Với tầm quan trọng của việc cúng rằm tháng Giêng, việc chuẩn bị mâm cúng sao cho tươm tất, văn khấn thế nào mới đúng,… luôn được nhiều người quan tâm. Vì thế, Tạp chí Mẹ và Con sẽ chia sẻ đến bạn bí quyết chuẩn bị mâm cỗ cho ngày rằm tháng Giêng vô cùng quan trọng này.
Ý nghĩa của việc cúng rằm tháng Giêng
Tùy vào phong tục tập quán mà việc cúng vào ngày rằm của tháng đầu tiên trong năm mới mang những ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung việc dâng cỗ trong ngày rằm tháng Giêng để tỏ lòng thành kính, biết ơn với đất trời, Phật thánh, Thổ công, Thần tài và ông bà tổ tiên. Ngoài ra, việc này còn để cầu mong năm mới nhiều may mắn, bình an.
Một trong những câu chuyện về nguồn gốc của ngày rằm tháng Giêng (Tết Nguyên Tiêu hay lễ Thượng Nguyên) được biết đến nhiều nhất chính là câu chuyện liên quan đến vua Hán Văn của Trung Hoa. Ngày trước, nhà vua lên ngôi đúng vào ngày rằm tháng Giêng nên vào đúng ngày này hằng năm, vua Hán Văn đều ra ngoài chung vui với dân và gọi ngày này là Tết Nguyên Tiêu. Dâng mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng để tưởng nhớ đến vua và cầu mong đất nước, gia đình một năm thái bình, yên ổn.
Một quan niệm khác vào ngày này được truyền tai qua nhiều đời như sau: ngày rằm tháng Giêng là lễ Thượng Nguyên – thời điểm phù hợp để lễ chùa, cúng Phật, làm cỗ dâng ông bà tổ tiên để cầu nguyện những điều tốt lành cho năm mới. Hơn nữa, ngày rằm còn thường được biết đến với tên gọi khác là ngày Vọng, có nghĩa là trông xa, tức ngày mặt trăng và mặt trời đối xứng ở hai cực, soi chiếu tâm hồn con người, đẩy lùi dục vọng, đen tối. Chữ vọng còn có nghĩa là trông mong, ước mong. Vì thế, ngày rằm bắt đầu được xem như ngày để cầu nguyện, làm điều tốt, thanh tẩy tâm hồn.
2 cách sắm lễ và cúng Rằm tháng Giêng
Trong ngày rằm tháng Giêng, theo phong tục thường sẽ có 2 cỗ cúng, 1 cỗ dùng để lễ cúng Phật và 1 cỗ dùng để cúng Gia tiên. Với mâm cúng Phật, đây là mâm lễ chay thanh tịnh và hương hoa đèn nến. Với mâm lễ cúng Gia tiên, bạn có thể chuẩn bị mâm lễ mặn hoặc chay đều được.
Mâm lễ cúng Phật
Khi cúng lễ Phật vào ngày rằm tháng Giêng, bạn có thể chuẩn bị các món chay ngon cùng với hoa quả, chè xôi, bánh trôi nước,… để cầu cho mọi việc đều được trôi chảy, hanh thông. Thông thường, khi cúng rằm tháng Giêng, mâm cỗ chay tùy loại sẽ có từ 10,12 đến 25 món, các món ăn đều không thêm nhiều hương liệu mà giữ lại vị tươi ngon tự nhiên của thực phẩm.
Đặc biệt, cần lưu ý về màu sắc các món ăn trên mâm cỗ chay sao cho đúng với ngũ hành: màu đỏ tượng trưng cho hỏa, xanh tượng trưng cho mộc, đen tượng trưng cho thổ, trắng tượng trưng cho thủy và vàng tượng trưng cho kim.
Mâm lễ cúng gia tiên
Với mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng, thông thường sẽ có 10 món gồm 4 bát (bát canh ninh măng, bát canh bóng, bát canh miến và bát canh mọc) và 6 đĩa (thịt gà hoặc thịt lợn luộc, giò hoặc chả, nem thính hoặc đĩa xào, dưa muối, xôi hoặc bánh chưng và nước chấm). Ngày nay, mâm cúng có thể được làm đơn giản hơn, linh động thay đổi các món ăn trên cỗ cúng miễn sao phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa sinh hoạt của từng gia đình là được. Hơn nữa, trên mâm cúng có thể có những món mà khi còn sống, ông bà tổ tiên yêu thích như một cách tưởng nhớ của con cháu đối với người thân của mình.
Nếu như làm cỗ cúng Phật cần lưu ý về màu sắc mâm cỗ sao cho đảm bảo đủ 5 màu ngũ hành thì mâm cỗ cúng gia tiên thường phải tròn vị với nước chấm mang vị mặn, ớt mang vị cay, dưa hành mang vị chua và bánh mang vị ngọt. Có như vậy thì mới mong xua đi được đen đủi, vận xui, đem đến cho gia chủ và các thành viên trong gia đình những điều yên ấm hạnh phúc.
Những nguyên tắc cần phải nhớ khi cúng rằm tháng Giêng
Dọn dẹp bàn thờ
Trước khi làm mâm cỗ cúng, chúng ta thường có thói quen dọn dẹp bàn thờ để bàn thờ được sạch, gọn gàng, tỏ lòng thành kính của mình. Tuy nhiên, khi dọn bàn thờ cần lưu ý thắp 1 nén hương khấn xin thần linh thổ địa, tổ tiên về việc dọn dẹp bàn thờ, tránh để bị quở trách vì làm động bàn thờ. Hơn nữa, lúc lau dọn cần hạn chế tối đa việc bát hương bị xê dịch.
Chọn hoa cúng
Trên bàn thờ Phật và bàn thờ gia tiên đều phải có hoa cúng dâng kèm với mâm cỗ. Việc chọn hoa cũng cần được khéo léo, chọn những bông hoa tươi, mang ý nghĩa phù hợp với những điều tốt đẹp như hoa cúc vàng, hoa huệ trắng, hoa cúc vạn thọ. Đặc biệt, cần chú ý đến 4 không khi chọn hoa cúng: KHÔNG chọn hoa héo, KHÔNG chọn hoa đã dâng lên bàn thờ ở nơi khác, KHÔNG chọn hoa mang ý nghĩa không phù hợp và KHÔNG chọn hoa giả.
Chuẩn bị đồ dùng để cúng
Cúng rằm tháng Giêng hay cúng vào các dịp khác trong năm như giỗ, cúng giao thừa,… đều cần có sự chuẩn bị tươm tất từ trước. Thông thường, đồ dùng để đựng các lễ cúng như bát, đĩa, thìa, đũa,… nên chọn đồ mới, để riêng biệt, không sử dụng những món đồ đã được gia đình sử dụng. Sở dĩ có “nguyên tắc” này bởi bàn thờ cúng cần phải sạch sẽ, không uế tạp, tránh làm “phật lòng” thần Phật, tổ tiên đã khuất.
Khi thắp hương
Khi thắp hương, nên thắp theo số lẻ như 1,3,5,7,9 nén hương trên mỗi bát nhang bởi số lẻ tượng trưng cho phần âm. Bên cạnh đó, cần tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề, không để người bẩn, ăn mặc luộm thuộm, mặc quần ngắn, áo cộc tay khi thắp hương và đọc bài khấn để thể hiện sự tôn trọng và tấm lòng thành kính.
Bài khấn dùng để cúng
Tuy chuẩn bị mâm cỗ tươm tất nhưng bạn không biết phải khấn sao cho đúng? Bạn có thể tham khảo một số bài khấn mà Tạp chí Mẹ và Con chia sẻ dưới đây. Chỉ cần thay tên của bạn (tên gia chủ), địa chỉ nhà là được.
Bài khấn cúng rằm tháng Giêng 1:
Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng năm ……………….
Tín chủ (chúng) con là: …………… Ngụ tại: …………………
Chúng con thành tâm có lời kính mời: Nhật cung Thái Dương Thiên Tử tinh quân; Nam Tào Bắc Đẩu tinh quân; Thái Bạch, Thi Tuế tinh quân; Bắc cực Tử vi Đại Đức tinh quân; Văn Xương Văn Khúc tinh quân; Nhị thập Bát Tú, Ngũ Hành tinh quấn; La Hầu, Kế Đô tinh quân; Giáng lâm trước án, nghe lời mời cẩn tấu:
Ngày rằm Nguyên Tiêu, theo lệ trần tục, tín chủ con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả thắp nén tâm hương dâng lên trước án, kính mời các vị lai lâm hâm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khoẻ, mọi sự bình an, vạn sự tối lành, gia đình hoà thuận, trên bảo dưới nghe.
Đèn trời xán lạn. Chiếu thắp cõi trần. Xin các tinh quân. Lưu ân lưu phúc. Lễ tuy mọn bạc. Lòng thành có dư. Mệnh vị an cư. Thân cung khang thái.
Phục duy cẩn cáo!
Bài khấn cúng rằm tháng Giêng 2:
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương. Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần. Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần. Con kính lạy Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ (chúng) con là: …………………… Ngụ tại:……………………………………….
Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng năm … gặp tiết Nguyên tiêu, tín chủ con lòng thành, sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngày Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài Thần. Cúi xin các ngài linh thiêng nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ ….. nghe lời khẩn cầu, kính mời của con cháu, giáng về chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời Ông bà Tiền chủ, Hậu chủ tại về hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành phù hộ độ trì cho gia chung chúng con được vạn sự tôn lành. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng an bình. Nam mô A Di Đà Phật (3 lần và vái 3 vái).
Bài khấn cúng rằm tháng Giêng 3:
Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! (3 lạy)
Con lạy chín phương Trời, mười Phương Chư Phật, Chư Phật mười phương. Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu Thổ chư vị Tôn thần. Con kính lạy ngài Đông Thần Quân. Con kính lạy ngài Bản gia thổ địa Long Mạch. Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức Tôn thần. Con kính lạy ngài tiền hậu địa chủ tài thần. Con kính lạy các Tôn thần cai quản trong khu vực này.
Tín chủ (chúng) con là: ………… Ngụ tại: ………
Hôm nay là ngày … tháng … năm … tín chủ con thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật, kim ngân trà quả đốt nén hương thơm dâng lên trước án. Chúng con thành tâm kính mời: Ngài Kim Niên đương cai Thái Tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, ngài Bản gia Thổ Địa. Long Mạch Tôn thần, các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Phúc đức chính thần, các vị Tôn thần cai quản trong khu vực này.
Cúi xin các Ngài nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con toàn gia an lạc công việc hanh thông. Người người được bình an, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! (3 lạy)
Cúng rằm tháng Giêng như một cách để bày tỏ tấm lòng của mình và cầu mong cho năm mới có nhiều điều tốt đẹp hơn. Vì thế, hãy chuẩn bị thật tươm tất cho mâm cỗ cúng, bạn nhé!