Vì sao cùng sinh con như có người lại có rất nhiều sữa, có người lại chẳng đủ sữa cho con bú? Theo quan niệm ông cha ta để lại, mẹ cho con bú càng nhiều thì mẹ sẽ càng có nhiều sữa. Liệu quan niệm này có đúng hay không? Cùng Tạp chí Mẹ và Con khám phá ngay “quy trình sản xuất” sữa mẹ để xem liệu quan niệm này đúng hay sai và tìm ra cách nuôi con bằng sữa mẹ hợp lý, bạn nhé!
Sữa mẹ từ đâu mà có?
Cơ chế hình thành sữa từ tuyến vú
Hiểu một cách đơn giản nhất, bên trong bầu vú sẽ là cấu trúc với 3 phần mô chính bao gồm: mô tuyến, mô mỡ và mô liên kết. Số lượng mô ở tuyến vú này hầu hết đều giống nhau. Tuy nhiên, thành phần mô liên kết và mô mỡ có thể ít nhiều khác nhau dẫn đến tình trạng tuyến vú to hoặc nhỏ khác nhau tùy theo cơ thể của mỗi người. Khi “giải phẫu” tuyến vú, có thể thấy bên trong bầu vú gồm có 5 lớp: lớp da, mỡ dưới da và tổ chức liên kết, dây chằng cooper treo vú, mô tuyến (15 – 20 thùy, được sắp xếp theo hình nan hoa tập trung về núm vú) và mô sau tuyến.
Vậy, sữa mẹ cho con bú sẽ có từ cấu trúc nào? Mỗi thùy của mô tuyến đều bao gồm 38 – 80 tiểu thùy với nhiều nang sữa khác nhau. Khi mẹ mang thai, sữa sẽ bắt đầu từ các tiểu thùy đổ vào ống góp có đường kính khoảng 2mm ở mỗi thùy, sau đó đi đến xoang chứa sữa dưới quầng vú (khoảng 5-8mm đường kính). Một bầu vú có thể có 5-10 ống dẫn sữa tùy theo cơ thể của người mẹ. Ống dẫn sữa sẽ được mở ra ở đầu núm vú khi trẻ bú mẹ. Cũng chính vì vậy, mẹ có thể có ít sữa do tình trạng tắc tia sữa xảy ra ở tiểu thùy, thùy hoặc nang sữa.
Khi nào thì mẹ bắt đầu có sữa?
Sau khi sinh, các mẹ thường được khuyến khích nên cho con bú sữa ngay lập tức. Vậy, liệu sữa mẹ có sau khi sinh hay có vào thời điểm nào?
Thông thường, sữa mẹ đã bắt đầu có từ khi người mẹ mang thai, cụ thể là từ quý 2 của thai kỳ cho đến khi trẻ chào đời. Vì thế, sau khi trẻ ra đời đã có thể bú sữa mẹ ngay. Các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến khích mẹ cho con bú sữa trong 1 giờ đầu sau sinh bởi sữa lúc này có rất nhiều dưỡng chất và kháng thể tốt cho thai nhi.
Dòng sữa đầu tiên khi trẻ ra đời được gọi là sữa non, được sản xuất từ trong thai kỳ đến khi trẻ chào đời từ 2-4 ngày. Thông thường, sữa non sẽ có màu vàng nhạt hoặc trong, chứa nhiều đạm và các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Sau ngày thứ 4 kể từ khi trẻ chào đời cho đến ngày thứ 14, lúc này sữa mẹ được gọi là sữa chuyển tiếp. Sau ngày 14, lượng sữa trong cơ thể người mẹ được tiết ra ngày càng nhiều hơn, có màu trắng và loãng, được gọi là sữa trưởng thành.
Sữa trưởng thành được tiết ra từ cơ thể người mẹ thường nhiều hơn gấp nhiều lần so với sữa non. Điều này khiến bầu vú mẹ luôn có cảm giác căng cứng, được gọi là hiện tượng “xuống sữa”. Thông thường, sữa trưởng thành được chia thành 2 dạng là sữa đầu bữa và sữa cuối bữa.
- Sữa đầu bữa là phần sữa được tiết ra ngay đầu bữa bú của trẻ. Nếu chú ý, bạn sẽ thấy sữa có màu hơi xanh nhạt. Bên trong sữa có chứa nhiều dưỡng chất, nước, đường và đạm.
- Sữa cuối bữa là phần sữa được tiết ra sau gần cuối bữa bú của trẻ. Lúc này, sữa mẹ có màu trắng vì thành phần chứa nhiều chất béo hơn để cung cấp năng lượng tốt cho sự phát triển của trẻ. Vì thế, khi cho trẻ bú, mẹ cần lưu ý để trẻ bú đến khi hết sữa cuối, không để trẻ nhả vú sớm hay chuyển bên quá sớm.
Mẹ cho con bú càng nhiều thì mẹ càng có nhiều sữa, đúng hay sai?
Estrogen, progesterone, prolactin và oxytocin là 4 loại hormone tác động chính đến cơ chế sản xuất sữa trên cơ thể người mẹ. Trong đó, prolactin có ảnh hưởng đến phản xạ tiết sữa của bé. Khi trẻ mút vú mẹ và kích thích sự bài tiết của prolactin, loại hormone này sẽ đi vào máu và kích thích bầu vú sản xuất sữa. Thông thường, prolactin sẽ ở trong máu khoảng 30 phút sau bữa bú để tạo sữa cho bữa bú tiếp theo của trẻ. Vì thế, trẻ càng bú nhiều thì cơ thể sẽ càng bài tiết nhiều prolactin để vú mẹ có thể tạo nhiều sữa hơn.
Những lưu ý giúp kích thích sữa mẹ tiết ra nhiều hơn
Không phải mẹ bầu nào cũng có sữa để cho con bú ngay sau khi sinh. Một số trường hợp khác, mẹ chỉ có đủ sữa cho tháng đầu tiên và dần ít sữa hơn ở những tháng tiếp theo. Để có nhiều sữa hơn, mẹ cho con bú cần điều chỉnh cho bé bú đúng cách để kích thích sự bài tiết của hormone prolactin giúp bầu vú sản xuất sữa.
Khi bé bú mẹ, kích thích từ hành động mút của bé giúp mẹ giải phóng nhiều hormone prolactin giúp cơ thể mẹ sản xuất nhiều sữa hơn. Cơ chế này giúp người mẹ luôn đủ sữa cho con vào cữ bú tiếp theo. Vì thế, nếu càng cho con bú đúng cách thường xuyên thì người mẹ sẽ càng có nhiều prolactin trong máu và càng sản xuất nhiều sữa hơn.
- Các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng khuyên mẹ nên cho bé bú cách mỗi 2,5 – 3 giờ một lần.
- Khi cho bé bú, nên chú ý tư thế của bé cũng như động tác mút của bé để bầu sữa luôn đầy, tránh tình trạng sữa mẹ ít dần hoặc hết sớm. Lúc bé bú, mẹ cần điều chỉnh sao cho cả thân người của bé áp sát và hướng về phía mẹ; cằm bé chạm vào bầu sữa mẹ; miệng bé mở to, ngậm hết quầng vú, không để trẻ chỉ mút đầu ti. Mẹ có thể nghe tiếng nuốt sữa của trẻ cũng như chú ý động tác mút của bé chậm hay mạnh để điều chỉnh chi phù hợp.
- Bên trong sữa mẹ còn chứa feedback inhibitor of lactation (FIL) – một loại protein đặc biệt quyết định mỗi bên ngực mẹ sản xuất được bao nhiêu nữa. Khi cho con bú cạn mỗi bên ngực, hàm lượng FIL trong vú sẽ giảm khiến cơ thể sản xuất nhiều sữa mẹ hơn. Do đó, khi mẹ cho con bú, mẹ nên chú ý để bé có thể bú cạn mỗi bên ngực trước khi đổi bên.
- FIL quyết định lượng sữa từng bên vú. Bên cạnh đó, mỗi bên bầu vú sẽ có nhiều tiểu thùy và ống dẫn sữa khác nhau nên nếu xảy ra hiện trạng tắc tia sữa hoặc một bên bầu vú không có sữa, bạn hoàn toàn có thể cho trẻ bú bên bầu vú còn lại thay vì vội cho trẻ uống sữa công thức.
- Khi cho trẻ bú, mẹ nên chọn nơi vắng người, không gian yên tĩnh để bé tập trung bú thay vì ngó nghiêng xung quanh
- Không nên để dành sữa còn tồn trong ngực, điều này sẽ gây ức chế việc tiết sữa mới khiến mẹ hết sữa nhanh hơn
- Để sữa mẹ ra nhiều hơn, đều đặn hơn, mẹ nên giữ cho tâm trạng của mình được thoải mái. Nếu mẹ luôn lo lắng, cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, quá trình tiết sữa sẽ bị cản trở và khiến mẹ dễ bị tắc sữa, không đủ sữa cho con bú.
- Nghỉ ngơi, thư giãn và nhờ sự trợ giúp của người thân. Để tập trung hơn vào việc tạo sữa cho con bú, người mẹ cần dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, hạn chế các công việc nặng để cơ thể luôn thoải mái.
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vì thế, mẹ cho con bú đúng cách sẽ giúp cơ thể người mẹ có thể tiết ra nhiều sữa hơn, giúp con phát triển toàn diện hơn đấy! Tạp chí Mẹ và Con chúc bạn và bé luôn vui khỏe, hạnh phúc!