Mẹ&Con – Chị Diệu Linh muốn con gái tự lập, biết chăm sóc bản thân và xoay xở cuộc sống khi không có mẹ ở bên.

Đồng hồ chỉ 16h, bé Yến Nhi ngừng chơi búp bê, đứng dậy phụ mẹ nấu nướng. Nhi nhặt hết mớ rau muống, làm sạch tôm rồi mang dưa chuột thả vào chậu nước muối ngâm. Mọi thao tác thành thạo và tự nhiên, mẹ đứng bên không cần hướng dẫn hay nhắc nhở. Nhiệm vụ mỗi ngày của cô bé 4 tuổi chưa kết thúc, sau bữa ăn, bé bắc ghế ngồi rửa bát tiếp đó mang quần áo đi giặt. Công đoạn phơi đồ, thu rồi xếp lại cũng do Yến Nhi thực hiện; mẹ chỉ phụ gấp những quần áo dầy, nặng.

Chị Diệu Linh, mẹ của Yến Nhi, cho biết bé được dạy làm việc nhà từ lúc hai tuổi và đến nay đã thạo hầu hết việc cơ bản. Ngoài hỗ trợ mẹ nấu nướng, Nhi có thể cọ nhà tắm, lau sàn, đánh rửa giầy dép, phụ giúp việc bán hàng qua mạng. “Bé biết tự chăm sóc bản thân và xoay xở cuộc sống khi không có mẹ bên cạnh”, chị Diệu Linh khẳng định.

Đằng sau quyết định dạy con làm việc nhà từ lúc lẫm chẫm là câu chuyện dài về hoàn cảnh của chị Diệu Linh. Chị Linh mắc bệnh tim bẩm sinh, bệnh tình càng trầm trọng từ lúc mang thai và sinh bé. Chứng kiến một người bạn qua đời để lại đứa con thơ cũng bởi căn bệnh này, chị Linh lo sợ. Chị bắt đầu hành trình rèn giũa con gái trở thành người tự lập để có thể sống tốt nếu chẳng may mẹ qua đời.

Lúc Yến Nhi hai tuổi, chị Diệu Linh cầm tay con dạy cách vệ sinh cá nhân, chọn và tự mặc quần áo. Ban đầu bé lóng ngóng, làm mãi không xong rồi lăn ra “ăn vạ”. Chị Linh không bỏ cuộc, kiên nhẫn dỗ dành và rủ con cùng làm lại. Phải mất vài tháng con gái chị mới quen nếp, cứ sáng dậy là đánh răng, rửa mặt; buổi chiều tự tắm và tối chủ động lên giường ngủ. Chị Diệu Linh mua những đồ ăn con thích sau đó hướng dẫn bé cách sơ chế. Bắt đầu từ việc nhặt rau; dùng nạo gọt vỏ bầu, bí; bóc hành, tỏi. Thấy con quen việc, bà mẹ trẻ tiếp tục cho Yến Nhi thử sức rửa thịt, cắt râu tôm, gói chả nem. Nấu cơm xong, chị Linh lại cùng con dùng vòi xịt cọ phòng tắm, sắp xếp kệ giầy dép, lau dọn nhà cửa… Cứ thế, hai năm nay, Yến Nhi từng bước học làm đủ việc.

Mẹ bị bệnh tim dạy con làm việc nhà từ lúc 2 tuổi phòng trường hợp xấu xảy ra 3Yến Nhi ngồi rửa bát sau bữa cơm tối.

Chị Diệu Linh tâm sự, “đào tạo” một đứa trẻ 2-3 tuổi làm việc nhà không hề dễ. Những lúc Yến Nhi thích, bé tỏ ra hợp tác còn lúc không hài lòng thì chán nản. Chị Linh phải dỗ ngọt, hứa thưởng kẹo, giả vờ giận… để Yến Nhi nghe lời. Khi con gái làm chậm, làm hỏng đồ, đang làm thì bỏ đi chơi… chị cũng không nổi nóng. “Yến Nhi có thương mẹ không?”, chị hỏi con như vậy rồi ôm con và thuyết phục bé làm lại.

Một năm trở lại đây, sức khỏe của chị Diệu Linh không tốt, thỉnh thoảng phải đi viện. Những lúc đó, Yến Nhi theo vào viện trông mẹ hoặc ở nhà cùng bố và chủ động duy trì sinh hoạt thường nhật. Chị Linh kể, hôm nào mẹ mệt, Nhi quanh quẩn bên mẹ, kể chuyện hay hát cho mọi người trong phòng bệnh cùng nghe. Ai trông thấy đều khen cô bé 4 tuổi mà ra dáng người lớn, không mè nheo lại biết lấy nước, xúc cơm cho mẹ.

Chị Linh không muốn suy nghĩ tiêu cực nhưng chuẩn bị tâm lý cho tình huống xấu nhất. Chị bảo nếu điều không may xảy ra, chỉ mong con gái sống tốt bằng những kỹ năng mẹ dạy. Lúc Yến Nhi hai tuổi đã “phải” làm việc nhà, hàng xóm mắng chị Linh “độc ác” vì “đầy đọa con bé”. Sau này thấy con gái chị 4 tuổi đã đảm đang như thiếu nữ, lại khen mẹ khéo dạy con, hỏi chị bí quyết rèn giũa trẻ.

Yến Nhi chưa hiểu rõ tâm tư của mẹ nhưng thích nhìn mẹ cười nên răm rắp vâng lời. Chị Diệu Linh nói với con “Nhi ngoan mẹ mới vui” nên bé cố tập làm dù mọi việc không hề dễ. Ngắm con loay hoay gọt quả bầu to bằng người hay bị vòi nước xịt ướt nhẹp, đôi lúc chị Linh rơi nước mắt. Chị tâm sự: “Những khó khăn bây giờ sẽ giúp con trưởng thành hơn, vững vàng hơn khi đối mặt biến cố trong cuộc sống”.

Theo Ngoisao.net

Tags:

Bài viết liên quan