Mẹ và Con - Cha mẹ nào cũng muốn con mình gặp những điều tốt đẹp nhất, đạt được những thành tựu hay nhất. Mong ước này không sai nhưng mong cha mẹ cũng đừng kỳ vọng quá nhiều nếu không muốn con bị áp lực.

Đừng kỳ vọng quá nhiều không có nghĩa là không được đặt hy vọng nơi con cái. Chỉ là, cha mẹ chúng ta cần học cách để biến kỳ vọng này thành động lực cho con. Thay vì ép con trở thành một phiên bản hoàn hảo nào đó trong tưởng tượng của mình.

Cha mẹ nào cũng đặt kỳ vọng ở con

Con cái thường được xem như sự nối dài, kế tục đời sống cha mẹ. Một cách rất tự nhiên, cha mẹ luôn mong con mạnh khỏe, thành công, hạnh phúc. Xuất phát điểm của lý do thì rất tốt đẹp. Cha mẹ muốn tốt cho con, yêu thương con và muốn bảo vệ con khỏi mọi thất bại, đau khổ.

Nhiều phụ huynh tin rằng vì mình sống lâu hơn, nhiều kinh nghiệm hơn nên chắc chắn biết điều gì là tốt cho con. Kết quả là định hướng, thúc giục, khuyến khích, đòi hỏi và tiêu cực hơn là ép con theo “chuẩn” mà cha mẹ tin là tốt.

Cha mẹ nào cũng đặt kỳ vọng ở con
Cha mẹ nào cũng đặt kỳ vọng ở con

Công bằng mà nói thì việc cha mẹ đặt kỳ vọng vào con không xấu. Một sự kỳ vọng vừa đủ chính là động lực thúc đẩy con phấn đấu, là niềm tin, là điểm tựa cho con trẻ mỗi khi mất phương hướng hay gặp trở ngại.

Lý do khiến cha mẹ đặt áp lực lên con cái

Không phải lúc nào kỳ vọng của cha mẹ, hình mẫu cha mẹ vẽ sẵn cũng khớp với mong ước, sở thích, sở trường của con. Thế nhưng vì sao nhiều người dẫu cảm thấy con không thể làm được vẫn cố gây áp lực lên trẻ? Đây là một số nguyên nhân phổ biến:

Bản thân cha mẹ không hài lòng với cuộc đời mình

Những mong muốn, ước mơ, mộng tưởng dang dở nay được truyền sang con. Họ tin rằng phải đạt được những điều này thì đời sống con cái mới gọi là thành công. Tuy nhiên, bi kịch xảy đến khi ước mơ của cha mẹ chẳng phải những điều con trẻ mong muốn. Điều này sẽ gây áp lực rất lớn lên đứa trẻ.

Cha mẹ giỏi giang

Cha mẹ giỏi giang nên dễ có suy nghĩ là con nhất định cũng thế. Đặc biệt nếu cha mẹ giỏi toán, các môn tự nhiên mà con lại “dốt”, chỉ thích văn thơ vẽ vời thì các bậc phụ huynh càng hoang mang và gây áp lực. “Chắc chắn là do nó lười” chứ không phải vì mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt và không nhất định phải hưởng “gien học giỏi” từ cha mẹ.

Cha mẹ chịu áp lực từ bên ngoài

Áp lực từ xã hội và người thân quen, họ hàng lên cha mẹ thường rất lớn. Những câu hỏi thăm dịp Tết như con học trường nào, bao nhiêu điểm, có giỏi không, hạng bao nhiêu… Sự so sánh của người ngoài khiến cha mẹ cũng áp lực với thành tích và bắt đầu đặt kỳ vọng cao hơn vào con trẻ. 

Cha mẹ lo lắng thái quá

Những bậc cha mẹ như thế này thường hình dung đời sống xã hội rất đáng sợ. Làm lụng vất vả, lam lũ, không thể vượt lên được. Trong xã hội cạnh tranh và đầy áp lực thì cha mẹ đặt kỳ vọng con mình sẽ phải giỏi giang toàn diện để có đủ khả năng bươn chải một mình sau này. Kết quả là đứa trẻ chịu áp lực học hành sao cho “văn võ song toàn” mà cha mẹ vẫn chưa yên tâm.

Thế nhưng đừng kỳ vọng quá nhiều

Thế nhưng áp lực không phải lúc nào cũng tạo nên kim cương. Con cái không phải một viên than củi, cũng chẳng là “công cụ” để cha mẹ gián tiếp hiện thực hóa ước mơ dang dở.

Các nghiên cứu tâm lý học cũng đã chỉ ra rõ ràng việc đặt kỳ vọng quá cao, áp lực quá lớn chỉ khiến trẻ càng dễ khủng hoảng. Đừng kỳ vọng quá nhiều, nếu bạn có các dấu hiệu sau thì hãy dành thời gian nhìn lại mình nhé:

Biểu hiện của sự kỳ vọng thái quá

  • Cha mẹ thường xuyên, liên tục nhắc đi nhắc lại và tạo áp lực học tập, học giỏi thì mới có chỗ đứng trong xã hội. Thậm chí hỏi thăm tình hình học hành bạn bè như thế nào. Đưa con đến các lớp học thêm, mua sách luyện học luyện thi cho con.
  • Con cái không cần làm việc nhà vì như thế “tốn thời gian”. Con chỉ cần học giỏi là đủ, mọi chuyện khác cho cha mẹ lo.
  • Liên tục so sánh con với “con nhà người ta”, thậm chí chì chiết, mắng mỏ con vì không được như người khác.
  • Vẽ ra những viễn cảnh đáng sợ nếu con không chịu học, “không lo học mẹ cho đi bán vé số” có lẽ là những câu nói rất hay gặp.
  • Học mọi lúc mọi nơi, ngay cả thời gian nghỉ ngơi vui đùa của con cũng biến thành giờ học theo một cách nào đấy.

Áp lực vô hình từ niềm kỳ vọng của cha mẹ

Áp lực mỗi đứa trẻ nhận được từ kỳ vọng của cha mẹ là cực lớn. Bất cứ đứa trẻ nào cũng muốn mình là con ngoan, được cha mẹ yêu thương. Tuy nhiên, khi tình yêu của cha mẹ dựa trên điều kiện là “con phải giỏi” thì động lực sẽ biến thành áp lực.

Khi cha mẹ đặt kỳ vọng cao và không phù hợp, trước tiên, trẻ sẽ bất lực, hoang mang và tự ti vì mình thấp kém. Đồng thời, nếu cha mẹ thường xuyên so sánh thì con cũng đâm ra ghét bỏ người xung quanh, ghét bỏ các bạn học giỏi vì trẻ tin rằng chỉ có học giỏi mới được yêu thương.

Việc cha mẹ chăm chăm nhìn vào điểm số, thành tích có thể gây áp lực khiến trẻ phải gian dối như quay cóp, chép bài hoặc học lệch. 

đừng kỳ vọng quá nhiều ở trẻ
Đừng kỳ vọng quá nhiều ở trẻ

Đáng lo ngại hơn, trẻ sẽ không cảm thấy vui vẻ hào hứng khi học. Lúc này, việc học tập là gánh nặng khủng khiếp. Con luôn thấy chán nản, uể oải những khi phải đến lớp. Nhiều trẻ còn biểu hiện về mặt sinh lý như đau bụng, đau đầu khi đến giờ học. Cha mẹ vì thế lại càng khắt khe, gắt gỏng vì tin rằng trẻ đang giả vờ để trốn học mà thôi.

Nặng nề hơn, trẻ trầm cảm vì áp lực gia đình, lo lắng, sợ hãi lâu ngày dồn nén có thể dẫn tới hành vi tự hại, thậm chí là tự tử.

Ngay cả cha mẹ cũng mệt mỏi với những kỳ vọng. Luôn phải theo dõi tình hình học tập, phải chạy đôn chạy đáo tìm lớp hay, căng thẳng khi con bị điểm kém…

Học cách kỳ vọng sao cho đúng

Để kỳ vọng không là gánh nặng mà là động lực cho con, cha mẹ nhớ:

  • Nhìn lại các dấu hiệu kỳ vọng thái quá bên trên và điều chỉnh suy nghĩ và kỳ vọng bản thân. Học cách chấp nhận con người trẻ mà không đổ lỗi, mắng mỏ con.
  • Tôn trọng, lắng nghe và làm bạn với con: thay vì áp đặt sở thích, định hướng tương lai cho trẻ thì hãy lắng nghe xem con thích gì, muốn gì.
  • Thấu hiểu con để đặt kỳ vọng cho phù hợp: cha mẹ có thể gợi ý để trẻ thử nhiều sở thích khác nhau và từ đó tìm hiểu lợi thế của bé rồi định hướng cho phù hợp.

Nhìn chung, để con vui vẻ học tập và cha mẹ cũng thoát khỏi áp lực thì đừng kỳ vọng quá nhiều. Hãy tôn trọng sở thích và sở trường của con. Việc này ban đầu có thể khá khó khăn, nhưng vì tình yêu với con thì chẳng có gì là không thể. Có cha mẹ luôn ủng hộ hết mình mới là động lực để con cái yên tâm bay cao, bay xa.

Bài viết liên quan