Mẹ&Con – Giấm ăn là một loại gia vị kích thích cảm giác ngon miệng khi ăn với một lượng vừa phải nhưng nếu chị em lạm dụng việc uống giấm giảm cân thì rất nguy hại cho cơ thể.
Lạm dụng uống giấm giảm cân – Bào mòn ruột
Trong giấm chứa axit acetic hay axit citric và axit amin có tác dụng thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể, kích thích sự đốt cháy năng lượng và làm giảm chất mỡ, đặc biệt là mỡ bụng nên có thể giúp giảm cân nhanh chóng, hiệu quả. Đồng thời nồng độ của men trong giấm cũng giúp loại bỏ các tế bào chết, phân giải các thành phần chất béo hấp thu vào cơ thể và khử độc.
Trong thực tế, nếu lạm dụng giấm với một lượng lớn, uống thường xuyên hằng ngày là một chế độ giảm cân không phù hợp. Việc uống giấm giảm cân quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng niêm mạc dạ dày và ruột bị bào mòn, hủy diệt các men tiêu hóa. Người dùng giấm không còn cảm giác muốn ăn, không thể hấp thu được các chất dinh dưỡng. Ngoài ra có thể gây độc với nhiều mức độ khác nhau do độ pH trong cơ thể giảm tác động lên hệ thần kinh, nguy hại cho dạ dày và ruột; thậm chí cả phổi, thận… cũng bị ảnh hưởng.
Có thể nói dùng giấm để giảm cân là một phương pháp tiềm ẩn những nguy hại và hoàn toàn không nên lạm dụng.
Dùng giấm an toàn
Nếu muốn uống giấm giảm cân một cách an toàn và hiệu quả, cách tốt nhất là dùng loại giấm tự nhiên và giấm tự làm ở nhà theo đúng phương pháp. Nhận biết giấm lên men tự nhiên thường dựa vào mùi hương và màu sắc. Khi mở nắp chai cảm nhận vị chua nhẹ, dịu, không bay lên mũi ngay.
Mỗi ngày, chị em có thể dùng khoảng 15ml giấm để giảm cân, chia ra uống sau mỗi bữa ăn chừng 20 phút hoặc sử dụng như một gia vị trong món salad rau củ; không được uống khi bụng đói vì làm thương tổn niêm mạc dạ dày và không được uống nhiều hơn số lượng quy định mỗi ngày. Có một số người do muốn giảm cân nhanh đã tăng số lượng giấm uống hằng ngày hoặc uống khi bụng đói sẽ gây nên ảnh hưởng nguy hại cho dạ dày.
Thực tế nếu dùng giấm đơn thuần có vị chua rất khó uống, vì vậy có thể pha loãng thêm với mật ong hay nước ép trái cây để dễ uống hơn. Ngoài dùng giấm để uống, chị em có thể kết hợp giấm để chế biến các loại thức ăn khác như trộn rau xà lách, trộn gỏi, làm nộm, bỏ thêm vào món ăn…
Một số trường hợp không nên uống giấm giảm cân
- Đang uống một loại thuốc để chữa bệnh.
- Nếu dùng thuốc có tính kiềm, giấm sẽ làm cho hiệu lực của thuốc điều trị bị hạn chế và mất tác dụng.
- Khi bị thương tổn ở xương, nếu dùng giấm sẽ làm cho chỗ xương bị tổn thương lâu liền sẹo và gây đau đớn, nhức mỏi.
- Người bị sỏi mật khi uống giấm sẽ làm cho túi mật bị kích thích, co bóp và tạo nên cơn đau.
- Bệnh nhân bị viêm loét dạ dày – tá tràng nếu uống giấm nhiều sẽ làm cho bệnh lý ngày càng trầm trọng hơn.