Kiêng tắm sau sinh là một tập tục có từ rất xa xưa của các bà các mẹ, không chỉ kiêng tắm trong vòng một tháng, mẹ sau sinh còn phải tránh đụng nước và cần hơ lửa, nằm than sau sinh để để sau này không bị bệnh vặt, đau yếu. Vậy thực hư của tập tục kiêng tắm này có hợp lý và khoa học hay không? Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Tục kiêng tắm sau sinh bắt nguồn từ đâu?
Như đã nói, theo quan niệm của các bà các mẹ ngày xưa, sau khi trải qua giai đoạn sinh nở, tâm lý phụ nữ sau sinh thường trong trạng thái mất sức, mất máu nên cần phải nằm than sưởi ấm, kiêng đụng nước ít nhất 1 tháng, thậm chí có người kiêng đụng nước đến 3 tháng 10 ngày.
Nguyên nhân được cho là việc tắm gội, vệ sinh cơ thể ngay sau sinh sẽ làm cho chân tay phụ nữ nổi nhiều gân guốc, về già đau nhức xương khớp và ốm vặt thường xuyên.
Xét theo điều kiện sinh hoạt, sự phát triển của khoa học hiện nay và lúc xưa, chúng ta có thể hiểu tại sao lại có những tập tục kiêng cữ sau sinh này. Do hoàn cảnh sống và sự thiếu thốn vật chất, sinh hoạt không được đầy đủ và đảm bảo vệ sinh như hiện nay.
Ngoài ra, việc tắm gội lúc xưa thường dùng nguồn nước từ tự nhiên như nước sông, suối, ao hồ… nên dễ bị viêm nhiễm khuẩn gây hại cho mẹ và bé. Nhà tắm lúc xưa cũng không được kín đáo, có nhiều khe hở làm gió lùa vào, đặc biệt là vào mùa đông giá rét nên phải kiêng tắm, tránh viêm nhiễm, đau ốm.
Thời điểm thích hợp để tắm sau sinh là khi nào?
Sản phụ sau sinh nếu thể trạng khỏe mạnh có thể hoàn toàn tắm rửa và vệ sinh sạch sẽ hợp lý. Cơ thể phụ nữ sau khi vượt cạn sẽ bám nhiều mồ hôi và vi khuẩn là mầm mống gây bệnh. Việc kiêng tắm sau sinh có thể sẽ tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của mẹ và trẻ sơ sinh.
Thời điểm tắm thích hợp cho mẹ sinh thường
Thời gian được cho là lý tưởng nhất để sản phụ sinh thường tắm là từ 3 – 4 ngày. Bạn không cần kiêng cữ quá lâu, nếu sinh con khỏe mạnh, bạn có thể tắm sau khoảng 1 – 2 ngày một cách nhẹ nhàng và nhanh chóng dưới vòi sen và bằng nước ấm.
Bởi lẽ, sau khi sinh con qua ngả âm đạo, âm đạo và đáy chậu của bạn có thể sẽ còn đau nhức, việc đứng tắm dưới vòi sen là một cách lý tưởng để giảm đau nhức.
Đối với mẹ sinh mổ
Bên cạnh đó, đối với các trường hợp sinh mổ không nên kiêng tắm sau sinh, sản phụ có thể tắm rửa và gội đầu một cách bình thường trong sau khoảng 5 – 7 ngày và cần chú ý, tránh để nước lọt vào vết mổ gây viêm nhiễm.
Ngoài ra, muốn tắm bạn cần phải tùy theo tình trạng vết mổ, tốt hơn bạn nên tắm khi cảm thấy thể trạng đã khỏe. Trong khoảng thời gian chờ đợi cơ thể hồi phục sức khỏe, bạn vẫn nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ bằng khăn, lau khô nhẹ nhàng người và thay quần áo mỗi ngày.
Ngay sau khi có thể vận động bình thường, không còn thấy đau nhức và vết mổ đã khô bề mặt, bạn nên đi tắm. Việc gội đầu không làm ảnh hưởng nhiều đến vết thương nên bạn vẫn có thể gội trong lúc tắm lần đầu sau khi vừa sinh.
Trong hầu hết các trường hợp, trung bình vết mổ cần mất khoảng 3 tuần để lành. Không cần phải kiêng tắm sau sinh, bạn nên tắm dưới vòi sen nhẹ nhàng và nhanh chóng với xà phòng và nước ấm. Tuyệt đối không chà xát vào vết mổ. Việc lau khô mình cũng cần diễn ra thật nhẹ nhàng, dùng khăn sạch thấm khô vết mổ một cách cẩn thận.
Những lưu ý gì khi đi tắm sau sinh
Sau đây là một số lưu ý mẹ sau sinh nên ghi nhớ trước khi đi tắm nhé:
- Một số sản phụ có thể bị sản dịch kéo dài trên 6 tuần nên bạn nên dùng băng vệ sinh để thấm hút sạch sẽ.
- Nếu mẹ không rạch tầng sinh môn khi sinh hoặc không có vết thương hay vết mổ nào thì bạn không cần kiêng tắm sau sinh và có thể bắt đầu tắm gội ngay sau khi cảm thấy khỏe.
- Nếu vết thương ở âm hộ lớn hoặc vết mổ chưa kịp lành, bạn tuyệt đối không nên vội tắm gội vì có thể gây ra viêm nhiễm, đau rát. Tốt hơn chỉ nên dùng khăn mềm để lau người.
- Chỉ nên dùng nước sạch và nước ấm, không nên dùng nước quá nóng. Nhiệt độ nước nếu chênh lệch quá so với nhiệt độ cơ thể hoặc nhiệt độ phòng có thể gây sốc nhiệt, nguy hiểm vô cùng.
- Phòng tắm nên kín gió, được làm sạch sẽ bằng chất khử trùng.
- Nếu có thể, sản phụ không nên tự tắm một mình, bạn nên nhờ chồng hoặc mẹ, chị em gái giúp đỡ trong lần tắm đầu tiên. Bởi lẽ, lúc này cơ thể còn khá yếu ớt.
- Bạn nên tranh thủ tắm nhanh để tránh bị nhiễm lạnh, tóc cần được sấy khô nhanh chóng sau tắm.
- Trong những lần đầu tiên sau sinh khi mẹ tắm có thể dẫn đến xuất huyết âm đạo, lúc này mẹ nên bình tĩnh và không nên quá lo lắng vì đây là tình trạng bình thường hầu hết các mẹ đều gặp phải.
- Không cần đợi đến lúc được tắm, mẹ sau sinh nên vệ sinh vùng kín 4 lần mỗi ngày vào các buổi sáng, chiều, tối và trước khi ngủ bằng nước sạch hoặc dung dịch vệ sinh sát khuẩn vùng kín có độ pH phù hợp.
- Luôn vệ sinh và bảo vệ vết thương cẩn thận theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Tránh mang giày dép trơn trượt vào phòng tắm.
- Mỗi lần tắm không nên ở quá lâu trong phòng tắm, chỉ khoảng 5 -10 phút.
- Mẹ có thể sử dụng các loại lá xông tắm, xông hơi vùng kín sau sinh theo sự tham khảo của bác sĩ để giúp vết thương được hồi phục nhanh chóng.
- Lúc tắm không được kỳ cọ, chà xát quá mạnh sẽ bị làm hỏng lớp màng bảo vệ da. Không được sử dụng các loại xà phòng có độ tẩy rửa mạnh, chỉ nên sử dụng các sản phẩm làm sạch nhẹ nhàng.
- Không được tự ý bôi bất kỳ loại kem dưỡng hoặc kem nào khác lên vết mổ khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ, tốt hơn bạn nên đợi cho đến khi nó lành lặn hẳn.
- Nếu bị chảy mủ, bung chỉ hoặc sốt, sưng đỏ, đau nhức xung quanh vùng vết mổ sau khi tắm, hãy đến thăm khám ngay vì có khả năng vết mổ của bạn đã bị viêm nhiễm, nhiễm trùng.
Không nên kiêng tắm sau sinh, vì đây là một cách thư giãn thoải mái tinh thần sau khi trải qua quá trình vượt cạn, đau đớn. Yếu tố tinh thần đóng vai trò quan trọng liên quan đến quá trình tiết sữa nuôi con cũng như tránh những hội chứng trầm cảm sau sinh.
Xem thêm: Vết mổ sau sinh bao lâu thì tắm được
Hy vọng qua bài viết trên, Tạp chí Mẹ và Con đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc có nên kiêng tắm sau sinh hay không và cần làm gì để công cuộc tắm rửa được an toàn nhất. Chúc bạn áp dụng thành công nhé!