Mẹ&Con - Tôi cứ băn khoăn hoài chuyện con tôi và con của chị lẽ ra là anh chị em họ thì lại trở thành là anh em “cùng mẹ khác cha”. Bảo chồng đi khám hiếm muộn chồng cho rằng vợ 'đòi hỏi'' Đừng để hiếm muộn làm mất hạnh phúc Những điều nên biết về hiếm muộn

Chào bác sĩ,

Tôi lập gia đình năm 2008, đã có một con trai. Hiện nay, chị gái tôi (36 tuổi) sau thời gian dài điều trị hiếm muộn vẫn không thể có con được. Bác sĩ nói vấn đề nằm ở chị ấy và khuyên chị ấy nên tìm người để xin trứng. Tôi đắn đo, suy nghĩ rất nhiều. Tôi rất muốn giúp chị cũng có được niềm vui làm mẹ. Tuy nhiên, thú thật là tôi vẫn e ngại, không biết việc cho trứng chị ruột như thế này có ổn không. Tôi cứ băn khoăn hoài chuyện con tôi và con của chị lẽ ra là anh chị em họ thì lại trở thành là anh em “cùng mẹ khác cha”. Kính mong bác sĩ tư vấn giúp tôi và gia đình. Xin chân thành cảm ơn bác sĩ.

Nguyễn Thụy Hoàng Khoa
(Quận 7)

 chuyen gia mevacon

Một số phụ nữ cũng gặp phải trường hợp như chị gái bạn, thường thấy nhất là bị suy giảm chức năng buồng trứng, khiến khả năng làm mẹ không thực hiện được. Để giải quyết tình trạng này, nỗ lực thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng của người chồng và trứng của người hiến tặng được xem là giải pháp tối ưu. (Bạn lưu ý là phôi có được sẽ cấy vào buồng tử cung của người vợ – tức chị gái bạn, chứ không phải là người cho trứng sẽ mang thai “hộ” và sinh con “hộ” đâu nhé). Kỹ thuật này hiện đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới, kể cả nước ta.

Quay lại chuyện của bạn, tôi muốn bạn yên tâm rằng việc hiến tặng trứng cho chị ruột như bạn là bình thường, được pháp luật cho phép cũng như xét về “luân lý”, “đạo đức” thì hoàn toàn không có gì là “không ổn” cả. Việc tự nguyện hiến tặng “trứng” cho những phụ nữ kém may mắn, giúp họ tìm lại niềm vui, niềm hạnh phúc và thiên chức làm mẹ là một hành vi tương trợ mang tính nhân bản cao và đáng được trân trọng. Huống chi đó còn là chị ruột của mình.

Để thực hiện quy trình hiến tặng trứng, bạn cần thực hiện theo các bước sau đây. Trước tiên, cần có kết quả xét nghiệm và chỉ định của bác sĩ (tức nêu rõ được lý do tại sao chị bạn cần được cho trứng, ví dụ như chị bạn bị suy buồng trứng sớm, đáp ứng kém với kích thích buồng trứng, thất bại trên 4 chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm, tiền mãn kinh, mãn kinh, bất thường di truyền, hội chứng kháng buồng trứng…).  

Về phía bạn, để có thể hiến tặng trứng, bạn phải đáp ứng đầy đủ hết các yêu cầu: Tuổi từ 18 – 35, đã có gia đình và có ít nhất một con bình thường khỏe mạnh, con nhỏ nhất lớn hơn 12 tháng, chưa từng cho trứng, không mắc bệnh lý nội khoa, bệnh lây truyền qua đường tình dục hay bệnh lý di truyền nào, các xét nghiệm HbsAg, HIV, BW âm tính, xét nghiệm nội tiết đánh giá chức năng buồng trứng bình thường, không có tiền căn phẫu thuật vùng chậu, không có khối u buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, không đang cho con bú, không đang sử dụng nội tiết tránh thai…

Kế đến, bạn và chị của mình có thể đến các bệnh viện có khoa hiếm muộn, có khả năng thực hiện được kỹ thuật này để làm một số thủ tục giấy tờ. Bạn và chị của mình sẽ được tiến hành các bước để điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt cho giống nhau, sau đó tiến hành các biện pháp khá phức tạp để “lấy trứng”, tạo phôi và “cấy” phôi vào cho chị bạn. Hi vọng bạn và gia đình sẽ cân nhắc kỹ để vượt qua vấn đề về tâm lý, thực hiện việc này và sớm có tin vui. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Hạnh
(BV Phụ Sản Quốc Tế)

Tags:

Bài viết liên quan