Nằm than sau sinh là một tập tục có từ rất xa xưa, đặc biệt phổ biến ở miền Bắc và Trung nước ta. Được biết, sản phụ sau sinh được nằm than vào mùa đông để giúp cơ thể được ấm áp hơn trong điều kiện thiếu thốn trước đó.
Và tập tục này từ lâu cũng đã gây nhiều tranh cãi vì có lập luận cho rằng việc nằm than sau sinh sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của mẹ và bé yêu. Vậy thực hư như thế nào, hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Nguồn gốc của tập tục nằm than sau sinh
Có thể bạn chưa biết, phụ nữ nằm than thường mất khoảng 300 – 500ml máu sau khi chuyển dạ sinh con nên sau khi sinh em bé, mẹ sẽ thường cảm thấy ớn lạnh và cần được giữ ấm cơ thể.
Và ở thời xưa, các sản phụ sẽ được cho ở cữ riêng biệt trong một cái chòi, nhà cất tạm bằng tre nứa hoặc nhà tranh vách đất… nên thường bị gió lùa vào, khiến mẹ cảm thấy rét buốt, đặc biệt là vào mùa đông lạnh, nên ông bà xưa đã nghĩ ra cách đốt một ít than để sưởi ấm.
Ngoài ra, do thời xưa điều kiện vệ sinh còn nhiều thiếu thốn nên việc làm sạch cơ thể và giữ ấm hiện đại cho mẹ và bé chưa được tốt. Đối với trẻ sơ sinh, việc nằm than cùng mẹ cũng sẽ giúp cơ thể bé được ấm hơn ở thời còn chưa đủ đầy quần áo, chăn màn.
Một số tác dụng của việc nằm than sau sinh được các bà các mẹ thời xưa truyền lại như:
- Do bị mất nhiều máu sau sinh nên sản phụ cần được nằm than để cơ thể được truyền nhiệt, đồng thời giúp máu huyết lưu thông tốt hơn.
- Nằm than cũng sẽ giúp cơ thể mẹ sau sinh nhanh hồi phục, bé yêu cũng cứng cáp, khỏe mạnh hơn.
- Phụ nữ thời xưa phải “ở cữ” để giúp khỏe mạnh hơn như: nằm than, hơ lửa, kiêng tắm, kiêng ra gió, kiêng vận động quá mạnh… nếu không về lâu sẽ bị đau nhức mình mẩy, tiểu buốt sau sinh mổ.
Có nên nằm than sau sinh không?
Các bác sĩ không khuyến khích sản phụ nằm than, vì bên cạnh giúp sưởi ấm cơ thể, việc nằm than sau sinh sẽ có một số nguy cơ như sau:
- Có thể gây ngộ độc cho mẹ và bé: Than được đốt lên sẽ tạo ra khí CO và CO2, và đây là một loại khí độc không hề tốt cho sức khỏe, đặc biệt chúng có thể làm cho bé yêu ngạt thở hoặc thậm chí là gây tử vong. Nhẹ nhất cũng sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe như gây viêm phổi ở trẻ, viêm đường hô hấp cho cả mẹ lẫn con.
- Nhiệt độ của bếp than tỏa không đều: Thông thường, bếp than sẽ được đặt dưới giường nằm của bà mẹ. Điều này có thể gây bỏng cho mẹ bỉm và bé yêu. Không những thế, da của trẻ sơ sinh vốn non nớt, việc nằm than nóng có thể sẽ làm trẻ bị bỏng. Việt Nam đã ghi nhận nhiều ca nằm viện điều trị do bỏng da vì nằm than sau sinh.
- Có thể gây hỏa hoạn: Việc đặt bếp lửa trong nhà có thể gây bén lửa lên giường, màn, chăn gối và gây ra hỏa hoạn, cháy, bỏng.
- Nhiệt độ của bếp than không phải lúc nào cũng sẽ giống nhau đều đều. Có lúc than sẽ cháy nóng hừng hực, lúc sẽ tắt ngấm… và sự thay đổi nhiệt độ đột ngột này của than có thể sẽ làm cho cơ thể mẹ mệt mỏi, yếu ớt hơn.
- Bên cạnh đó, khi nằm than sau sinh thì tro than có thể bám vào người của mẹ và bé, kèm với mồ hôi do môi trường quá ấm nóng nên có thể khiến mẹ và bé có nguy cơ trẻ bị rôm sảy, nặng hơn thì bị nhiễm trùng da. Nếu như không phát hiện, dừng lại và điều trị sớm có thể dẫn đến nhiễm trùng máu.
Mẹ bỉm nên làm gì để giữ ấm sau khi sinh?
Qua giải thích về những mặt hại của việc nằm than sau sinh ở trên, mẹ bỉm muốn giữ ấm cơ thể có thể tham khảo những gợi ý sau đây mà không cần phải nằm than:
- Luôn mặc đầy đủ trang phục trên người: Mẹ sau sinh nên chuẩn bị cho bản thân đầy đủ áo ấm, khăn choàng cổ, tất và phải luôn mang bao tay, mũ và nằm nghỉ trong phòng kín gió. Tuy nhiên, việc mặc đầy đủ trang phục để giữ ấm người cũng nên tùy vào khí hậu và thời tiết.
- Dùng lò sưởi: Với sự tiến bộ về vật chất và kỹ thuật khoa học, nếu như sinh sống ở những vùng có mùa đông buốt rét, thay vì đặt một bếp lửa để hơ trong phòng, các bà mẹ nên đầu tư các thiết bị sưởi an toàn, tiện lợi.
- Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng: Mẹ bỉm nên xây dựng cho mình một chế độ ăn uống đảm bảo khoa học, đầy đủ dưỡng chất cần thiết, tránh kiêng khem thái quá dẫn đến thiếu chất, ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho bé và làm cho cơ thể suy nhược.
- Massage sau sinh: Để cơ thể luôn được ấm áp, phụ nữ không nên nằm than sau sinh mà nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng rượu ngâm gừng nghệ hoặc ngâm riêng lẽ từng thứ và massage nhẹ nhàng lên da sau sinh.
- Luôn giữ vệ sinh cá nhân: Mẹ bỉm nên tắm gội và giữ cơ thể luôn trong trạng thái sạch sẽ, đặc biệt là vùng kín. Tắm gội thường xuyên bằng nước ấm có pha rượu gừng, dầu chàm hoặc các sản phẩm xông tắm bà đẻ. Ngoài ra mẹ nên nhớ, sau khi gội đầu nên dùng máy sấy hoặc khăn mềm để lau tóc nhanh, tránh để tóc ướt bám vào lưng quá lâu.
- Không nên nằm một chỗ quá lâu: Trái ngược với việc kiêng vận động lúc xưa, theo như quan niệm của y học hiện đại ngày nay, việc vận động sớm sau sinh nhẹ nhàng như đi bộ, chậm rãi… sẽ giúp cho cơ quan hoạt động và sinh nhiệt. Từ đó sẽ giúp làm ấm cơ thể, kích thích máu huyết lưu thông tốt hơn, đẩy nhanh quá trình phục hồi sau sinh.
Trên thực tế, việc nằm than sau sinh chỉ phù hợp với thời các bà các mẹ, vì khi đó nền y tế và công nghệ khoa học còn lạc hậu, việc hơ lửa nằm than tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho mẹ và bé. Vì thế, mẹ bỉm thời nay không nên áp dụng cách này để làm ấm cơ thể. Thay vào đó, bạn nên lựa chọn các biện pháp giữ ấm an toàn để giúp đảm bảo sự an toàn cho cả hai mẹ con đều khỏe mạnh, vui vẻ nhé!
Hy vọng qua bài viết trên, Tạp chí Mẹ và Con đã giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề nằm than sau sinh và gợi ý những phương pháp giúp giữ ấm cơ thể tốt hơn việc nằm than, hơ lửa. Chúc bạn áp dụng thành công nhé!