Tôi 36 tuổi, đang điều trị hiếm muộn và rất mong có bé. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, bác sĩ bảo tôi bị quá kích buồng trứng phải theo dõi ngoại trú tại nhà. Tôi rất lo lắng vì nghe nhiều người nói quá kích buồng trứng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Tại sao nguy hiểm vậy mà bác sĩ vẫn cho tôi về, bảo không sao, chỉ cần theo dõi ngoại trú? Mong bác sĩ giải đáp giúp. Chân thành cảm ơn bác sĩ.
Trần Thị Minh Châu
(Q.8)
Hội chứng quá kích buồng trứng là tình trạng đáp ứng quá mức với điều trị kích thích buồng trứng. Tức là trong quá trình điều trị hiếm muộn, bác sĩ phải sử dụng thuốc kích thích buồng trứng. Tùy “cơ địa” mỗi người mà xảy ra tình trạng “nhạy”… hơn mức cần thiết với thuốc, dẫn đến buồng trứng bị kích thích quá mức này.
Quá kích buồng trứng có thể tự khỏi trong vòng vài ngày, nhưng cũng có thể kéo dài hơn. Nếu bác sĩ cho theo dõi ngoại trú tại nhà nghĩa là bạn chỉ bị nhẹ, không nguy hiểm. Điều trị ngoại trú bao gồm giảm đau đường uống, tránh quan hệ tình dục vì có thể tăng nguy cơ vỡ buồng trứng. Tuy nhiên, vẫn cần theo dõi sát, thường xuyên khám, siêu âm theo yêu cầu của bác sĩ, để trong trường hợp nặng lên thì phải nhập viện ngay.
Hội chứng quá kích buồng trứng được xem là nguy hiểm nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như đau bụng dữ dội, có dấu hiệu tràn dịch màng bụng, nôn nhiều, không thể ăn uống, khó thở hoặc thở nhanh, hạ huyết áp, chóng mặt, ngất, rối loạn điện giải, bất thường chức năng gan… Lúc này bắt buộc phải được theo dõi rất sát tại bệnh viện, vì có khả năng vỡ buồng trứng, xuất huyết ổ bụng cấp. Nói chung, tình hình hiện giờ của bạn không nghiêm trọng nên đừng lo lắng quá. Hãy cố gắng nghỉ ngơi, theo dõi tình hình và tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ. Thân mến!