Mẹ&Con – Tình trạng nhiễm sán lợn ngày càng gia tăng, nhưng bạn có thể bảo vệ mình và gia đình bằng cách tránh xa những món ăn có nguy cơ nhiễm sán cao dưới đây.
Tiết canh
Một trong những món ăn khoái khẩu của người Việt là tiết canh chính là món ăn có nguy cơ nhiễm sán cao. Loại thực phẩm này được chế biến bằng cách trộn lẫn thịt, xương, sụn của các loài động vật trong máu tươi. Vì vậy, món tiết canh không tiêu diệt được các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, nhất là máu của lợn, gà, vịt… đang nhiễm bệnh.
Nem chua
Nem chua sống được làm từ da lợn, thịt lợn tái cùng các phụ gia khác rồi cho lên men lactic. Do nem chua chỉ là món thịt tái, không được đun nấu kỹ càng nên người ăn rất dễ nhiễm sán dây lợn khi ăn phải nem được làm từ thịt lợn gạo – thịt lợn có chứa các nang ấu trùng sán, sùi lên những nốt màu trắng cứng, nhỏ.
Gỏi cá, gỏi hải sản
Món gỏi cá sống hay gỏi hải sản sống tuy rất ngon nhưng cũng là một trong những món ăn có nguy cơ nhiễm sán cao. Cá sống, hải sản sống có thể nhiễm khuẩn và nhiễm ký sinh trùng mà đáng kể nhất là giun đầu gai Gnathostoma.
Các biện pháp truyền thống như vắt chanh, chế giấm vào các lát cá, hải sản đều không diệt được giun, kể cả uống rượu mạnh cũng không có tác dụng. Các chuyên gia y tế khuyến cáo chỉ nên chỉ ăn cá, hải sản đã được nấu nướng thật chín.
Ốc
Ốc là loài sống trong môi trường bùn sâu thường chứa rất nhiều loại ký sinh trùng có hại cho cơ thể. Mỗi con ốc có thể chứa tới 3.000-6.000 ký sinh trùng giun ống. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo, nếu ăn ốc, bạn phải nấu thật chín. Tuyệt đối không nên ăn ốc chín tái.
Các loại thịt tái
Trong các loại thịt sống, thịt chế biến chưa chín kỹ cũng có nguy cơ nhiễm các ký sinh trùng như sán dải bò (sán xơ mít), sán lá gan…
Các loại rau sống
Rau sống là một trong những món ăn có nguy cơ nhiễm sán cao. Những loại rau được trồng trên cạn như rau mùi, xà lách… thường nhiễm các loại giun, sán. Không những vậy, rau sống được tưới bằng nước bẩn, bón phân tươi là mầm mống khiến cho ký sinh trùng sinh sôi.