Con tôi bị u hạt rốn, đã chấm thuốc 3 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày mà tôi thấy rốn bé vẫn ướt, ngoài ra xung quanh da rốn còn bị ửng đỏ và bong da. Tôi rất lo lắng, không biết nên chấm nữa hay không. U hạt rốn như vậy có nguy hiểm gì với cháu không, thưa bác sĩ?
Trương Phạm Ngọc Anh
(Quận Bình Thạnh)
Thông thường rốn của bé sẽ rụng trong vòng 5-10 ngày sau khi sinh và khô dần. Tuy nhiên ở một số bé, rốn không khô hẳn mà tiết dịch kéo dài dù đã được chăm sóc kỹ lưỡng. Đó là do ở rốn có một u hạt hay mô hạt rốn nhỏ, có kích thước từ 2-3mm đến 1cm, gây rỉ dịch kéo dài, màu đỏ nhạt hay hơi ngả vàng.
U hạt này tiết dịch gây ẩm ướt rốn thường xuyên, nếu không được điều trị, mô xung quanh rốn có thể bị viêm tấy đỏ dẫn đến nhiễm trùng rốn. Nếu đúng là u hạt rốn, tiến trình điều trị tương đối đơn giản, bé sẽ được chấm nitrate bạc (một hoạt chất có tính đốt cháy) hoặc đốt điện để làm xơ teo u hạt, khiến u không còn tiết dịch và xẹp dần. Quá trình điều trị đòi hỏi phải có sự hợp tác của người nhà bé, vì có thể kéo dài 2-4 tuần (mỗi tuần u hạt sẽ được đốt 2-3 lần).
Có một số trường hợp rốn cũng rỉ dịch nhưng không phải là u hạt rốn. Với các trường hợp này, cách thức điều trị sẽ khác hẳn. Bác sĩ sẽ khám và cho thêm một số xét nghiệm lâm sàng để chẩn đoán phân biệt. Trước mắt, chị cần tiếp tục đưa bé đi tái khám, điều trị theo hướng dẫn trực tiếp của bác sĩ chuyên khoa đang khám cho cháu. Không nên tự ý ngừng hoặc tự ý thay đổi quá trình điều trị của con.