Mẹ&Con – Nhiều người ví làm mẹ là “nhân viên làm toàn thời gian”. Một công việc không được “trả” lương và cũng không bao giờ được nghỉ hưu dù con đã lớn.
Mỗi người mẹ có 2 ‘công việc toàn thời gian’
Dù bây giờ là bà ngoại, nhưng cô Võ Huyền Nga (Q.4, TP.HCM) vẫn chưa được “miễn” chức làm mẹ. Cô Huyền Nga chia sẻ : “Lúc có con, bỗng thấy mình có 2 việc. Việc ở công sở và việc nhà. Mà công việc nào cũng toàn thời gian. Hồi xưa lúc còn làm dược sĩ, tới giờ mình ở văn phòng, hết giờ là về với con. Từ lúc về nhà thì toàn bộ sự chú ý của mình đều dành cho con”.
Cô Nga kể thêm: “Mãi đến bây giờ, cô nghỉ nghề thuốc chứ vẫn còn công việc chính khác. Đó là truyền thống của người Việt Nam mình rồi. Con cái là cả thế giới của mình. Dù con tôi nay 35 tuổi, cưới chồng và sanh cháu ngoại, thế nhưng trong mắt mình con vẫn bé bỏng như ngày nào. Mình vẫn cứ lo lắng không nguôi về con.
Thấy con cực với việc chăm cháu mình còn phải phụ, bởi nước mắt chảy xuôi. Cha mẹ nuôi con khôn lớn, con của mình rồi sẽ có cháu, cứ lo lắng kế tiếp”.
Chia sẻ với quan điểm của cô Nga, chị Nguyễn Thị Thái, giáo viên Trường THPT Krông Nô (Đắk Nông) cho biết: “Tôi có một cô con gái gần 5 tuổi. Từ ngày làm mẹ mình siêng năng hơn. Cứ sáng dậy thật sớm, lo cho con đi học rồi đi làm. Chiều về nấu nướng giặt giũ.
Con đang học thì tranh thủ dọn dẹp, chuẩn bị đồ ăn mai nấu cho con. Tôi và chồng buôn bán nhiều thứ kiếm thêm cho con cái này cái nọ đủ đầy. Làm việc gì cũng nghĩ đến con trước tiên. Tôi đã chuẩn bị tâm lí làm mẹ suốt đời rồi”.
‘Nghề’ căng thẳng
Theo Khảo sát người mẹ đi làm tại Việt Nam do công ty Adecco Viêt Nam công bố ngày 8-5, khoảng 75% người mẹ đi làm dành hơn 40 giờ làm việc ở công sở. Hơn 33% số người được khảo sát còn dành hơn 2 giờ để làm các việc không tên ở nhà. Hơn 97% người mẹ tham gia khảo sát cho biết thường xuyên căng thẳng khi cân bằng giữa công việc và gia đình.
“Mình rất yêu gia đình và hai con gái, nhưng cũng rất hạnh phúc và tự tin khi đi làm việc. Làm tốt vai trò ở công ty và ở nhà đòi hỏi sự kiểm soát và am hiểu bản thân rất lớn. Mang sự khó khăn trong công việc về nhà là không tốt, và cũng không nên mang chuyện gia đình đến nơi làm việc.
Để làm được việc đó, bản thân người mẹ đi làm cần hiểu rõ giới hạn của bản thân, cùng với sự quan trọng của khả năng nhận biết và kiểm soát căng thẳng” – chị Lê Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Adecco Việt Nam chia sẻ.
“Nhiều khi muốn “trốn” con vài ngày. Đặc biệt là những mùa cuối năm, chuẩn bị báo cáo thuế, việc công ty nhiều, lo lắng đủ thứ. Có những lúc con không ngoan, quấy khóc mình cũng chỉ biết khóc theo chứ không biết làm gì. Rồi luyện tập dần, thỉnh thoảng mình phải ngó lơ việc nhà, ngó lơ con một chút, thế thì mới đỡ căng thẳng. May mắn là ông xã hiểu cho, những lúc vợ bận, việc nhà, việc con cái chồng tự giác làm.
Sự ủng hộ của bạn đời giúp cuộc sống gia đình nhẹ nhàng hơn. Chuyện làm mẹ, làm vợ, việc nhà… không còn là gánh nặng mà là niềm vui”, chị Nguyễn Cẩm Hằng, chuyên viên kiểm toán tại Samsung Việt Nam chia sẻ.
Theo Thanh niên