Thưa bác sĩ,
Một chị bạn đồng nghiệp làm cùng phòng với em, mang thai trước em mấy tháng vừa rồi đột nhiên bị phù nề, huyết áp tăng đột ngột. Đưa vào bệnh viện thì bác sĩ báo chị ấy bị tiền sản giật và cấp cứu nhưng chỉ cứu được mẹ, còn thai bị chết lưu. Em biết tin này thì đâm ra lo sợ quá. Xin hỏi bác sĩ, tiền sản giật là gì, thai phụ nào có nguy cơ gặp phải và có cách nào để phòng tránh hoặc phát hiện sớm không? Em cũng đang mang thai nên rất muốn tránh cho con hết mọi nguy cơ. Mong bác sĩ tư vấn giúp em càng sớm càng tốt. Xin chân thành cảm ơn bác sĩ.
Nguyễn Thị Hồng Loan
(Quận 6)
Bạn Hồng Loan thân mến,
Tiền sản giật là một biến chứng thai nghén, chiếm tỷ lệ 6-8% số phụ nữ mang thai. Tức là cứ 100 thai phụ thì trung bình có 6-8 người có nguy cơ hoặc xảy ra tiền sản giật, một con số cũng khá cao! Tuy nhiên, nói vậy chứ bạn cũng không nên quá hốt hoảng hay căng thẳng với chuyện này, vì phần lớn biến chứng nói trên chỉ xảy ra ở những thai phụ mang sẵn bệnh mạn tính như bệnh thận, bệnh basedow, tiểu đường… Trong trường hợp bạn khỏe mạnh bình thường, đã khám tổng quát và tình hình sức khỏe không có gì đáng lo ngại thì đừng nên lo lắng quá, chỉ cần phải khám thai theo định kỳ và hiểu rõ những biến đổi bất thường ở cơ thể mình (nếu có) là ổn thôi bạn ạ.
Để bạn hiểu rõ hơn, tôi xin nêu những dấu hiệu bất thường do tiền sản giật gây ra, giúp bạn kịp thời phát hiện và đến bệnh viện càng sớm càng tốt khi gặp những triệu chứng này. Biểu hiện của tiền sản giật bao gồm: Tăng huyết áp, phù mặt và tay, xét nghiệm thấy nước tiểu nhiều đạm, đau đầu, đau bụng nặng… Bạn cần lưu ý là biểu hiện phù mặt, phù tay rất giống với hiện tượng phù bình thường, hay gặp ở thai phụ. Vì thế không được chủ quan mà cần theo dõi sát những dấu hiệu này.
Tiền sản giật có thể khiến thai phụ bị tổn thương gan, thận; làm thai nhi bị chậm phát triển, suy thai hoặc chết lưu. Nghiêm trọng hơn nữa, tiền sản giật có thể dẫn đến xuất huyết não, gây tử vong cho chính thai phụ. Vì mức độ nghiêm trọng như vậy nên thai phụ thuộc nhóm có nguy cơ tiền sản giật phải kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Trường hợp nhẹ có thể điều trị tại nhà, nhưng trường hợp nặng sẽ phải đình chỉ thai, sinh non hoặc kể cả bỏ thai để tránh nguy cơ biến chứng nặng dẫn đến tử vong cho mẹ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Khánh Vân
(BV Đại học Y Dược)