Tôi năm nay 40 tuổi, có hai công chúa nhỏ xinh xắn và một người vợ đảm, giỏi giang. Công việc làm ăn của tôi cũng ngày càng phất lên. Từ một công ty nhỏ giờ tôi đã mở rộng chi nhánh khắp cả nước. Sau một ngày làm việc vất vả, trở về nhà được ngồi bên mâm cơm ấm nóng do chính tay vợ nấu, nghe tiếng cười nói bi bô của các con. Với tôi cuộc sống như vậy là quá viên mãn rồi. Người ngoài nhìn vào ai cũng xuýt xoa, bạn bè thì thầm ghen tỵ với sự nghiệp thành đạt và gia đình nhỏ hạnh phúc của tôi.
Những tưởng cuộc sống hạnh phúc viên mãn này sẽ kéo dài. Cho đến một ngày, tôi về thăm quê. Quê tôi là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, gia đình tôi là một dòng họ lớn trong làng và tôi là cháu đích tôn. Sóng gió bắt đầu ập từ ngày đó.
Lần đó, tôi đưa vợ và các con về quê giỗ tổ. Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, vợ tôi lo phụ các cô, các thím trong họ nấu nướng. Còn tôi ngồi hàn huyên với các ông, các chú và người lớn trong họ. Sau đám giỗ, tối hôm đó ông bà nội và bố mẹ gọi hai vợ chồng tôi vào nói chuyện riêng.
– Thành ạ, ông thấy hai con gái của cháu cũng đã lớn rồi. Vợ chồng cháu tính bao giờ sinh thêm đứa nữa?
– Dạ, thưa ông bà và bố mẹ. Vợ chồng con tính sẽ không sinh thêm nữa ạ. Chưa dứt lời ông nội giận tím mặt quát lớn:
– Không được! Cháu như vậy là bất hiếu. Cháu là đích tôn phải có nghĩa vụ sinh con trai để nối dõi tông đường.
– Nhưng mà ông ơi! – Không nhưng gì hết! Nội trong năm nay hai đứa phải sinh thêm cháu cho ông.
Được nước bố mẹ tôi cũng thêm vào. Đúng rồi đó các con. Không có cháu trai bố mẹ sao dám ngước mặt nhìn họ hàng, láng giềng. Hai đứa phải sinh cháu trai để bố mẹ nở mày nở mặt nữa chứ.
Nghe đến đây cả hai vợ chồng vừa lo, vừa sợ không dám hé nửa lời.
Tôi đã có hai cô con gái xinh xắn, đáng yêu. Liệu vợ chồng tôi có nên sinh thêm con trai để làm vừa lòng người lớn? Ảnh minh họa
Bẵng đi một thời gian sau đó. Một hôm đi làm về, vừa bước vào cửa vợ chạy ra khóc nức nở. Cố giữ bình tĩnh tôi hỏi:
– Có chuyện gì mà em khóc vậy?
– Anh nhớ 3 tháng trước về giỗ tổ không?
– Ừh. Nhưng chuyện đó thì liên quan gì đến việc em khóc?
– Thì chuyện vợ chồng mình phải sinh thêm cháu trai để nối dõi đó. Anh không biết thôi! Cả ba tháng nay ngày nào ở quê cũng gọi điện lên “réo” em về chuyện này. Hôm nay, mẹ gọi điện ra tối hậu thư trong năm nay em phải có bầu. Nếu em không sinh con trai để nối dõi tông đường, ông bà sẽ ép anh bỏ em để lấy người khác.
Nói đến đây vợ tôi giàn giụa nước mắt. Nhìn vợ khổ tâm nức nở, mà tôi xót xa vô cùng. Với tôi con nào cũng là con. Dù con trai hay con gái chỉ cần mình nuôi dạy tốt, các cháu sẽ biết báo hiếu cha mẹ.
Tôi trấn an vợ:
– Em yên tâm đi, anh sẽ gọi điện về nói chuyện và giải thích cho các cụ hiểu.
Nhưng mọi chuyện không hề đơn giản như tôi nghĩ. Không những không thông cảm mà bố mẹ tôi còn ra tối hậu thư “Nếu trong năm nay không sinh được con trai, con phải bỏ vợ để lấy người khác. Nếu không bố mẹ sẽ từ mặt, cho con ra khỏi dòng họ”.
Giờ tôi hoang mang quá, tôi yêu vợ và trân quý gia đình mình. Không muốn mất đi hạnh phúc mình đã dày công vun đắp. Nhưng bên tình bên hiếu tôi biết phải làm sao? Nếu cứ chống đối không nghe theo rồi gia đình cũng xào xáo. Còn nghe theo lời bố mẹ bỏ vợ thì vạn lần tôi cũng không thể làm được. Tôi rối quá. Mong chị cho một lời khuyên.
Tuấn Anh (Hà Nội)
Con trai, con gái không quan trọng
Chào em,
Văn hóa thờ cúng ông bà tổ tiên đã ăn sâu vào nếp nghĩ của mỗi người dân Việt Nam, trải qua bao thế hệ vẫn vậy. Đây là một nét văn hóa đẹp đáng để lưu truyền và gìn giữ cho con cháu mai sau.
Đứng ở góc độ người lớn trong gia đình, họ “yêu cầu” vợ chồng em có con trai để nối dõi tông đường là không sai. Chỉ là cách thể hiện của các cụ không hợp tình hợp lý thôi em ạ. Vì lẽ đó, em không nên đối lập với gia đình, mà nên đặt bản thân vào hoàn cảnh của họ để cảm thông, thấu hiểu những nỗi niềm mà người lớn trong nhà đang gặp phải.
Cũng như em, họ cũng đang phải đối diện với áp lực từ những người trong dòng họ. Hàng xóm, láng giềng dị nghị. Vốn dĩ ở quê là thế. Nếp nghĩ trọng nam khinh nữ vẫn ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người dân quê chân chất. Đặc biệt, là với những gia tộc lớn, việc có con nối dõi tông đường dường như trở thành di nguyện “bất di bất dịch”.
Vì em là thành viên trong họ tộc đó, sinh ra ở làng quê đó thì em phải hứng chịu những lề lối, tập tục và quy định của họ tộc. Nghiễm nhiên đã là cháu đích tôn thì phải gánh vác việc to việc nhỏ trong họ. Bao gồm cả việc sinh con trai. Nhưng trớ trêu thay em lại không may mắn sinh con trai để nỗi dõi tông đường. Mâu thuẫn gia đình bắt nguồn từ đó.
Em rất yêu vợ và trân quý hạnh mà hai người đã dày công vun đắp. Chị hoàn toàn ủng hộ lựa chọn sáng suốt của em. Chị biết, điều em quan tâm nhất lúc này là làm sao để bố mẹ và ông bà chấp nhận việc em chỉ sinh được hai cô con gái. Và làm thế nào để em có thể “gỡ bỏ” gánh nặng phải sinh con trai phải không nào?
Em ạ, mặc dù rất khó để thay đổi suy nghĩ của thế hệ trước, bởi chính quy định, lề lối làng quê đã bắt buộc họ phải như vậy. Tuy nhiên, việc sinh con trai hay con gái không phải do em hoặc vợ có thể quyết định được. Nếu nói theo tâm linh thì tùy vào chữ duyên và ông trời định. Còn nếu xét về mặt sinh học nó phụ thuộc vào gen nữa đúng không em?! Và liệu, em có dám chắc nếu nghe theo lời bố mẹ bỏ vợ lấy người khác sẽ sinh được con trai? Điều này, cả bản thân em và các cụ đều không dám khẳng định chắc chắn 100% đúng không nào?! Vì họ ao ước có đứa cháu trai để nối dõi nên làm “liều” thôi.
Chị biết là không thể một sớm một chiều thay đổi suy nghĩ của các cụ. Nhưng người xưa cũng có câu “Mưa dầm, thấm đất”, nếu em quyết định giữ hạnh phúc gia đình bé nhỏ của mình, thì cả em và bà xã phải kiên trì “trường kỳ kháng chiến”. Thường xuyên về thăm ông bà, những ngày giỗ chạp làm trọn bộn phận con cháu. Bên cạnh đó, nên dành thời gian để chăm sóc và bảo ban hai cô con gái nhỏ. Và nhớ cho các cháu về quê chơi với ông bà nhiều hơn nữa nhé. Chị tin rằng, khi vợ chồng em chu đáo với họ hàng, các con của em ngoan ngoãn, học giỏi, kính trọng và lễ phép với ông bà. Lâu dần, các cụ sẽ nhận ra, cháu nào cũng là cháu.
Nhưng chị phải nhắc nhỏ em, nếp nghĩ này đã ăn sâu vào lề lối của cha ông. Vì thế, cả em và bà xã phải kiên trì, nhẹ nhàng. Đừng vì chán nản mà buông tay, đừng vì một phút xốc nổi, nỏng nảy mà đẩy sự việc ngày càng đi xa. Hãy chứng minh cho ông bà thấy, gia đình em hạnh phúc như thế nào. Và nhớ luôn làm trọn chữ hiếu với cha mẹ và ông bà tổ tiên nữa em nhé. Chị tin cùng với thời gian ông bà sẽ hiểu ra vấn đề và chấp nhận việc em không thể sinh con trai.
Chị chúc em may mắn và gia đình mãi hạnh phúc!
Thân,
Chị Thỏ Bông
Bạn đọc thân mến, thời gian qua, qua địa chỉ email: tapchi@mevacon.giaoduc.edu.vn Ban biên tập nhận được rất nhiều tâm sự của độc giả xoay quanh chuyện tình yêu, hôn nhân, gia đình và nuôi dạy con cái muốn được giải bày và chia sẻ mong tìm được nút gỡ. Vì lẽ đó, chuyên mục “Chị Thỏ Bông” ra đời. Mọi tâm sự, chia sẻ và thắc mắc có thể gửi về địa chỉ email: tapchi@mevacon.giaoduc.edu.vn hoặc gửi thư về địa chỉ tòa soạn tạp chí Mẹ&Con (14 Hoa Sứ, P.2, Q. Phú Nhuận), chị Thỏ Bông sẽ lắng nghe và chia sẻ cùng bạn.