Chào bác sĩ!
Chồng tôi 30 tuổi, tôi 27 tuổi. Chúng tôi kết hôn được 3 năm và có một bé được 14 tháng. Cuộc sống gia đình ổn định, hai vợ chồng đều làm đủ ăn, dư được một khoản cũng kha khá hàng tháng. Tuy nhiên, điều khiến tôi rất “mệt đầu” là chồng tôi hay làm ra vẻ ta đây giàu có với họ hàng và bạn bè lắm. Như đã nói, vợ chồng tôi đúng là có dư, nhưng dư cũng chẳng phải quá nhiều. Tôi vẫn muốn dành dụm tiền để sau này có khi hữu sự cần đến, bình thường vốn đã quen với nếp sống khá giản dị (vừa đủ nhu cầu). Chồng tôi thì không chịu. Anh ấy có bao nhiêu tiền dư không muốn đưa tôi cất, cũng không tự dành dụm mà luôn đi mua những thứ đắt tiền, không phải vì nhu cầu cần mà chỉ vì muốn “lấy le” với mọi người. Điện thoại cứ đổi cái xịn nhất, đời mới nhất. Thỉnh thoảng lại thuê xe hơi đắt tiền chỉ để đi… họp lớp hay đi cà phê với bạn cũ. Mua iPad không phải vì cần dùng mà chỉ vì để tạo nên “phong cách đẳng cấp” (theo cách nghĩ của anh ấy). Tôi rất mệt mỏi với chuyện này.
N.N.H.T (Quận 3)
Thời buổi kinh tế khó khăn mà gặp phải những “chiêu” như vậy của chồng thì đúng là bạn… “mệt đầu” cũng phải. Sự khoa trương thông thường bắt nguồn từ cảm giác mất tự tin ở bản thân, muốn lấy những thứ về hình thức bên ngoài để khỏa lấp, bạn ạ. Để thay đổi được nó không phải một sớm một chiều, nhất là khi chồng bạn đã “lỡ” tạo “hình tượng” với mọi người xung quanh và anh ấy giờ đây rất sợ nếu như mất đi “hình tượng” ấy.
Bạn nên chọn cách “mưa dầm thấm lâu”. Chẳng hạn cứ thỉnh thoảng lại gửi cho anh ấy xem những bài viết liên quan đến thất nghiệp, nợ nần, đến tình cảnh khó khăn của mọi người, và “nhắc khéo” chồng rằng vợ chồng mình cần tiết kiệm. Có thể “giả vờ” cho anh xem những câu chuyện về các tỷ phú thật sự ở nước ngoài vẫn ăn mặc rất giản dị, chi tiêu rất vừa phải. Bạn cũng nên thỉnh thoảng nói khéo với chồng, rằng bạn bè mình nhiều người đang vất vả lắm, việc mình cứ tỏ ra “giàu có” sẽ có thể khiến người khác chạnh lòng.
Hãy chọn cách nói ấy, thay vì cứ chạm vào “tự ái đàn ông” của anh xã rằng: “Anh đừng nên khoa trương…”, “Anh lấy le với mọi người bằng xe… mượn thì có ích gì?”. Ngoài ra, bạn có thể “rủ rê” chồng đi học thêm những chương trình nâng cao, cải thiện mình trong môi trường học vấn. Đó là nơi anh ấy sẽ rất dễ để hiểu rằng giá trị thật sự của người đàn ông nằm ở đâu, được tiếp xúc nhiều hơn với những người giỏi thật sự mà lại khiêm tốn, tiết kiệm, chi tiêu thông minh, hợp lý.
Tất cả những việc này, “nguyên tắc” là hãy thật khéo bạn nhé. Dần dần, anh ấy sẽ hiểu giá trị của con người và sự ngưỡng mộ của người khác dành cho mình không phải đến từ những thứ “đua đòi” vượt quá khả năng như thế.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Trần Thị Quỳnh Dao