Mẹ&Con – Dị ứng mẩn ngứa do đeo trang sức là trường hợp rất nhiều người mắc phải. Gặp trường hợp này, bạn phải xử trí thế nào?
Khi bị dị ứng mẩn ngứa do đeo trang sức, tức bạn đã bị dị ứng với niken – một loại kim loại có mặt trong hầu hết những món trang sức giá rẻ.
Giống như dị ứng thực phẩm, dị ứng trang sức cũng là một cách cơ thể đang phản ứng để chống lại các tác nhân từ môi trường bên ngoài.
Tại sao lại bị dị ứng trang sức?
Niken là một kim loại thường được đưa vào trong quá trình chế tác trang sức, bởi chúng giúp vật trang sức trở nên cứng cáp và bền hơn. Ở phụ nữ, kim loại này gây dị ứng khoảng 15 – 17% vì số đông chị em thích đeo những món đồ trang sức mẫu mã đẹp, giá thành rẻ. Ngoài ra, 90% phụ trang như mặt dây nịt, nút quần jean… của chị em cũng có sự góp mặt của kim loại này.
Còn ở nam giới, số người dị dứng niken chỉ chiếm 3% bởi nam giới ít mang đồ trang sức hơn phụ nữ, và nếu có mang thì những món đồ trang sức của họ chú yếu thiên về giá cả và chất lượng sản phẩm cao.
Dị ứng niken trong đồ trang sức thường chia làm 2 giai đoạn:
1. Giai đoạn cấp tính
Sau một thời gian, vùng da tiếp xúc trực tiếp với đồ trang sức sẽ ngứa ngáy, càng gãi càng nổi sẩn sau đó chuyển sang các mụn nhỏ li ti gọi là mụn nước. Chúng có thể lớn dần và tạo thành một đám bóng nước, chảy mủ. Nếu các bóng nước này bị vỡ sẽ tạo thành các vết loét nông trên da rất đau đớn.
2. Giai doạn mạn tính
Dị ứng khiến da dày lên, khô, sậm màu và tróc vẩy trông rất mất thẩm mỹ. Nếu không chữa trị vết thương sẽ biến thành sẹo, khó lành lặn. Lúc này, dị ứng trang sức đã biến chuyển thành căn bệnh nguy hiểm chứ không đơn thuần chỉ là dị ứng mẩn ngứa thông thường.
Chữa dị ứng trang sức bằng cách nào?
Hạn chế mang trang sức có chứa niken: Rất đơn giản, điều đầu tiên sau khi xác định bị dị ứng do trang sức đó là bạn cần tháo bỏ ngay món đồ trang sức đang đeo (lắc tay, dây chuyền, nhẫn, hoa tai…). Nếu đó là món đồ bạn rất thích, chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết và không nên mang chúng quá 12 giờ để chứng dị ứng da không có cơ hội “biểu tình”.
Dùng phấn phủ: Sau khi mua trang sức, bạn nên phủ một lớp phấn phủ trên phần da tiếp xúc (vùng tay, cổ…) ví dụ như phấn rôm chẳng hạn. Lớp phấn phủ này có tác dụng hút ẩm và mồ hôi, là hàng rào đứng giữa hạn chế tối đa khả năng phản ứng giữa da và trang sức.
Dùng sơn móng tay bóng không màu: Tương tự như phấn phủ, sơn móng tay cũng đóng vai trò như một hàng rào ngăn cách, ngăn chặn niken trong trang sức tiếp xúc và phản ứng với da.
Bôi thuốc điều trị dị ứng kim loại: Loại thuốc thường được các bác sĩ dùng trong trường hợp này là corticoid bôi tại chỗ ở vùng nổi mẩn, giúp giảm đỏ và sưng. Bên cạnh đó còn có kem hydrocortisone. Kem hydrocortisone giúp mát da, giảm ngứa ngáy khó chịu. Ngoài ra, bạn còn có thể sử dụng những sản phẩm dưỡng ẩm khác để điều trị tình trạng da khô.
Điều chỉnh diện tích trang sức: Một món đồ trang sức có thể điều chỉnh, nới lỏng sẽ giúp da dẻ được thông thoáng, thu nhỏ mức độ tiếp xúc với bề mặt da.
Nói không với trang sức rẻ tiền: Như đã nói ở trên, các loại trang sức giá rẻ chứa nhiều niken hơn hẳn những loại trang sức cao cấp. Chỉ có những loại trang sức “nguyên chất” như bạc nguyên chất, vàng 24k hoặc bạch kim, thép không rỉ hay gỗ mới không chứa niken.
Vệ sinh đồ trang sức: Bụi bẩn, mồ hôi, tế bào chết, vi khuẩn… tích tụ lâu ngày trên trang sức sẽ làm tăng nguy cơ dị ứng cho da. Hãy vệ sinh trang sức thường xuyên, cách này vừa đảm bảo cho da bạn, vừa giúp trang sức trông như mới.
Lưu ý: Trường hợp dị ứng nặng, hãy tới bệnh viện da liễu để được các bác sĩ thăm khám và kê đơn.
Cách chữa dị ứng mẩn ngứa do trang sức không hề khó phải không nào? Hãy chia sẻ rộng rãi để mọi người cùng biết và phòng tránh nhé!