà là cách bạn giải quyết vần đề sau đó. Mọi người sẽ ngưỡng mộ và đánh giá cao sự dũng cảm khi bạn công nhận sự rạn nứt và coi đó như là một trải nghiệm để sống tốt hơn. Không cần công khai nguyên nhân đổ vỡ với dư luận, nhưng bạn có thể công khai cho mọi người thấy bản lĩnh của mình khi có thể đứng lên và sống tốt hơn từ những lần vấp ngã. Chúc bạn can đảm.

Tags:

Bài viết liên quan