Con tôi được 3 tháng tuổi. Do công việc, tôi cần đi làm lại sớm hơn thời gian cho phép nghỉ sinh (6 tháng). Tuy nhiên, tôi vẫn muốn con được bú sữa mẹ cho đến khi 1 tuổi (hiện tại cháu bú mẹ hoàn toàn). Trong điều kiện tôi chỉ đi làm một buổi sáng thì thực hiện việc nuôi con bằng sữa mẹ tiếp tục được không bác sĩ? Xin hướng dẫn giúp tôi cách vắt sữa đúng cách.
Trần Thị Bích Thủy
(Quận 2)
Đi làm một buổi vẫn có thể nuôi con bằng sữa mẹ được bạn ạ. Bạn có thể tranh thủ cho bé bú nhiều nhất lúc ở nhà (về là cho bé bú ngay, tranh thủ cho bé bú trước khi đi làm – nếu được). Những lúc còn lại có thể vắt sữa và tìm cách trữ đông sữa để dùng cho bé.
Tuy nhiên, thú thật là tôi rất e ngại với việc bạn đi làm lại sớm như vậy sau thời gian nghỉ sinh. Không phải vô cớ khi các bác sĩ vừa qua đã tham gia kiến nghị để sửa đổi luật, giúp phụ nữ được tăng thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 6 tháng. Làm như thế là để đảm bảo sức khỏe cho trẻ sơ sinh (trong đó có “quyền” được bú mẹ) và đảm bảo sức khỏe cho chính người mẹ nữa. Tôi khuyên bạn nên cân nhắc thật kỹ điều này, vì người phụ nữ sau khi sinh xong rất yếu, rất dễ stress, bạn rất cần có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc cho con. Đi làm lại quá sớm như vậy rất “căng” cho sức khỏe của bạn và rất thiệt thòi cho bé, vì đâu chỉ có chuyện bú mớm, bé còn cần có hơi ấm của mẹ, sự săn sóc nâng niu, gần gũi bên mẹ càng nhiều càng tốt mỗi ngày.
Quay lại chuyện bạn hỏi, về việc vắt (hút) sữa mẹ, cách bảo quản và cách tập cho bé bú sữa mẹ (được trữ đông – rã đông) khi không có mẹ, bạn nên bắt đầu thực hiện việc đó từ bây giờ chứ đừng đợi đến sát lúc đi làm mới chuyển đổi đột ngột, bé sẽ khó thích nghi được.
Vắt sữa mẹ có thể tự làm bằng tay hoặc dùng máy hút có bán bên ngoài. Dù dùng tay hay máy hút thì vẫn phải cố gắng đảm bảo vệ sinh ở mức tối đa có thể cho bé: Luôn tiệt trùng bình sữa, máy hút trước và sau khi sử dụng, phải vệ sinh tay thật sạch bằng xà phòng và nước ấm.
Trước khi vắt sữa, bạn cần massage ngực một lúc. Sau đó, bạn đặt ngón tay trỏ phía bên dưới bầu vú, gần về phía quầng vú; còn ngón tay cái ở trên bầu vú, đối diện với ngón trỏ. Ở tư thế này, bạn có thể cảm nhận thấy các túi sữa như những hạt đậu nhỏ nằm ở dưới da. Sữa được chứa trong những túi này và khi kích thích vào đây, bạn sẽ vắt được sữa. Mỗi bên vú được chia làm khoảng 15 phần (tuyến sữa), mỗi một tuyến có một túi sữa riêng. Giữ các ngón tay ở nguyên vị trí trên ngực, bạn nhẹ nhàng ấn các ngón tay về phía sau. Tiếp tục giữ lực, ép về phía sau. Đồng thời, dùng ngón trỏ và ngón út cùng lúc ép xuôi nhẹ về phía trước, làm sữa chảy ra khỏi các túi sữa, tràn ra đầu vú. Nới lỏng lực ép để các tuyến sữa đầy lại rồi lặp lại thao tác trên.
Khi đã thành thạo, thao tác vắt sữa bằng tay diễn ra nhanh chóng. Bạn có thể đạt được tốc độ vắt sữa đều đặn. Kết quả, sữa chảy nhỏ giọt hoặc phun ra thành tia. Một vài trường hợp đặc biệt, sữa không chảy, bạn cần nghỉ ngơi, massage ngực thêm một lúc, sau đó thử lại.
Sữa mẹ sau khi vắt xong cần chứa trong bình sạch đã được tiệt trùng, có thể giữ trong tủ lạnh rồi mang hâm bằng cách ngâm bình sữa vào nước ấm trước khi cho bé ăn. Lưu ý là một khi đã lấy sữa mẹ ra khỏi tủ lạnh, hâm và cho bé bú thì lượng sữa thừa (nếu bé bú không hết) không được mang cho lại vào tủ lạnh lần nữa (không tái đông lạnh sữa). Cũng không được hâm sữa bằng lò vi sóng rất dễ làm bỏng bé. Nên cho bé ăn sữa mẹ bằng cốc và thìa hơn là cho sữa mẹ vào bình để bé bú bình. Vì một khi đã quen với việc bú bình (dễ dàng hơn bú mẹ), bé rất dễ không chịu ti mẹ nữa.