Mẹ&Con – Đối với phụ nữ trên 35 tuổi, tỉ lệ có thai sẽ giảm dần và nếu có thai, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới cả mẹ và bé.

Chào bác sĩ!

Tôi đã 37 tuổi rồi. Vì rất nhiều nguyên nhân nên đến tuổi này tôi mới lập gia đình, giờ đang hồi hộp giữa “hai ngả đường”: hoặc là cứ “liều” để có một đứa con, hoặc là bỏ qua luôn cơ hội làm mẹ. Tôi đọc trên báo luôn thấy bác sĩ nhắc nên có thai trước tuổi 35. Tuy nhiên, xem thêm một số tin tức nước ngoài, tôi vẫn thấy có những phụ nữ sinh con ở tuổi 40 mà bé vẫn khỏe mạnh, bình thường (nhất là các ngôi sao đấy ạ, họ lập gia đình và có con rất muộn).

Vì hai điều đối lập này nên tôi rất phân vân. Kính mong bác sĩ cho tôi lời khuyên. Tôi muốn lường trước hết những nguy cơ nếu có con ở tuổi 37. Xin chân thành cảm ơn bác sĩ.

Hoàng Thị Tố Mai (Quận Bình Thạnh)

Bác sĩ trả lời

 

Không phải chỉ có bạn mà hiện nay, rất nhiều phụ nữ ở các thành phố lớn có xu hướng lập gia đình và sinh con muộn hơn, do phải tập trung nhiều vào công việc, học hành, thăng tiến, v.v.. Bạn đã tìm hiểu kỹ về vấn đề này thông qua báo chí, internet chắc hẳn đã biết, đối với phụ nữ trên 35 tuổi, các tai biến khi mang thai và sinh nở sẽ cao hơn. Trẻ sinh ra từ bà mẹ trên 35 tuổi có tỷ lệ dị tật, tỷ lệ bất thường về phát triển tâm sinh lý cao hơn trẻ bình thường.

Đó là may mắn có thai, còn với nhiều trường hợp, phụ nữ trên tuổi 35 điều trị hiếm muộn rất vất vả nhưng vẫn không có được kết quả vì tỷ lệ có thai (nhờ các biện pháp như thụ tinh trong ống nghiệm) giảm rõ rệt và xác suất thành công chỉ còn rất thấp khi trên 40 tuổi. Chẳng hạn, với các trường hợp TTTON, tỷ lệ có thai đạt xấp xỉ 50% đối với bệnh nhân từ 30 tuổi trở xuống. Tỷ lệ này giảm chỉ còn khoảng 20% nếu bệnh nhân vượt quá 35 tuổi.

Đấy là những phân tích mang tính cơ bản để một lần nữa bạn có sự cân nhắc. Tuy nhiên, theo riêng ý kiến của tôi thì tuy đã 37 tuổi nhưng bạn vẫn còn nằm dưới cột mốc 40 tuổi, bạn vẫn có thể “thử” để tìm một cơ hội cho mình. Tất nhiên, phải cẩn thận hơn hẳn bình thường. Ví dụ, bạn nên đi khám sức khỏe tổng quát trước khi mang thai, trao đổi trực tiếp với bác sĩ khám và điều trị hiếm muộn (nếu có). Khi mang thai, cũng phải hết sức cẩn thận, tầm soát kỹ lưỡng, khám thai thường xuyên, theo dõi chặt chẽ từng bước trên “hành trình 9 tháng”. Chúc bạn có được quyết định tốt nhất!

Bác sĩ  Trần Ngọc Khoa

Tags:

Bài viết liên quan